Xuất khẩu trái cây vào Trung Quốc: Cần một doanh nghiệp "đầu đàn" chính ngạch dẫn dắt vào thị trường tỉ dân (bài 5)

Nguyên Vỹ - Trần Đáng Thứ hai, ngày 03/01/2022 08:28 AM (GMT+7)
Đầu ra bền vững cho trái cây ở thị trường Trung Quốc đến giờ vẫn là bài toán khó. Nhiều yêu cầu đặt ra cho nông dân. Nhưng nếu không có một doanh nghiệp đủ bản lĩnh định hướng thị trường thì nỗ lực của nông dân cũng phá sản.
Bình luận 0

Thay đổi tư duy sản xuất

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ trái cây đầy tiềm năng không chỉ ở Việt Nam mà cả các nước khác. Thị trường này cũng đặt ra yêu cầu nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt. 

Thế nhưng tình trạng chung hiện nay là đa số nông dân, HTX đều mạnh ai nấy làm, sản phẩm không đồng nhất. Việc tuân thủ quy trình sản xuất, cũng như các điều khoản ký kết giữa HTX và doanh nghiệp rất dễ bị phá vỡ do tác động của thị trường.

Nông dân trồng thanh long xuất khẩu ở huyện Châu Thành, Long An. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nông dân trồng thanh long xuất khẩu ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Ảnh: Nguyên Vỹ.

Bà Ngô Tường Vy - Phó Tổng giám đốc Công ty XNK trái cây Chánh Thu cho biết, doanh nghiệp đầu tư và phát triển thị trường thì cần có nguồn nguyên liệu ổn định, mức giá ổn định.

Công ty Chánh Thu đang tự đầu tư vùng nguyên liệu trái cây ở nhiều địa phương, trực tiếp tạo ra chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm với mức giá cố định trong vòng 5-10 năm.

Đầu tư như thế, doanh nghiệp phải tính toán chi li từng chi phí đầu vào cho sản xuất. Để từ đó phân vai cho từng chủ thể, cũng như phân chia lợi nhuận phù hợp.

Bà Vy kể, công ty đang tập huấn cho các HTX được chọn làm chi nhánh của Chánh Thu.

"Thật tình mà nói, chúng tôi đang ép người nông dân phải học, ép HTX phải thay đổi. Hy vọng sau khó khăn này, tính chủ động của HTX và nông dân sẽ nâng lên, sẵn sàng thích ứng với các biến động của thị trường", bà Vy chia sẻ.

"Để làm được điều này, tư duy liên kết phải đồng thuận. Vì trước đây, nhiều liên kết đã bị phá vỡ do không cam kết rõ ràng. Nhiều khi HTX làm không đúng tiêu chuẩn, chẳng lẽ doanh nghiệp đi thưa kiện, bà Vy nói. Cho nên, lãnh đạo địa phương sẽ là người trung gian tạo dựng cho doanh nghiệp niềm tin để hoàn thiện chuỗi liên kết".

Nông dân trồng thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nông dân trồng thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Nguyên Vỹ.

Ông Lê Minh Quang – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) cho biết, thị trường thanh long ở địa phương chỉ mới biến động trong vòng 3 ngày qua sau đợt ùn ứ nông sản ở cửa khẩu.

Giá thanh long ruột trắng trước đang ổn định từ 18.000-19.000 đồng/kg, hiện giảm chỉ còn 12.000-14.000 đồng/kg. Giá thanh long ruột đỏ từ 29.000-32.000 đồng/kg xuống còn 25.000 đồng/kg.

Theo ông Quang, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hộ dân, HTX chủ động tính toán, sản xuất theo hợp đồng với giá cả ổn định. Tuy nhiên, số này không nhiều. Đa số nông dân vẫn bán cho thương lái trung gian.

Tình hình thông quan tại các cửa khẩu phía Bắc vẫn chưa mấy sáng sủa. Nỗi lo của nông dân vẫn chưa giảm, khi dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp. "Một số nông dân trồng thanh long đang lo lắng không chỉ cho thị trường Tết mà còn sau Tết nữa", ông Quang nói.

Cần một doanh nghiệp đầu đàn

Ông Nguyễn Phú Hoàng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận cho biết, câu chuyện đầu ra bền vững cho thanh long ở thị trường Trung Quốc đến giờ vẫn là bài toán khó.

Vùng trồng thanh long chong đèn ở huyện Hàm Thuận Nam. Ảnh: Bình An

Vùng trồng thanh long chong đèn ở huyện Hàm Thuận Nam. Ảnh: Bình An

Theo ông Hoàng, nguyên nhân chủ quan trước hết nằm ở phía người dân. Nhiều nông dân thấy dễ thì làm, chưa tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn sản xuất sạch. Và khi làm cho thị trường dễ tính thì họ cũng không cần quan tâm đến dự báo thị trường.

Vừa qua, Nhật Bản đã chấp nhận cấp chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận. Thế nhưng, nông dân có đưa thanh long qua Nhật Bản được hay không, đi số lượng nhiều hay ít lại là một câu chuyện khác. Đó là trách nhiệm của nông dân.

Về khách quan, trách nhiệm kết nối thị trường của nhà nước cũng chỉ mang tính định hướng. Nhà nước không thể bao quát hết tất cả các khâu. Phần việc quan trọng nhất là ở người trực tiếp xuất khẩu. Đó chính là doanh nghiệp.

"Nghĩa là địa phương cần phải có những doanh nghiệp lớn, làm đầu tàu, đứng ra ký kết với khách hàng, rồi định hướng sản phẩm ở nội địa. Có như vậy mới kết nối được cung cầu", ông Hoàng nói.

Hiện nay, nông dân trồng thanh long theo nhiều tiêu chuẩn, từ VietGAP tới GlobalGAP. Doanh nghiệp phải có năng lực ở thị trường xuất khẩu, từ đó phân khúc ra thị trường nào thì cần hàng theo tiêu chuẩn nào.

Ông Hoàng đánh giá, tỉnh Bình Thuận tuy có nhiều đơn vị xuất khẩu nhưng một doanh đủ tầm để định hướng cho nông dân thì chưa có. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể làm được, đa phần vẫn chọn xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Chỉ khi có doanh nghiệp định hướng thì nông dân mới đi theo, mới tạo ra kênh tiêu thụ hiệu quả. Còn không thì bài toán ùn ứ cứ lặp đi lặp lại.  "Kể cả nông dân làm theo tiêu chuẩn GlobalGAP mà không bán được thì cũng phá sản", ông Hoàng nói.

Ông Nguyễn Phú Hoàng (trái) khảo sát vùng trồng thanh long xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Nguyễn Phú Hoàng (trái) cùng Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Nguyễn Xuân Định khảo sát vùng trồng thanh long xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Nguyên Vỹ

Không phải vô cớ mà trái cây Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị kiểm tra 100%. Trong khi các loại trái cây có nguồn gốc từ Thái Lan và các nước ASEAN khác chỉ bị kiểm tra khoảng 30%.

Ông Hoàng phân tích, thực tế là Chính phủ Trung Quốc mong muốn một kênh tiêu thụ chính ngạch với nông sản Việt Nam. Khi đó, Trung Quốc sẽ dễ dàng kiểm soát chất lượng sản phẩm. Nếu trong nước chưa tạo ra được nhiều kênh chính ngạch thì khâu trung gian vẫn thao túng và nông dân lúc nào cũng ở thế thua thiệt.

Một nhược điểm nữa, khi làm việc với thương lái, nông dân không thể tự quyết định giá sản phẩm của mình làm ra.

Với việc làm mã số vùng trồng, nông dân Bình Thuận cũng rất sẵn sàng. Nhưng nếu không có một doanh nghiệp đủ bản lĩnh điều phối thị trường thì mã số vùng trồng không thể làm "bà đỡ" cho xuất khẩu thanh long.

Hiện tại, Liên minh hợp tác xã Việt Nam đang xây dựng đề án phát triển chuỗi liên kết nhằm lôi kéo các doanh nghiệp đầu tư vào Bình Thuận. Đã có một số tập đoàn lớn về Bình Thuận tìm hiểu thực tế.

"Hy vọng khi triển khai, đề án sẽ kêu gọi được những doanh nghiệp đầu đàn tham gia. Lúc đó, các dòng sản phẩm thanh long xuất khẩu mới được định hướng bền vững hơn", ông Hoàng cho biết.

Doanh nghiệp mong có vùng nguyên liệu ổn định

CEO Đinh Cao Khuê nêu lý do ngành rau quả xuất khẩu 3,52 tỷ USDkhông bị đứt gãy bởi Covid-19 với Thủ tướng - Ảnh 1.

Ông Đinh Cao Khuê- Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Doveco, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam phát biểu và đề xuất với Thủ tướng Phạm Minh Chính về chiến lược phát triển từ sản xuất đến chế biến, xuất khẩu rau quả Việt Nam tại Hội nghị tổng kết ngành NNPTNT sáng 19/12. Ảnh: BNN

Phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành NNPTNT năm 2021 sáng 29/12 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Đinh Cao Khuê- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu Đồng Giao (Doveco), Phó Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, năm 2021 là năm khó khăn không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các nước trên thế giới.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo kịp thời, đặc biệt là từ Thủ tướng Chính phủ nên sản xuất ngành rau quả và bà con nông dân không bị đứt gãy.

"Tính đến hết tháng 12/2021, kim ngạch xuất khẩu ngành rau quả đạt 3,52 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2020. Trong 10 thị trường xuất khẩu lớn, Trung Quốc tăng 4%, Hoa Kỳ tăng 33%, Hàn Quốc tăng 8%, Nhật Bản tăng 21%, Đài Loan (Trung Quốc) tăng 36%..." - ông Khuê nói.

Đáng chú ý, trong năm 2021 diện tích trồng cây ăn quả cả nước đạt 1,18 triệu ha, tăng 44,8 nghìn ha. Nhiều cây ăn quả chủ lực có sản lượng có lợi thế của cả nước và từng vùng đều tăng từ 5-10%.

Theo ông Khuê, doanh nghiệp sản xuất bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo về công tác phòng chống dịch của các địa phương như: Ninh Bình, Sơn La...

Qua đó, hàng chục nghìn lao động đã được các địa phương tạo điều kiện tiêm phòng, giúp sản xuất của doanh nghiệp và người dân chưa bị đứt gẫy, xuất khẩu ổn định.

Ông Khuê cho rằng, dư địa xuất khẩu của ngành rau quả còn nhiều, đặc biệt các thị trường EU, Nhật Bản, Exrael, Nhật Bản vẫn đang đặt hàng với điều kiện có vùng nguyên liệu, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP...

"Với ưu đãi về điều kiện đất đai, thổ nhưỡng và khí hậu, đặc biệt có những vùng các nước khác không có được như: Tây Bắc, Tây Nguyên có độ cao 700-800m so với mực nước biển trở lên, chúng ta có thể trồng nhiều loại cây, kể cả cây ôn đới để xuất khẩu sang các nước, đặc biệt Nhật Bản, Hàn Quốc đang có nhu cầu tiêu thụ rau chân vịt, ngô, và các loại rau quả khác" - ông Khuê chia sẻ.

Điều ông Khuê mong muốn là có vùng nguyên liệu ổn định để doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào hệ thống chế biến, kết hợp xuất khẩu rau quả tươi và chế biến. Hoa quả tươi, chất lượng tốt sẽ được lựa chọn để xuất khẩu, còn những hoa quả loại 2, loại 3 sẽ đưa vào chế biến ra nhiều loại sản phẩm, giúp nâng cao giá trị cho ngành rau quả.

Để có vùng nguyên liệu 1.000-2.000ha, ông Khuê cho rằng doanh nghiệp cần tạo liên kết chặt chẽ với các hợp tác xã, đặc biệt là các hợp tác xã kiểu mới, cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến.

Cùng với đó, ông kiến nghị các ngân hàng cần tạo điều kiện, ưu tiên cho các doanh nghiệp ngành rau quả vay vốn với thời gian kéo dài từ 8-10 năm. Với thời gian đó, doanh nghiệp mới có thể xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng nhà máy chế biến nông sản và xuất khẩu.

Theo ông Khuê, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới nhiều vấn đề, trong đó có khâu vận chuyển. "Hiện nay, hàng xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ rất nhiều, nhưng việc book tàu gặp khó khăn" - ông Khuê nói và kiến nghị Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan cần thông báo kịp thời, tránh đứt gẫy trong khâu vận chuyển nông sản đi tiêu thụ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem