Vùng đất này dân trồng thanh long, nuôi gà đặc sản kiểu gì mà làm không đủ bán?

Trần Đáng Thứ sáu, ngày 12/03/2021 20:46 PM (GMT+7)
Thay đổi tư duy làm nông, hướng đến sản phẩm theo các tiêu chuẩn... đã giúp nhiều nông dân bán được hàng đều đặn ngay giữa mùa dịch Covid-19.
Bình luận 0

Theo ông Trương Quang An - Giám đốc HTX Tầm Vu, Long An, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, ông đã xuất khẩu hàng trăm tấn thanh long sạch sang các thị trường như: Thái Lan, Hongkong, Nhật Bản…

Làm không đủ bán

Sau một thời gian giá thanh long liên tục ở mức thấp, gần đây giá thanh long tại thị trường trong nước đã tăng trở lại. Hiện, giá thanh long ruột đỏ loại I tại Long An dao động từ 26.000-28.000 đồng/kg, giá thanh long ruột trắng 12.000-15.000 đồng/kg.

Ông An cho rằng, thời gian qua, dù giá thanh long có lên hay xuống, nông dân Long An "ôm" hàng chục ngàn tấn thanh long, thì ông vẫn xuất bán thanh long đều đặn. "Khi gom hàng đủ, tôi gọi cho các mối, được giá là đóng hàng xuất bán" - ông An chia sẻ.Nông dân trồng thanh long ở Long An. T.Đ

Sản xuất theo chuẩn, không lo giải cứu - Ảnh 1.

Nông dân trồng thanh long ở Long An. Ảnh: T.Đ

"Nông dân chẳng ai muốn làm ra sản phẩm rồi ngồi chờ giải cứu. Vấn đề là họ không được các cơ quan chức năng hỗ trợ nhiều về thông tin thị trường, giá cả, tư duy làm nông mới… nên cứ làm mãi theo lối cũ, chẳng may đụng hàng, dội chợ bất đắc dĩ họ mới ngồi chờ giải cứu".

Ông Nguyễn Hoàng Cung

- Giám đốc Công ty Đại Thuận Thiên

Theo ông An, trước đây HTX chủ yếu xuất hàng sang thị trường Trung Quốc, nhưng khi thấy thị trường Trung Quốc "nóng lạnh" thất thường, giá cả phập phồng, HTX quyết định chuyển sang làm sản phẩm sạch và tập trung xuất bán hàng sang các thị trường khó tính hơn. Hiện, HTX có khoảng 50ha trồng thanh long, trong đó hơn 70% diện tích trồng thanh long sạch.

Ông Nguyễn Quốc Kiệt - Giám đốc HTX Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công (Tiền Giang) đang tập trung nuôi gà ta cung ứng cho thị trường trong nước. 

Ông Kiệt cho biết, Tết Nguyên đán năm 2021, ông bán ra thị trường hơn 10.000 con gà ta Gò Công. Từ sau tết cho đến nay, trung bình mỗi tháng HTX cung ứng cho thị trường khoảng 30.000 con gà thịt, chủ yếu cho Tập đoàn Lotte. Hiện HTX Chăn nuôi và thủy sản Gò Công có 50 thành viên với đàn gà thường xuyên nuôi trên 130.000 con. 

Để đảm bảo chất lượng sản phẩm cúng ứng cho thị trường, ông Kiệt cho biết, các thành viên HTX phải thực hiện đạt 31 tiêu chí đề ra, như: Nuôi gà theo quy chuẩn từ chuồng trại đến thức ăn, nước uống phải đạt an toàn sinh học, có ghi chép nhật ký, truy nguyên được nguồn gốc xuất xứ…

Thay đổi tư duy làm nông

Sản xuất theo chuẩn, không lo giải cứu - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Quốc Việt và sản phẩm gà ta chất lượng OCOP 4 sao. Ảnh: T.Đ

Mới đây, các sở, ngành chức năng của tỉnh Tiền Giang đã có cuộc họp bàn giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Tại cuộc họp, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản, như: Thành lập hệ thống giao dịch và công bố các nông sản đang cần tiêu thụ để các nhà phân phối biết và giải cứu; cần có chính sách ưu đãi để có mức giá phù hợp, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng; đẩy mạnh truyền thông nhằm giới thiệu nông sản thông qua hình thức tổ chức hội chợ nông sản hoặc thương mại điện tử…

Phó Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang Nguyễn Tuấn Linh đề nghị các hệ thống phân phối tiếp tục hỗ trợ trong việc tiêu thụ nông sản. 

Đồng thời, cập nhật thông tin các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP lên sàn giao dịch và tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản đặc trưng của Tiền Giang, từ đó giúp việc tiêu thụ nông sản cho người dân đạt hiệu quả cao…

Theo ông Nguyễn Hoàng Cung - Giám đốc Công ty Đại Thuận Thiên (chuyên thu mua xuất khẩu trái cây), đây chỉ là những giải pháp phụ, cái chính là phải nhìn thẳng vào những vấn đề tồn tại của ngành nông nghiệp hiện nay để giải quyết căn cơ tình trạng nông sản cứ đi giải cứu. Ông Cung cho rằng, hiện nông sản Việt đạt chuẩn xuất khẩu quá ít, không đủ nguồn cung cho thị trường thế giới.

Ông Cung khẳng định, hoàn toàn có hướng phát triển bền vững cho nông nghiệp Việt Nam. Ngay bây giờ, quan trọng nhất là sản xuất tập trung, và sản phẩm nông nghiệp phải có tính đồng nhất về mẫu mã, chất lượng: "Như vậy, các doanh nghiệp cần siết lại việc sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Nông dân không còn con đường nào khác là sản xuất theo chuẩn, theo yêu cầu doanh nghiệp" – ông Cung nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An Nguyễn Quốc Trịnh cho rằng để hướng đến phát triển thanh long lâu dài và bền vững, nông dân cần chú trọng hơn việc thay đổi tư duy sản xuất, chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất sạch, nâng cao chất lượng thanh long để hướng đến những thị trường mới, khó tính hơn. Qua đó, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, mở ra hướng đi mới cho trái thanh long, mang lại lợi nhuận ổn định cho người trồng thanh long.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem