Việt Nam đang giữ vị trí nguồn cung lớn nhất và khó thay thế một loại hạt thơm, cay cho Mỹ

P.V Thứ tư, ngày 03/01/2024 07:30 AM (GMT+7)
Việt Nam hiện đang là nguồn cung lớn nhất hạt tiêu cho Mỹ, trong khi đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo năm 2024, giá tiêu thế giới nhìn chung sẽ cao hơn năm 2023.
Bình luận 0

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cuối năm 2023, giá tiêu đen tại thị trường trong nước tăng mạnh do giới đầu cơ đẩy mạnh việc mua vào trong bối cảnh nguồn cung hạn chế. Dù vậy, đà tăng của giá hạt tiêu được dự báo sẽ chậm lại do doanh nghiệp mua hàng cầm chừng để chế biến. 

Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/12/2023, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa tăng từ 9.500 – 12.500 đồng/kg (tùy từng khu vực khảo sát). Cụ thể, tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, giá tăng 9.500 đồng/kg, lên mức 82.500 đồng/kg; tại tỉnh Gia Lai, giá tăng 11.000 đồng/kg, lên mức 81.500 đồng/kg; tại các tỉnh Đồng Nai và Bình Phước, giá cùng tăng 11.500 đồng/kg, lên mức 82.000 – 85.000 đồng/ kg; tại các tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, giá cùng tăng 12.500 đồng/kg lên mức 84.500 đồng/kg. Giá hạt tiêu trắng ở mức 112.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với mức 93.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2022.

Năm 2023, ngành hạt tiêu Việt Nam đối mặt với khó khăn do nhu cầu tiêu thụ thấp. Tình hình kinh tế suy thoái, lạm phát duy trì ở mức cao, căng thẳng địa chính trị kéo dài, thị trường tài chính toàn cầu có sự biến động mạnh đã có những tác động đến nhu cầu tiêu dùng hàng hóa nói chung và hạt tiêu nói riêng. 

Kết thúc năm 2023, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam tăng về lượng, nhưng giảm về trị giá (do giá xuất khẩu giảm) so với năm 2022. Theo ước tính, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu đạt 267.000 tấn, trị giá 912 triệu USD, tăng 16,6% về lượng, nhưng giảm 6,0% về trị giá so với năm 2022. 

Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt khoảng 3.420 USD/tấn trong năm 2023, giảm 19,4% so với năm 2022. Dự báo xuất khẩu hạt tiêu năm 2024 sẽ thuận lợi về lượng và giá do sản lượng giảm.

 Việt Nam đang giữ vị trí nguồn cung lớn nhất và khó thay thế một loại hạt thơm, cay cho Mỹ- Ảnh 1.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo năm 2024, giá tiêu thế giới nhìn chung sẽ cao hơn so với năm 2023. Trong ảnh: Người dân Tiên Phước (Quảng Nam) chăm sóc tiêu. Ảnh: Cổng TTĐT huyện Tiên Phước.

Lượng tồn kho hạt tiêu năm 2023 chuyển sang năm 2024 sẽ thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong khi theo đánh giá chung của các doanh nghiệp, vụ tiêu năm 2024 sẽ giảm khoảng 10-15%, với sản lượng thu hoạch dự kiến ước đạt 160.000-165.000 ngàn tấn. 

Kể từ cuối tháng 12/2023, Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) đã 2 lần điều chỉnh tăng giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam với tổng mức tăng là 200 USD/tấn.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, năm 2023, nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU giảm. Nguyên nhân là do hậu quả kép từ đại dịch Covid-19, căng thẳng địa chính trị dẫn đến lạm phát duy trì ở mức cao, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu dẫn đến nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu giảm.

 Tại EU, theo số liệu thống kê từ Eurostat, 9 tháng năm 2023, Liên minh châu Âu nhập khẩu hạt tiêu từ thế giới đạt 65.450 tấn, trị giá 324,41 triệu EUR (tương đương 357,8 triệu USD), giảm 13,8% về lượng và giảm 17,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. 

Mức sụt giảm này được cho là sẽ diễn ra trong ngắn hạn do ảnh hưởng của nền kinh tế suy yếu, lạm phát vẫn duy trì ở mức cao và căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu tiếp tục leo thang. Khi nền kinh tế EU phục hồi trở lại sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu tăng. 

Trong đó, EU nhập khẩu từ Việt Nam 26.260 tấn hồ tiêu, trị giá 104,54 triệu EUR (tương đương 115,62 triệu USD), giảm 9,9% về lượng và giảm 26,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam chiếm 40,1% tổng lượng và 32,23% tổng kim ngạch nhập khẩu của EU từ thế giới trong 9 tháng đầu năm 2023.

 Tại Mỹ, theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, 9 tháng đầu năm 2023, Mỹ nhập khẩu 234,7 triệu USD hạt tiêu từ thế giới, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm 2022. Dù vậy, nhập khẩu hạt tiêu của Mỹ có dấu hiệu tăng trong các tháng cuối năm 2023. 

Tính riêng tháng 10/2023, Mỹ tăng nhập khẩu hạt tiêu từ thế giới so với tháng trước, mức tăng 24,8% về lượng và tăng 17,2% về trị giá, đạt gần 6.000 tấn, trị giá 26,6 triệu USD. 

Hiện Việt Nam giữ vị trí nguồn cung hạt tiêu lớn nhất tại Mỹ. Trong 10 tháng năm 2023, Mỹ nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam đạt 193,41 triệu USD, giảm 29,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù vậy, thị phần hạt của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ từ thế giới tăng từ 72,51% trong 10 tháng năm 2022 lên 74,01% trong 10 tháng năm 2023.

Cục Xuất nhập khẩu dự báo năm 2024, giá tiêu thế giới nhìn chung sẽ cao hơn so với năm 2023. Mặc dù nền kinh tế thế giới còn nhiều rủi ro, nhưng sản lượng hạt tiêu của Việt Nam, Brazil, Ấn Độ và Indonesia dự kiến sẽ giảm.


Hiệp hội Hạt tiêu Việt Nam dự báo sản lượng hạt tiêu toàn cầu niên vụ 2023/2024 sẽ giảm do sản lượng từ các nước sản xuất hạt tiêu ước tính giảm. Theo đó, ước tính sản lượng hạt tiêu năm 2024 của Việt Nam sẽ giảm khoảng 10-15% xuống còn 160.000-165.000 tấn; Ấn Độ giảm 20%, Indonesia giảm 20-30% và Brazil giảm 15%.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem