“Vua” bưởi xứ Mường chia sẻ bí quyết trồng bưởi sai trĩu, ngọt ngon

Bình Minh Thứ ba, ngày 23/11/2021 07:35 AM (GMT+7)
Ở tuổi 86 nhưng ông Hùng vẫn minh mẫn, đôi mắt tinh nhanh, phân biệt chính xác từng trái bưởi, quả nào bị nám đen, ngọt và quả nào căng, bóng… Gần 1 giờ được trò chuyện với “vua” bưởi xứ Mường, tôi thấy ông thực sự một kho tàng kiến thức vô tận về cây bưởi đỏ Tân Lạc.
Bình luận 0

Người đầu tiên đưa giống bưởi quý về Tân Lạc

Ông Trần Hùng (sinh năm 1935), hiện sống ở xóm Tân Hương 1, xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Suốt thời trai trẻ, ông Hùng gắn liền với cuộc sống trong quân ngũ. Đến năm 1974, sau khi bị thương, ông rời quân ngũ chuyển về làm lái xe cho Tỉnh ủy Hòa Bình. Năm 1985 thì ông Hùng nghỉ hưu. Suốt mấy chục năm làm việc nhà nước nhưng những ngày được nghỉ về quê, ông luôn "nuôi mộng" có cho mình một vườn cây ăn trái rộng lớn...

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, trở về quê, ông Hùng là một trong những người tiên phong của xã Thanh Hối hưởng ứng chương trình phủ xanh đất trống, đồi trọc. Gần 12ha đồi hoang được ông kiên trì khai phá, trồng cây. Cuộc sống của vợ chồng ông khi đó còn gặp nhiều khó khăn, với đồng lương ít ỏi khiến ông quyết định bắt tay vào làm kinh tế để thay đổi cuộc sống.

Với mảnh vườn chỉ rộng chưa đầy 1ha, ông trồng mía tím, mơ, mai, mận, vải… kết hợp nuôi lợn, gà để mở rộng nguồn thu, tránh lãng phí. Hơn 30 năm gắn với nghiệp làm vườn, ông không thể quên vụ gừng trâu thất bại năm 1993. Trầy trật tích cóp, thậm chí phải đi vay mượn ngân hàng, ông có được 28 triệu đồng dốc hết vào cây gừng trâu, để rồi cuối vụ gừng chất đống dưới chân đồi sau nhà, không thu được một đồng vốn.

“Vua” bưởi xứ Mường - Ảnh 1.

Ông Trần Hùng giới thiệu về cây bưởi “cụ” được chiết từ Ba Vì. Ảnh: Bình Minh

Ông Hùng cho biết, khi trồng cây phải để lá cây chếch theo hướng đông - tây để cây có thể đón nhận được ánh sáng tốt nhất. Trước khi trồng, ngoài việc trộn phân chuồng, vôi bột với đất, cần phải bỏ thêm khoảng 2 xẻng cát dưới gốc. Việc này vừa làm mát gốc vừa chống mối xông vào thân cây.

Trong một lần ông về quê mẹ ở xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì (Hà Nội). Nơi đây trước kia có đồn điền của Pháp. Sau giải phóng, Lâm trường Ba Vì về tiếp quản, khi ấy ở khu đất này có rất nhiều cây như cau, cam, quýt, bưởi… nhưng chúng bị phá bỏ rất nhiều, chỉ còn lại 2 cây bưởi. Ông Hùng đã hái thử 1 quả và khi bổ ra, thấy quả bưởi này có màu rất lạ. Múi bưởi đỏ thẫm, ăn vào có hương vị rất ngon, ông đã nảy ra ý nghĩ sẽ chiết vài cành về trồng thử ở xứ Mường.

Sau 3 năm giống bưởi này mới bói. Ông vẫn còn nhớ như in cái cảm giác lần đầu tiên hái bưởi trên cây xuống bổ và ăn thử: "Múi bưởi vừa dài, thon, tép mọng, có màu đỏ au, ăn vào ngọt lịm khiến mệt mỏi trong người tiêu tan".

Khi đó, ông Hùng mừng như người bắt được vàng, ông đã không quản ngại ngày đêm để nhân giống, mở rộng diện tích trồng giống bưởi quý đó. Qua nhiều năm trồng trọt, nghiên cứu và qua những chuyến tham quan các trang trại mô hình ở khắp nơi, ông đã học hỏi và tích lũy được một số kinh nghiệm nhất định, từ đó áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Từ việc chỉ bán cho người dân địa phương, dần dần những thương lái ở nơi khác cũng biết đến vườn bưởi đỏ của ông nhiều hơn.

1 cây bưởi "đẻ" 800 quả

Theo ông Hùng, bí quyết để cho ra đời những cây bưởi sai trĩu quả rất đơn giản, đó là phải kiên trì và chịu khó học hỏi. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong trồng trọt cũng là yếu tố quan trọng tạo danh tiếng cho những quả bưởi của gia đình ông hôm nay.

Bên cạnh đó, ông còn có cách "hãm" tự nhiên, khi bưởi hái xuống có thể để vài tháng mà bưởi vẫn giữ nguyên được chất lượng mà không bị hỏng.

Bước đi vững chãi, đôi mắt tinh nhanh, ông dẫn tôi vào vườn để tận thấy 4 cây bưởi "cụ" được ông chiết từ cây bưởi gốc tại Ba Vì. Cây bưởi nào cũng sai trĩu quả, tỏa hương thơm mát như muốn níu chân người khách lạ.

Đôi tay vuốt ve nhẹ nhàng từng trái trên cây bưởi "cụ", ông Hùng khoe: "Vườn bưởi của tôi sai nhất miền Bắc này. Cách đây mấy năm có 1 cây bưởi đỏ đạt kỷ lục 800 quả, tiền bán quả lên tới 20 triệu đồng".

Hiện trong vườn rộng 5.000m2, ông Hùng có 2 giống bưởi mà ông đã tuyển chọn thành công là bưởi đỏ và bưởi da xanh của miền Nam. Bưởi đỏ được coi là giống quý ở miền Bắc và đây là giống cây chủ lực ông muốn nhân rộng. Năm ngoái, ông Hùng đã bán được 20.000 đồng/quả, bưởi da xanh được 60.000 đồng/quả. Chỉ với hơn 100 cây bưởi, ông đã thu về gần 400 triệu đồng. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem