Vượt 1.000 km để “di cư” cùng đàn ong, kiếm tiền tỷ từ "lộc trời"

Ngọc Tùng Thứ năm, ngày 15/03/2018 20:46 PM (GMT+7)
“Tháng ba, mùa con ong đi lấy mật...”, đây cũng là thời gian những vườn vải thiều ở tỉnh Bắc Giang bung nở trắng đồi. Lúc này những con ong thợ cần mẫn tỏa đi khắp nơi kiếm mật hoa, giúp người nông dân có thu nhập khủng từ nguồn “lộc trời” này.
Bình luận 0

img

Ông Doãn Văn Tiến kiểm tra đàn ong trước khi lấy mật

Mùa “đánh” mật ong lớn nhất năm

Bắc Giang có vùng cây ăn quả tập trung lớn nhất miền Bắc với 47.000 ha, trong đó diện tích vải thiều trên 29.000 ha. Ngoài ra, tỉnh còn có hàng trăm nghìn ha cây lâm nghiệp, gồm keo và bạch đàn ra hoa vào mùa thu. Đây là những nguồn hoa vô cùng dồi dào, giúp đàn ong của người dân tại đây có đủ thức ăn để tạo ra những giọt mật vàng óng, hương vị thơm ngon…

Mùa thu hoạch mật ong của người dân Bắc Giang thường bắt đầu từ tháng 2, kéo dài tới tháng 9, 10 trong năm.

Năm nay, điều kiện thời tiết thuận lợi cho các loại cây ăn quả trên địa bàn tỉnh phát triển và ra hoa sai lúc lỉu. Thời điểm này, hoa vải thiều tại các huyện Lục Ngạn, Yên Thế, Tân Yên... đã bắt đầu nở trắng các quả đồi.

Theo tìm hiểu của PV, nghề nuôi ong ở xã miền núi Đồng Tâm (huyện Yên Thế) đã có từ lâu, tuy nhiên trước đây chỉ mang tính chất tự phát, nhỏ lẻ; sản phẩm từ mật ong chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình là chính.

Những năm gần đây, mật ong mang lại thu nhập cao nên số người nuôi trong xã ngày càng tăng lên và đang trở thành địa phương có đàn ong lớn nhất huyện, với hơn 4.000 đàn, sản lượng mật mỗi năm khoảng 80.000 lít.

img

Chuẩn bị quay mật.

Chúng tôi đến thăm nhà ông Doãn Văn Tiến (thôn Tân Sỏi) – một trong những hộ nuôi ong lớn nhất xã. Ông Tiến cho biết, xã có diện tích cây ăn quả lớn, chủ yếu là vải thiều nên cách đây hơn 10 năm, ông đã bắt đầu nuôi ong lấy mật.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao mà con ong đem lại, cộng với sự quyết tâm, ham học hỏi, từ 10 đàn ong ban đầu, đến nay gia đình ông Tiến đã có 250 đàn ong. Trung bình mỗi năm, một đàn ong cho thu từ 15-20 lít mật, giá thị trường hiện nay từ 150.000 – 200.000 đồng/lít, tính ra mỗi năm gia đình ông Tiến thu gần 500 triệu đồng từ việc bán mật, ong giống và phấn hoa.

Không chỉ ông Tiến, ở xã Đồng Tâm còn có rất nhiều hộ gia đình nuôi tới hàng trăm đàn ong. Ngoài việc nuôi tại vườn, các hộ này còn đưa đàn ong lên Lạng Sơn, Sơn La, Cao Bằng... để lấy mật hoa rừng, thu được giá trị kinh tế cao hơn. Khi hoa rừng hết mùa, họ lại di chuyển đàn ong về Bắc Giang để hút mật vải thiều. Điều đáng mừng là sản phẩm mật ong ở các xã Đồng Tâm, Tam Hiệp, Hồng Kỳ... (huyện Yên Thế) làm ra đến đâu bán hết đến đấy vì bà con luôn đảm bảo mật nguyên chất, hương vị thơm ngon.

img

Tháng 3 là thời điểm bắt đầu khai thác mật ong.

Vượt 1.000 km để “di cư” đàn ong

Ngoài lợi ích về kinh tế, nghề nuôi ong lấy mật còn giúp thụ phấn cho các loại cây trồng, góp phần tăng năng suất, chất lượng hoa quả. Cũng vì thế, mô hình kết hợp nuôi ong với trồng cây ăn quả đã trở thành phong trào lan rộng khắp tỉnh Bắc Giang.

Tại huyện Lục Ngạn, nơi có vùng trồng cây ăn quả trên 22.000ha (chủ yếu là vải thiều và cây ăn quả có múi), với trữ lượng mật khổng lồ đã thu hút các chủ ong dạn dày kinh nghiệm đến đây vào mỗi mùa hoa.

Ngay từ tháng 2, ông Nguyễn Thành Vinh (quê Nam Định) - chủ trại ong Ý hơn 500 thùng đã liên hệ với người dân địa phương và vận chuyển ong từ Đắk Lắk về thôn Bắc Một, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) khai thác mật hoa vải thiều. Hiện, ông Vinh đã sắp xếp xong đàn ong của mình trong vườn vải thiều rộng gần 2ha của một “người quen” nhiều năm cho ông đặt nhờ.

Công việc của ông Vinh lúc này là tháo nêm các cầu trong tổ ong, kiểm tra lại ong chúa, vệ sinh tổ ong, chuẩn bị các vật dụng cần thiết để bước vào vụ khai thác mật mới. Để di chuyển được đàn ong trong suốt hành trình hơn 1.000km, ông Vinh đã mất khoảng 70 triệu đồng tiền thuê xe ô tô tải và công bốc vác. Nhưng ông chẳng bận tâm vì số tiền ấy.

img

“Thủ phủ vải thiều” Lục Ngạn thu hút các chủ ong khắp cả nước về “đánh” mật

Theo các chủ nuôi ong, vụ khai thác mật hoa vải thiều là vụ lớn nhất trong năm. Do diện tích vải thiều ở Lục Ngạn lớn và trồng tập trung, hoa vải lại nhiều mật nên nếu thời tiết thuận lợi thì chỉ khoảng 20 ngày “tung” đàn ong ra ở đây là đã thu được sản lượng mật bằng với cả năm khai thác mật hoa cao su, cà phê,… ở trong Nam.

Thậm chí, với số lượng đàn ong như của ông Vinh, ông sẽ thu được ngót tỷ đồng mỗi vụ.

Theo tìm hiểu của PV, hiện trên địa bàn xã Quý Sơn có 150 trại ong, chủ yếu là của người nuôi ong đến từ các tỉnh phía Nam, mỗi chủ nuôi đều có từ 300 - 600 đàn ong Ý. 

Cùng với Quý Sơn, xã Thanh Hải cũng có diện tích cây ăn quả lớn vào bậc nhất của huyện Lục Ngạn. Với gần 800 ha vải thiều đang độ nở hoa, xã cũng thu hút trên 30 chủ nuôi ong trong và ngoài tỉnh về đây (mỗi chủ có từ 500 đàn ong Ý trở lên).

Trại ong có 900 đàn của chủ nuôi ong Trần Văn Bôn (42 tuổi, quê Bình Dương) cũng đang chuẩn bị bước vào đợt khai thác mật đầu tiên. Anh Bôn cho biết, đây là năm thứ 2 anh đưa đàn ong về Lục Ngạn “đánh” mật hoa vải thiều.

img

Mùa ong đi lấy mật, mùa nông dân Bắc Giang kiếm “lộc trời”

Theo anh Dương, sản lượng mật hoa vải thiều khai thác được nhiều hay ít phụ thuộc vào hai yếu tố chính: Thứ nhất thời tiết thuận lợi, trời nắng đẹp, mật hoa đặc thì ong sẽ lấy mật nhanh (thường chỉ từ 2 – 3 ngày được quay mật một lần); thứ hai là đàn ong phải khỏe, trong thùng phải bảo đảm có từ 8 - 10 cầu ong thì khai thác mật mới nhanh.

“Trong điều kiện thời tiết đẹp thì người nuôi ong chúng tôi có thể quay được 6 lần mật hoa vải thiều/vụ. Còn không chỉ cần quay được 4 -5 lần cũng là thắng lắm rồi”,anh Bôn chia sẻ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem