Xuân Tân Sửu: Hàng đêm, lão nông này thu mua 5-7 tấm da trâu để làm gì mà giàu nhanh?

Trần Quang Thứ bảy, ngày 13/02/2021 19:01 PM (GMT+7)
Đó là ông Phạm Chí Oanh (gần 60 tuổi) người làm nghề sưu tầm, chế tác da trâu cung cấp cho làng nghề trống truyền thống Đọi Tam, xã Tiên Sơn, huyện Duy Tiên (Hà Nam). Nhiều người ở làng nghề trống nghìn năm tuổi này ví ông như người thợ làm nên "linh hồn" của tiếng trống làng Đọi.
Bình luận 0

Lão nông Hà Nam kể chuyện nghề làm "linh hồn" trống Đọi Tam.

Nhận xét về công việc đặc biệt của lão nông Phạm Chí Oanh, ông Phạm Chí Quang - Trưởng thôn Đọi Tam cho rằng: Người dân ở làng gọi ông Oanh là người thợ làm nên "linh hồn" của trống Đọi Tam cũng đúng. Bởi lẽ, ông Oanh đang hàng ngày kiên trì sản xuất, chế tác ra những tấm da trâu, da bò. Đó là những thứ không thể thiếu và nó được coi là "linh hồn" của những chiếc trống làng Đọi Tam. 

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Oanh cho biết, gia đình ông đã có nhiều thế hệ làm nghề đặc biệt này, đến đời ông dù gặp nhiều khó khăn nhưng các thành viên trong nhà vẫn cố gắng gìn giữ và phát triển nghề để giúp thương hiệu làng nghề trống nghìn năm tuổi Đọi Tam ngày càng "bay xa" hơn.

Để có được nguyên liệu da trâu chất lượng cao, hàng đêm ông Oanh phải tìm đến các lò mổ gia súc ở các tỉnh, thành ở miền Bắc, miền Trung để chọn mua da các loại trâu cái 7-10 tuổi đưa về bào, xử lý cung cấp cho các hộ làm nghề sản xuất trống Đọi Tam.

Theo ông Oanh, trung bình mỗi đêm ông chọn mua được 5-7 da trâu, bò loại tốt. Thậm chí có ngày, vào mùa làm trống cuối năm ông thu mua trên 50 tấm da trâu mới đủ phục vụ khách hàng.

"Để săn tìm mua được các tấm da trâu làm trống tốt, người làm nghề như chúng tôi cũng phải bí quyết, kinh nghiệm riêng mới tồn tại được", lão nông 60 tuổi chia sẻ

Đầu xuân Tân Sửu gặp lão nông làm giàu nhờ "linh hồn" trống làng Đọi - Ảnh 2.

Ông Oanh đang cắt tách các tấm da trâu khô thành phẩm để cung cấp cho bà con làm trống ở làng Đọi Tam. Da trâu để làm trống phải được lấy từ những con trâu ăn cỏ, nuôi theo cách tự nhiên, chăn thả trên đồng. Da của những con trâu được nuôi lấy thịt thường không đáp ứng được chất lượng cần thiết.

Đầu xuân Tân Sửu gặp lão nông làm giàu nhờ "linh hồn" trống làng Đọi - Ảnh 3.

Ông Oanh giới thiệu về chiếc máy bào da trâu, bò hiện đại của gia đình.

Đầu xuân Tân Sửu gặp lão nông làm giàu nhờ "linh hồn" trống làng Đọi - Ảnh 4.

Theo ông Oanh, mỗi tấm da trâu, bò, tùy kích thước có thể bào, chia tách làm được hàng chục mặt trống nhỏ, to khác nhau. Có loại trống to như trống hội, trống sấm phải dùng cả một tấm da trâu lớn mới làm được.

Đầu xuân Tân Sửu gặp lão nông làm giàu nhờ "linh hồn" trống làng Đọi - Ảnh 5.

Theo lão nông này, để làm được một chiếc trống hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ. Da trống được lựa chọn từ những miếng da trâu tốt nhất, cạo lớp phôi cho mỏng, đem căng đều các góc rồi phơi khô trong ba ngày. Trước khi sử dụng, nghệ nhân cho da trâu “ngậm” nước hết cỡ, rồi nạo miếng da trâu cho đủ độ mỏng mới bưng được những chiếc trống có âm vang như ý muốn.

Đầu xuân Tân Sửu gặp lão nông làm giàu nhờ "linh hồn" trống làng Đọi - Ảnh 6.

Chất lượng miếng da trâu bưng đầu trống phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nếu mua da về mà gặp trời mưa thì coi như bỏ, chỉ có nắng đẹp mới có thể thuộc da. Da trâu phơi nắng tự nhiên mới rút nước từ từ. Nếu đem đi sấy, da bị khô quá nhanh sẽ giòn, không thể căng mặt trống.

Đầu xuân Tân Sửu gặp lão nông làm giàu nhờ "linh hồn" trống làng Đọi - Ảnh 7.

Các tấm da trâu, bò cỡ lớn được ông Oanh phơi sấy khô bên ngoài đường xóm gần nhà.

Đầu xuân Tân Sửu gặp lão nông làm giàu nhờ "linh hồn" trống làng Đọi - Ảnh 8.

Mỗi tấm da trâu khô thành phẩm cắt chia ra nhiều mặt trống, ông Oanh bán cho người làm trống với giá từ 1 đến vài triệu đồng, tùy loại to, nhỏ. Nhờ nghề này mà gia đình ông Oanh đã có của ăn, của để.

Đầu xuân Tân Sửu gặp lão nông làm giàu nhờ "linh hồn" trống làng Đọi - Ảnh 9.

Anh Lê Ngọc Chung, người thợ làm trống giỏi ở làng Đọi Tam sử dụng các tấm da trâu của ông Oanh để bưng trống phục vụ khách hàng cả nước.

Đầu xuân Tân Sửu gặp lão nông làm giàu nhờ "linh hồn" trống làng Đọi - Ảnh 10.

Anh Chung cho biết, da trâu, bò do ông Oanh làm ra rất bền, đẹp khi bưng trống cũng cho tiếng âm vang, rền được khách hàng rất ưa chuộng.

Theo ông Phạm Chí Quang - Trưởng thôn Đọi Tam, để làm được một chiếc trống hoàn chỉnh, người làm trống ở Đọi Tam phải cẩn thận đến mức chi li trong khâu chọn nguyên liệu. Gỗ phải là loại gỗ mít già, có độ cong theo đúng yêu cầu từng loại trống. Da trâu phải già, được nạo sạch mặt, sau đó căng, phơi rồi sấy và cắt thành mặt trống để dai, không mục, mủn.

Nhưng để có được tiếng trống như ý thì phụ thuộc vào tay nghề của người làm, vì mỗi loại có yêu cầu về âm thanh khác nhau, như độ vang, rền và độ đanh. Ví dụ nếu trống trường âm thanh phải vang, rền còn trống chèo lại đòi hỏi âm thanh trầm lắng hơn...

Mỗi loại âm thanh của trống được tạo ra từ thao tác chính xác đến tuyệt đối của người thợ trong việc xử lý nguyên liệu, từ khâu chế tác, xếp tang (khung gỗ), đến chọn và xử lý da trâu, căng da, đóng đinh.

"Làng trống Đọi Tam được công nhận là làng nghề truyền thống tiêu biểu của toàn quốc, sản phẩm trống Đọi Tam đã xuất bán qua các nước châu Âu. Nghệ nhân Đọi Tam vinh dự làm ra bộ trống hội phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhưng tự hào lớn nhất của chúng tôi là đã góp phần gìn giữ, tôn vinh được tiếng trống, một nét đẹp của văn hóa người Việt", ông Quang khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem