Sơn La có một loại hạt quý, được đánh giá ngon nhất nước, nhiều người phải nhờ đặt mua mới có

P.V Thứ hai, ngày 25/12/2023 14:47 PM (GMT+7)
Nói về chất lượng cà phê Sơn La, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết, loại hạt đặc sản của Sơn La được đánh giá có chất lượng ngon nhất cả nước.
Bình luận 0

Mới đây, trò chuyện với báo chí về cà phê Sơn La, ông Nguyễn Quý Dương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), cho biết, tại Sơn La cà phê Arabica chủ yếu được trồng trên vùng núi của huyện Mai Sơn. Trước đây, người Pháp mang cây cà phê tới trồng ở vùng đất này. Đến nay, đây cũng là vùng đất trồng cà phê Arabica cho chất lượng ngon số 1 Việt Nam.

“Muốn có hạt cà phê Arabica ngon, tôi còn phải nhờ người tìm mua trên Sơn La, đó là cà phê của một hợp tác xã được sản xuất theo quy trình an toàn”, ông nói. 

Theo ông Dương, cà phê Arabica chín không đều, người nông dân phải hái từng quả rồi đem phơi dưới nắng cho đến khi khô. Khi đó, hạt cà phê có chất lượng ngon, đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao.

“Loại hạt này muốn mua phải đặt hàng trước mới có, giá bán không hề rẻ. Trên thị trường, loạt có giá rẻ nhất đã 250.000 đồng/kg. Hiện có doanh nghiệp đặt nhà máy sản xuất trên Sơn La. Cà phê Arabica của họ đang bán giá từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/kg. Chất lượng rất tốt”, ông Dương nhấn mạnh và khẳng định, nếu so với cà phê Arabica của châu Phi thì hàng của mình không hề thua kém về chất lượng.

Sơn La có một loại hạt quý, được đánh giá ngon nhất nước, nhiều người phải nhờ người đặt mua mới có - Ảnh 1.

Cà phê Sơn La được đánh giá ngon nhất cả nước. Ảnh: Báo Sơn La.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng, cà phê Arabica Sơn La từ lâu đã nổi tiếng thơm ngon, xuất khẩu sang nhiều quốc gia. Việc này góp phần vào kim ngạch xuất khẩu cả phê cả nước.

Bộ trưởng mong muốn thời gian tới, Sơn La sẽ tập trung đầu tư, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn với công nghiệp chế biến nông sản theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững. Đồng thời, tiếp cận “kinh tế trải nghiệm”, gắn kết tài nguyên bản địa với trải nghiệm văn hóa, lịch sử địa phương để khi thưởng thức cà phê Sơn La, mọi người sẽ cảm nhận được hương vị núi rừng Tây Bắc.

Tỉnh Sơn La đang phấn đấu nâng diện tích cà phê Arabica lên 25.000 ha trong thời gian tới đây. Diện tích này sẽ cho sản lượng 40.000-50.000 tấn hạt mỗi năm, giá trị khoảng hơn 3.000-4.000 tỷ đồng.

Có mặt tại mảnh đất Sơn La từ những năm 1945, sau hơn 70 năm, cây cà phê Arabica đã trở thành cây trồng chủ lực của tỉnh. Với diện tích trồng lớn, Sơn La là địa phương trồng cà phê Arabica lớn thứ 2 của cả nước, chỉ sau tỉnh Lâm Đồng. Cà phê Arabica Sơn La được trồng trên các sườn dốc dưới chân dãy núi thấp hoặc trên các đồi nông với độ cao từ 900m đến 1200m.

Với trên 20.000 ha trồng cà phê Arabica, trong đó hơn 18.000 ha được cấp Chứng nhận bền vững và tương đương, tỉnh Sơn La đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung chuyên canh, theo chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu. 

Sản phẩm cà phê Sơn La đã được xuất khẩu sang thị trường 20 nước thuộc EU, Bắc Mỹ, Trung Đông và các nước ASEAN với giá tiêu thụ ổn định; góp phần nâng cao thu nhập của người trồng cây cà phê, tạo thêm việc làm, góp phần cơ cấu lại sản xuất theo hướng nâng cao giá trị cà phê tại Sơn La, được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao.

Những năm qua, để phát triển cây cà phê, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng công nghệ cao vào canh tác diện tích cà phê hiện có. Lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La cho biết, tỉnh Sơn La đang tập trung rà soát, đánh giá lại tổng thể diện tích cây cà phê, từ đó tái canh cây cà phê bằng bộ giống mới, đặc biệt là tập trung giống cà phê cho ra sản phẩm chất lượng cao và cà phê đặc sản Sơn La. 

Đồng thời, tỉnh Sơn La tập trung sản xuất, chế biến, tiêu thụ và chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu cà phê ổn định trên thế giới; liên kết vùng trồng với các nhà máy chế biến; nông hộ, nông dân, HTX liên kết ký hợp đồng trồng và theo quy chuẩn. 

Cũng theo lãnh đạo tỉnh Sơn La, hiện nay, các cơ sở chế biến cà phê đã quan tâm đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường và sử dụng hiệu quả các sản phẩm phụ để sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ phát triển cây trồng như: Nhà máy chế biến cà phê Phúc Sinh, Cát Quế đã đầu tư thêm các hồ chứa nước thải; thu hút đầu tư mới Nhà máy phân bón Sông Lam tại Mai Sơn chế biến từ bã, vỏ cà phê.

Cùng với quyết tâm của UBND tỉnh, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực đầu tư công nghệ nhằm tăng cường chất lượng sản phẩm cà phê. 

Ông Nguyễn Xuân Thao - Giám đốc HTX Cà phê Bích Thao Sơn La cho biết, nhận thấy vùng nguyên liệu cà phê trồng từ năm 1994 đã bị già cỗi, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm; ngay từ khi thành lập, HTX đã đưa vào sản xuất giống mới và tập trung phát triển dòng cà phê hữu cơ, cà phê đặc sản. Đến nay, HTX đã trồng được 150 ha cà phê đặc sản. Đồng thời, đầu tư hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ. 

Thời gian tới, tỉnh Sơn La tập trung phát triển dòng sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao, nâng tầm thương hiệu và từng bước chiếm lĩnh thị trường tiềm năng trong nước, quốc tế... Mục tiêu xuất khẩu cà phê Sơn La hướng tới là thị trường các nước châu Âu, Bắc Mỹ, Hoa Kỳ, các nước Trung Đông và ASEAN. 

Năm 2023, sản phẩm cà phê Sơn La phấn đấu xuất khẩu đạt 31.500 tấn; giá trị đạt trên 83,1 triệu USD.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem