Đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc: Trung Quốc mới là kẻ phải lo lắng

06/09/2019 11:05 GMT+7
Jim Cramer, nhà phân tích từ CNBC bác bỏ quan điểm chiến tranh thương mại và trừng phạt thuế quan đang khiến nền kinh tế Mỹ giảm tốc. “Trung Quốc mới là kẻ phải lo lắng”.

Một bước tiến “đột phá” chờ đợi Mỹ và Trung Quốc?

Hôm 5/9, Bộ Thương mại Trung Quốc chính thức phát đi thông báo tái khởi động đàm phán Mỹ Trung vào đầu tháng 10 tại Washington. Các cuộc tham vấn sẽ được tiến hành từ giữa tháng 9 để tạo nền tảng cho đàm phán thương mại tiến bộ và bình đẳng.

Ngay sau thông tin này, ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc lập tức đăng tweet dự đoán vòng đàm phán thương mại Mỹ Trung tới đây nhiều khả năng sẽ chứng kiến những bước tiến mang tính đột phá. “Mỹ và Trung Quốc vừa tuyên bố nối lại đàm phán thương mại trong nỗ lực đạt được một tiến bộ nhất định. Cá nhân tôi nghĩ rằng nền kinh tế Mỹ đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến tranh thương mại, chính quyền Trump giờ đây có lẽ đã hết hy vọng trong việc khiến Trung Quốc thỏa hiệp. Những bước tiến đột phá rất có thể sẽ xảy đến”. 

Như vậy, theo nhận định của ông Hồ Tích Tiến, Mỹ mới là kẻ chịu tổn thất và đang mong chờ một thỏa thuận thương mại lúc này. Đây cũng là lý do ông cho rằng vòng đàm phán vào đầu tháng 10 sẽ chứng kiến những chuyển biến "đột phá".

Thời báo Hoàn Cầu thuộc quản lý của tờ Nhân Dân Nhật Báo - một trong những cơ quan phát ngôn chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Do đó, tiếng nói của Hồ Tích Tiến được cho là có tầm ảnh hưởng lớn, tài khoản Twitter của ông được nhiều nhà đầu tư và kinh tế theo dõi, nhất là sau khi chiến tranh thương mại Mỹ Trung bùng nổ. Lần gần đây nhất, Hồ Tích Tiến đã cảnh báo sự trả đũa của Trung Quốc với mức thuế mới của Trump chỉ vài giờ trước khi chính quyền Tập Cận Bình chính thức ra thông báo áp thuế 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ.

Taoran Notes, một tài khoản WeChat do Nhật báo Kinh tế Trung Quốc điều hành cũng đăng tải bài luận dài hơn 1.200 từ hôm 5.9, nhấn mạnh việc Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến hành các cuộc tham vấn ngay giữa tháng 9 để chuẩn bị cho một “sự tiến bộ có ý nghĩa” trong cuộc đàm phán thương mại cấp Bộ trưởng tại Washington đầu tháng 10. “Sự tiến bộ có ý nghĩa” là một cụm từ đã không được sử dụng kể từ sau khi đàm phán thương mại đổ bể hồi tháng 5. Như vậy, vòng đàm phán được tái thiết lập sắp tới rất có khả năng sẽ mang đến những tiến triển đặc biệt, theo Taoran Notes.

“So với Mỹ, Trung Quốc cần một thỏa thuận hơn” 

Bất chấp những áp lực từ nguy cơ suy thoái kinh tế và cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020, dư luận dường như không thể đoán trước ông Trump sẽ hành động ra sao trong vòng đàm phán thương mại với Bắc Kinh tới đây: tiếp tục giữ quan điểm cứng rắn hay mở đường cho một bước tiến “đột phá” như Hồ Tích Tiến dự đoán?

Jim Cramer, nhà phân tích kinh tế tài chính từ CNBC hôm 5.9 nhận định ông Trump hoàn toàn có thể tiếp tục đường lối cứng rắn trong xung đột thương mại với Trung Quốc. Jim chỉ ra rằng người Trung Quốc dường như sốt sắng đàm phán thương mại hơn, đúng như những gì ông Trump từng nhận định. Trong khi Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố vòng đàm phán tiếp theo sẽ tái khởi động vào đầu tháng 10, phía Mỹ chỉ xác nhận cả hai bên sẽ gặp nhau “trong vài tuần tới” mà không đưa ra mốc thời gian cụ thể nào.

Jim Cramer: “So với Mỹ, Trung Quốc cần một thỏa thuận hơn.”

“So với Mỹ, Trung Quốc cần một thỏa thuận hơn.” Jim Cramer viện dẫn tăng trưởng việc làm ổn định trên thị trường lao động Mỹ các tháng trước đó cùng bảng lương khu vực kinh tế tư nhân tháng 8 của ADP đạt 195,000 - mức tăng vượt xa dự đoán của Dow Jones. Dữ liệu công bố hôm 5.9 cũng chỉ ra lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần trong tháng 8 chỉ tăng nhẹ. Chi tiêu tiêu dùng Mỹ tháng trước vô cùng lạc quan.

“Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là sức mạnh người tiêu dùng, thể hiện ở mức chi tiêu tiêu dùng và doanh số bán lẻ tăng trưởng”. Jim qua đó bác bỏ quan điểm chiến tranh thương mại và trừng phạt thuế quan đang khiến nền kinh tế Mỹ giảm tốc. “Trung Quốc mới là kẻ phải lo lắng” - Jim nói thêm.

Hồi đầu tháng, bà Anna Ashton, giám đốc cấp cao về các vấn đề Chính phủ tại Hội đồng Kinh doanh Mỹ Trung từng nhận định: “Miễn là cuộc xung đột thương mại mà Mỹ đang theo đuổi không mang đến nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế khiến người Mỹ điêu đứng. Miễn là nó chỉ gây ảnh hưởng đến Trung Quốc. Đó có lẽ là đủ (cho cơ hội tái đắc cử của Trump”. Do vậy, ông Trump có đủ lý do để tăng cường quan điểm cứng rắn trước Trung Quốc đúng như những gì vị Tổng thống Mỹ kêu gọi bấy lâu nay.

Thùy Dung
Tags:
Cùng chuyên mục