Vĩnh Phúc: Doanh nghiệp xây dựng trái phép trên đất rừng, đào xới 3.000m diện tích hồ thủy lợi?

Xuân Hậu Thứ ba, ngày 01/06/2021 17:00 PM (GMT+7)
Theo nghi nhận của phóng viên, tại khu vực hồ thủy lợi Trại Trâu thôn Đồng Chằm, xã Ngọc Thanh (Phúc Yên) doanh nghiệp đang "lộng hành" xâm lấn nghiêm trọng diện tích hồ đập, xây dựng các công trình không phép, ảnh hưởng tới an ninh, an toàn hồ đập và diện tích rừng tự nhiên.
Bình luận 0

Hồ thủy lợi Trại Trâu hiện thuộc sự quản lý, vận hành và khai thác của Công ty TNHH MTV Thủy Lợi Phúc Yên (Vĩnh Phúc). Theo phản của người dân, khu vực này đang bị đào xới, thay đổi hiện trạng ban đầu. Theo ghi nhận của Dân Việt, hiện nay đang là mùa hè, lượng mưa ít nên mực nước trong hồ xuống thấp, dẫn tới nhiều diện tích đất không có nước, lợi dụng điều này một doanh nghiệp đã thuê diện tích mặt nước của Công ty TNHH MTV Thủy Lợi Phúc Yên để nuôi trồng thủy sản đã san gạt, đào xới nham nhở, không hiểu vì mục đích gì?

Doanh nghiệp xây dựng trái phép trên đất rừng, đào xới 3.000m diện tích hồ thủy lợi?

Bên cạnh việc xâm lấn hồ thủy lợi Trại Trâu, nguyên một quả đồi thuộc diện đất rừng đã bị "cạo trọc" và hệ thống tường bao xung quanh quả đồi, được xây dựng kiên cố dài hàng trăm mét. Hệ thống đường lên đang được xây dựng quy mô xung quanh đồi. Nhìn từ xa thì đó không còn là đất rừng để trồng rừng nữa mà như một công trình kiên cố phục vụ mục đích khác.

Vĩnh Phúc: Doanh nghiệp xây dựng trái phép trên đất rừng, đào xới 3.000m diện tích hồ thủy lợi? - Ảnh 3.

Toàn cảnh đất đồi rừng bị "phù phép" thành công trình "gia đình"...

Theo Báo cáo số 44/BC-UBND ngày 27/5/2021 của UBND xã Ngọc Thanh về việc kiểm tra sử dụng đất tại hồ Trại Trâu nêu rõ cơ quan này đã kiểm tra 2 lần tại khu vực này. Lần 1 vào ngày 13/3/2020 xác định có hiện tượng đào xới, tạo đường băng và xây kè tường đá và làm đường đi trên đất rừng. Chủ công trình là bà Nguyễn Thị Vân Anh, người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Đầu tư phát triển và Dịch vụ Gia Phúc có địa chỉ tại Quận Tây Hồ, Hà Nội. 

Bà Anh giải trình: diện tích đất này được nhận chuyển nhượng của ông Vũ Văn Bình đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; về việc xây dựng công trình khác, bà Anh cho biết công trình này là nhằm chống sói mòn và trồng rừng. UBND xã Ngọc Thanh đã yêu cầu bà Anh dừng ngay việc xây dựng trên, nghiêm cấm việc mọi hành vi xây dựng trên đất rừng.

Tuy nhiên, phớt lờ mọi quy định pháp luật, "làm ngơ" mọi yêu cầu của UBND xã Ngọc Thanh, trong thời gian gần 1 năm (13/3/2020 - 19/3/2021) đơn vị này vẫn tiếp tục hoàn thiện các công trình trái phép trên đất rừng.

Kiểm tra lần 2 ngày 19/3/2021, UBND xã Ngọc Thanh đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm Phúc Yên kiểm tra việc sử dụng đất của bà Nguyễn Thị Vân Anh và phát hiện tại khu vực hồ Trại Trâu có hiện tượng đào, đắp đất với diện tích khoảng 3.000m2, phần diện tích đào đắp ở phía dưới lòng hồ, đây là phần diện tích bán ngập và diện tích thuộc hồ thủy lợi Trại Trâu. UBND xã Ngọc Thanh một lần nữa yêu cầu Công ty TNHH Đầu tư phát triển và Dịch vụ Gia Phúc ngừng ngay việc đào đắp làm thay đổi hiện trạng hồ thủy lợi Trại Trâu.

Đồng thời đề nghị UBND thành phố Phúc Yên, các phòng ban chuyên môn xem xét thẩm quyền cho thuê hồ để nuôi trồng thủy sản, và việc ban hành văn bản chấp thuận cho nạo vét lòng hồ của Công ty TNHH MTV Thủy Lợi Phúc Yên.

Về phía công ty Thủy lợi Phúc Yên, đơn vị được giao quản lý nguồn nước hồ thủy lợi Trại Trâu, khi trả lời báo chí về việc cho thuê hồ thủy lợi Trại Trâu với mục đích nuôi trồng thủy sản không qua đấu giá, ông Nguyễn Đức Chính – Giám đốc công ty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên cho biết, Công ty Thủy lợi chỉ cho thuê phần mặt nước với mục đích nuôi trồng thủy sản chứ không có chức năng cho thuê hồ. Và khẳng định, Công ty chỉ đồng ý cho dọn dẹp lòng hồ, dọn bùn rác thải xung quanh hồ để thông thoáng mặt hồ, tăng dung tích mặt hồ... nếu doanh nghiệp lấn hồ, lấp hồ, cải tạo diện tích hồ là doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ông Chính cũng khẳng định việc cho thuê mặt nước hồ với mục đích nuôi trồng thủy sản là đúng quy định của pháp luật, tài sản dưới 1 tỷ đồng nên không cần đấu giá, chỉ cần có đơn xin khai thác thấy phù hợp là ký hợp đồng cho thuê. Giá thuê hồ cũng theo giá UBND tỉnh quy định.

Tuy nhiên, theo Điều 23 của Luật Thủy lợi 2017 về phương thức khai thác công trình thủy lợi phải được tổ chức đấu thầu công khai hoặc đặt hàng.

Theo các mục trong Điều 8 của Luật Thủy lợi năm 2017 các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy lợi có thể thấy việc tác động lên công trình thủy lợi khiến hơn 3.000m2 bị đào xới, san lấp có dấu hiệu vi phạm quy định tại mục 10 - Lấn chiếm, sử dụng đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và mục 11 - Thực hiện các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi khi chưa có giấy phép hoặc thực hiện không đúng nội dung của giấy phép được cấp...

Đồng thời, đối chiếu tại điểm h, điều 22, Chương III, Nghị định số 114/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn hồ đập, hồ chứa nước đã nêu rất rõ về việc cấp giấy phép cho dự án Nuôi trồng thủy sản trong phạm vi hồ đập, hồ chứa nước chỉ có cấp có thẩm quyền là UBND tỉnh.

Với những dấu hiệu vi phạm như xây dựng trái phép công trình trên đất rừng, đào xới, hủy hoại lòng hồ thủy lợi ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh thái tự nhiên của rừng, của hồ thủy lợi Trại Trâu, người dân mong mỏi tỉnh Vĩnh Phúc, thành phố Phúc Yên có sự thanh tra, kiểm tra, xác định sai phạm của chủ doanh nghiệp; đồng thời, quy trách nhiệm để xảy ra sai phạm đối với các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan quản lý hồ thủy lợi, để có biện pháp xử lý đúng quy định của pháp luật.

Những hình ảnh phóng viên ghi nhận tại hiện trường sáng ngày 1/6/2021:

Phá rừng xây dựng công trình trái phép?

Vĩnh Phúc: Doanh nghiệp xây dựng trái phép trên đất rừng, đào xới 3.000m diện tích hồ thủy lợi? - Ảnh 4.

Quả đồi bị "cạo trọc" này liệu có để trồng rừng như lời giải trình của Chủ doanh nghiệp?

Vĩnh Phúc: Doanh nghiệp xây dựng trái phép trên đất rừng, đào xới 3.000m diện tích hồ thủy lợi? - Ảnh 5.

Bức tường đá như "lô cốt" dài hàng trăm mét bao quanh đồi xây dựng trái phép trên đất rừng..

Vĩnh Phúc: Doanh nghiệp xây dựng trái phép trên đất rừng, đào xới 3.000m diện tích hồ thủy lợi? - Ảnh 6.

Lối lên đỉnh đồi đang xây dựng hệ thống cống rãnh, đường, kè... kiên cố

Đào xới hồ thủy lợi như "ao nhà"?

Vĩnh Phúc: Doanh nghiệp xây dựng trái phép trên đất rừng, đào xới 3.000m diện tích hồ thủy lợi? - Ảnh 7.

Hồ Thủy lợi Trại Trâu xã Ngọc Thanh bị can thiệp bằng máy móc gây biến dạng, lộ rõ việc xâm lấn, đào xới diện tích hồ....

Vĩnh Phúc: Doanh nghiệp xây dựng trái phép trên đất rừng, đào xới 3.000m diện tích hồ thủy lợi? - Ảnh 8.

Hồ Thủy lợi là công trình phải được bảo vệ, bất cứ hoạt động xây dựng nào cũng phải được đánh giá, cấp phép của các cơ quan chức năng đủ thẩm quyền theo quy định...

Vĩnh Phúc: Doanh nghiệp xây dựng trái phép trên đất rừng, đào xới 3.000m diện tích hồ thủy lợi? - Ảnh 9.

Công trình thủy lợi kiên cố được nhà nước và tỉnh Vĩnh Phúc đầu tư xây dựng nhằm mục đích trữ nước, phục vụ tưới tiêu, thủy lợi trong phát triển nông nghiệp...

Báo Điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin...

Hồ chứa nước Trại Trâu (Phúc Yên) là 1 trong 11 hồ thuộc tiểu dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập do Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư, được triển khai thi công tháng 12/2018 với nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh.

Luật Thủy Lợi năm 2017:

Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy lợi

1. Xây dựng công trình thủy lợi không đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Đổ chất thải, rác thải trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; xả nước thải trái quy định của pháp luật vào công trình thủy lợi; các hành vi khác làm ô nhiễm nguồn nước trong công trình thủy lợi.
3. Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng công trình thủy lợi.
4. Ngăn, lấp, đào, nạo vét, hút bùn, cát, sỏi trên sông, kênh, mương, rạch, hồ, ao trái phép làm ảnh hưởng đến hoạt động thủy lợi.
5. Sử dụng xe cơ giới vượt tải trọng cho phép đi trên công trình thủy lợi; sử dụng xe cơ giới, phương tiện thủy nội địa lưu thông trong công trình thủy lợi khi có biển cấm, trừ các loại xe, phương tiện ưu tiên theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.
6. Cản trở việc thanh tra, kiểm tra hoạt động thủy lợi.
7. Khai thác nước trái phép từ công trình thủy lợi.
8. Tự ý vận hành công trình thủy lợi; vận hành công trình thủy lợi trái quy trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
9. Chống đối, cản trở hoặc không chấp hành quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc ứng phó khẩn cấp khi công trình thủy lợi xảy ra sự cố.
10. Lấn chiếm, sử dụng đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
11. Thực hiện các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi khi chưa có giấy phép hoặc thực hiện không đúng nội dung của giấy phép được cấp cho các hoạt động quy định tại Điều 44 của Luật này.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem