Vụ rừng pơ mu quý hiếm bị tàn phá: Chủ rừng nói gì?

Duy Hậu Thứ tư, ngày 24/02/2021 16:28 PM (GMT+7)
Những cây pơ mu quý hiếm hàng trăm tuổi tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông bị lâm tặc cưa hạ rồi chở ngang trạm quản lý bảo vệ rừng nhưng chủ rừng không biết.
Bình luận 0

Ngày 24/2, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Krông Bông (Đắk Lắk) cho biết, lực lượng chức năng của huyện đang tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ khai thác gỗ pơ mu tại lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông. Việc này dự kiến mất 3 ngày.

Vụ rừng pơ mu quý hiếm bị tàn phá: Chủ rừng nói gì? - Ảnh 1.

Các đối tượng vận chuyển gỗ pơ mu ra ngoài bị công an bắt quả tang.

Trước đó, như Dân Việt đã đưa tin, trong dịp Tết Nguyên đán, từ một chuyên án độc lập, Công an huyện Krông Bông đã bắt giữ 6 đối tượng dùng 5 con trâu chở 7m3 gỗ pơ mu ra ngoài. Số gỗ này được xác định được lấy tại khu vực Núi Voi Kéo (thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông). Ngoài các đối tượng này, cơ quan công an cũng đã làm rõ có 3 đối tượng khác liên quan đến vụ việc.

Vụ rừng pơ mu quý hiếm bị tàn phá: Chủ rừng nói gì? - Ảnh 2.

Lâm tặc ngang nhiên dùng cả đàn trâu kéo gỗ ra ngoài.

Tuy nhiên trên thực tế, số gỗ rừng bị thiệt hại không chỉ có thế. Báo cáo về vụ việc, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông cho biết, có tổng cộng 15 điểm nằm trên tiểu khu 1198 và 1219 (lâm phần của công ty này) bị lâm tặc chặt hạ cây pơ mu (nhóm IIA). Trong đó có 4 cây mới chặt hạ trong thời gian 10 ngày. 11 vị trí khác bị lâm tặc cưa hạ thời gian trước nhưng cưa xẻ và vận chuyện gỗ trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Vị trí chặt hạ, cưa xẻ rải rác dọc 2 bên tuyến đường mòn. Một số cây đã bị lâm tặc lấy hết phần gỗ, chỉ còn cành ngọn, bìa, một số cây khác đã bị cắt khúc và chuyển đi một phần. Tổng cộng có 15 cây đường kính chủ yếu từ 70cm đến 100cm bị cưa hạ, khối lượng còn lại hiện trường hơn 32,8m3.

Vụ rừng pơ mu quý hiếm bị tàn phá: Chủ rừng nói gì? - Ảnh 3.

Gỗ pơ mu quý hiếm được Công an huyện Krông Bông thu giữ.

Đáng chú ý, theo dấu vết để lại có thể cho thấy toàn bộ số cây gỗ đều bị cưa hạ bằng cưa xăng. Và theo nhận định của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông, 15 cây pơ mu cổ thụ này được lâm tặc vận chuyển trong 2 ngày 10 và 13/2.

Cũng theo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông, hiện nay tình hình khai thác gỗ trái phép trên diện tích của công ty quản lý diễn ra phức tạp. Lợi dụng dịp Tết Nguyên đán, lâm tặc vào rừng khai thác gỗ pơ mu và các loại gỗ khác rồi vận chuyển bằng trâu và sức người ra ngoài.

Ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông, cho biết vào đêm 30 Tết Nguyên đán vừa qua, trên 20 đối tượng mang theo 5 cưa máy, dao rựa vào sát chốt quản lý bảo vệ rừng của phân trường Ea Tlong (thuộc tiểu khu 1164) ngang nhiên phá rừng. Trước tình hình này, lực lượng của công ty chỉ biết vận động các đối tượng dừng phá rừng. Qua kiểm tra, có 4 khu vực bị chặt phá rừng, gây thiệt hại 8.600m2.

Cũng theo ông Tuấn, ngoài vụ việc nói trên, trong 2 tháng đầu năm 2021 trên lâm phần của công ty xảy ra 88 vụ vi phạm lâm luật, thu giữ hàng chục mét khối gỗ lậu và gây thiệt hại khoảng 20 ha rừng. Còn trong năm 2020, trên lâm phần của công ty xảy ra 14 vụ khai thác, vận chuyển gỗ trái phép với khối lượng hơn 31m3 gỗ và 204 vụ phá rừng để lấn chiếm đất gây thiệt hại hơn 48 ha rừng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, lâm tặc dùng cưa máy khai thác gỗ lậu cách chốt quản lý bảo vệ rừng tiểu khu 1219 chỉ khoảng 1,5 km. Sau khi phá rừng, lâm tặc đã dùng đàn trâu 5 con chở những tấm pơ mu có đường kính rất lớn ra ngoài. Trên đường đi phải vượt chốt quản lý bảo vệ rừng của tiểu khu 1206.

Vụ rừng pơ mu quý hiếm bị tàn phá: Chủ rừng nói gì? - Ảnh 4.

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông lý giải lý do không phát hiện được lâm tặc.

Lý giải vì sao lâm tặc ngang nhiên như vậy mà bảo vệ rừng không biết, ông Tuấn cho rằng do dịp Tết Nguyên đán, lực lượng quản lý bảo vệ rừng nghỉ nhiều. Vì thế, đơn vị bố trí mỗi chốt 2 người để tuần tra bảo vệ rừng và thuê thêm 2 người dân trông coi tài sản trong 2 chốt. Có thể lâm tặc nắm rõ vấn đề này nên tổ chức khai thác khi lực lượng bảo vệ rừng đi tuần tra hướng khác.

Đối với chốt tiểu khu 1206, hôm đó 2 cán bộ bảo vệ rừng tuần tra, còn người thuê trông coi xin về nhà lấy thức ăn rồi không quay lại nên lâm tặc chở gỗ qua mà không biết. "Chúng tôi mong muốn cơ quan công an sớm điều tra, làm rõ có hay không việc cán bộ phân trường, trực chốt làm ngơ cho lâm tặc và xử lý theo quy định" - ông Tuấn nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem