Thứ hai, 06/05/2024

Vì sao Vietbank sẽ chia cổ tức tới 25%?

26/04/2024 4:37 PM (GMT+7)

Vietbank hướng đến mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đạt 29% trong năm 2024 và kiểm soát nợ xấu ở mức dưới hoặc bằng 2,5%. Ngân hàng này cũng ghi tên mình vào nhóm các nhà băng có tỷ lệ chia cổ tức cao.

Vietbank hoàn thành mục tiêu giữ vững an toàn hoạt động, kinh doanh hiệu quả

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank - VBB) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 bằng hình thức trực tuyến. 

Trong báo cáo, Vietbank nhận định nền kinh tế và ngành ngân hàng Việt Nam năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách nhưng Vietbank vẫn có mức tăng trưởng ấn tượng. Các thành quả của năm 2023 thể hiện rõ ở kết quả kinh doanh với những con số tích cực được báo cáo trong Đại hội.

Tổng tài sản của Vietbank đạt 138.258 tỷ đồng, hoàn thành 111% kế hoạch. Trong đó, tổng dư nợ cấp tín dụng chiếm 58% trong tổng tài sản.

Cấu trúc danh mục tài sản tiếp tục được cơ cấu theo hướng gia tăng tỷ trọng tài sản có sinh lời và luôn duy trì ở mức trên 95%.

Tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 80.754 tỷ đồng, tăng 19,6% so với năm 2022, hoàn thành chỉ tiêu được giao và cao hơn mức tín dụng trung bình toàn hệ thống.

Công tác cảnh báo rủi ro, thẩm định được nâng cao, quản lý và giám sát chặt chẽ mục đích sử dụng vốn vay và kiểm soát chất lượng tài sản cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Vietbank. Nhờ đó, chất lượng tín dụng của Vietbank luôn duy trì ở mức tốt, tỷ lệ nợ xấu tại ngày 31/12/2023 của Vietbank theo Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ 1,79% thấp hơn mức trung bình của toàn hệ thống ngân hàng ghi nhận tại thời điểm quý 4/2023.

Quy mô huy động vốn đạt 101.547 tỷ đồng, tăng 25,2% so với năm 2022, hoàn thành vượt kế hoạch đề ra. Vietbank đa dạng hóa nguồn vốn huy động, đảm bảo tính ổn định, an toàn thanh khoản, góp phần cải thiện chi phí vốn ở mức hợp lý và hỗ trợ tăng trưởng tín dụng bền vững.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Vietbank năm 2023 sau kiểm toán đạt 812 tỷ đồng, hoàn thành 84,6% kế hoạch do HĐQT giao, tăng trưởng 23,8% so với năm 2022. Theo chia sẻ của lãnh đạo Vietbank, ngân hàng đã chủ động cắt giảm lợi nhuận cũng như cắt giảm lãi suất để đồng hành và san sẻ khó khăn với thị trường nói chung và khách hàng nói riêng trong suốt năm 2023.

Vì sao Vietbank sẽ chia cổ tức tới 25%? - Ảnh 1.

Vietbank tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 bằng hình thức trực tuyến vào ngày 26/4.

2024: Kế hoạch kinh doanh thực tế

Năm 2024, Vietbank đặt mục tiêu phấn đấu lợi nhuận trước thuế 1.050 tỷ đồng, tăng 29% so với năm ngoái; tổng tài sản đạt 150.000 tỷ đồng, huy động đến từ khách hàng (bao gồm giấy tờ có giá) đạt 116.000 tỷ đồng, cho vay khách hàng đạt 95.000 tỷ đồng. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu mở rộng thị phần, tăng trưởng quy mô tổng tài sản cả về chất và lượng, kiểm soát nợ xấu dưới hoặc bằng 2.5% theo quy định của NHNN (quy định 3%).

So với mục tiêu đã đặt ra trong ĐHCĐ năm 2023, mục tiêu tăng trưởng năm 2024 được xây dựng thực tế và thận trọng. 

Kế hoạch kinh doanh năm 2024 của Vietbank đặt mục tiêu tăng lợi nhuận trước thuế tối thiểu 17% (theo kế hoạch cơ sở) và tối đa là 29% (theo kế hoạch phấn đấu) - chỉ bằng 63% mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra vào năm 2023 là 46%. 

Bên cạnh đó, các chỉ số về tổng tài sản, huy động tiền gửi của khách hàng cũng hướng tới tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn so với chỉ số đã được thông qua tại kì ĐHCĐ trước. Tỷ lệ tăng trưởng mục tiêu tổng giá trị tài sản giảm từ 12% xuống 8%; tỷ lệ tăng trưởng huy động theo mục tiêu 2023 là 17% giảm xuống 14% theo kế hoạch 2024. Việc đặt kế hoạch kinh doanh thực tế và thận trọng giúp phản ánh đúng tình trạng của hoạt động kinh doanh.

Vì sao Vietbank sẽ chia cổ tức tới 25%? - Ảnh 2.

Khách hàng (áo trắng) giao dịch tại Vietbank.

Tại đại hội, HĐQT cũng báo cáo về quy chế hoạt động của Vietbank, trong đó bao gồm việc sửa đổi, bổ sung cơ cấu tổ chức bộ máy điều hành; bộ quy định về tổ chức, quản trị, kiểm soát. Với việc được Hội đồng cổ đông thông qua các tờ trình về quy chế, quy định hoạt động nội bộ, Vietbank đã hoàn thành các quy định về quản trị, tổ chức, điều hành, đáp ứng các quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng chỉ sau 3 tháng kể từ khi Luật ban hành (tháng 1/2024). 

Năm 2023, Vietbank cũng là một trong những ngân hàng đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương án cơ cấu lại hoạt động giai đoạn 2021-2025. Đây là tín hiệu tích cực trong công tác hoạt động và tính tuân thủ đối với các quy định của NHNN.

Theo công văn của NHNN về Phương án Cơ cấu lại hoạt động gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, NHNN không có yêu cầu gì thêm, đồng thời giao Vietbank chủ động tổ chức triển khai Phương án và báo cáo định kỳ kết quả cho NHNN. Nhờ sự chủ động và tích cực trong việc kiểm soát nợ xấu, tỉ lệ nợ xấu của Vietbank luôn được kiểm soát ở mức thấp so với quy định của NHNN (<3%). 

Năm 2023, Vietbank ghi nhận nợ xấu chỉ 1.79%, giảm 0.68% so với kết quả 2022 và thấp hơn mức trung bình toàn ngành 1.93% tại thời điểm quý 4/2023. Việc liên tục duy trì nợ xấu dưới mức trần giúp Vietbank nâng cao hiệu quả trong hoạt động kinh doanh, giải phóng chi phí trích lập dự phòng, từ đó tái đầu tư vào các hoạt động ngân hàng.

Trong đó, theo báo cáo của HĐQT tại Đại hội, Vietbank sẽ triển khai mạnh mẽ hoạt động phát triển mạng lưới trên toàn quốc trong năm 2024. Theo phê duyệt của Thống đốc NHNN, Vietbank dự kiến mở mới 14 điểm giao dịch bao gồm 5 chi nhánh, 9 phòng Giao dịch trên địa bàn 13 tỉnh từ Bắc tới Nam. Đặc biệt, Vietbank dự kiến khai trương chi nhánh đầu tiên tại Cà Mau.

Chia cổ tức tỷ lệ 25%

Với 99,99% tán thành trong Đại hội, Vietbank chính thức thông qua quyết định chia cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 25% với hình thức chi trả bằng cổ phiếu. Đây là mức chi trả cao so với mặt bằng chung thị trường cổ tức năm nay khi nền kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc rõ nét. 

Tỷ lệ chi trả cổ tức của Vietbank sẽ được ghi nhận trên vốn điều lệ mới sau khi hoàn thành kế hoạch tăng vốn điều lệ được thông qua tại ĐHCĐ 2023 – dự kiến theo kế hoạch là 5.780 tỷ đồng. Như vậy, dự kiến tổng số lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường sau khi hoàn thành kế hoạch sẽ đạt mức trên 713 triệu cổ phiếu.

Việc phân phối lợi nhuận và chi trả cổ tức của Vietbank trong năm 2024 sẽ giúp Vietbank tăng vốn điều lệ năm thứ 2 liên tiếp, đưa vốn điều lệ của ngân hàng lên mức 7.139 tỷ đồng. 

Vì sao Vietbank sẽ chia cổ tức tới 25%? - Ảnh 3.

Nhân viên của Vietbank (bên phải) tư vấn cho khách hàng.

Phần hỏi đáp tại đại hội

Cổ đông hỏi: Kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng năm 2023 chưa được như kỳ vọng. Ngân hàng đã đưa ra kế hoạch 2024 như thế nào và có định hướng phát triển , giải pháp gì trong thời gian tới để hoàn thành mục tiêu kế hoạch này ?

Lãnh đạo Vietbank trả lời: Như trong báo cáo gửi tới các cổ đông tại ĐHĐCĐ năm nay, năm 2023 hầu hết các chỉ tiêu Vietbank đều đạt và vượt, chỉ riêng chỉ tiêu LNTT Vietbank đạt gần 86%, lý do là Vietbank chủ động cắt giảm lợi nhuận để đồng hành và chia sẻ cùng khách hàng gắn bó, hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh; thực hiện cơ cấu lại nợ; giảm lãi suất.

Với kế hoạch đặt ra cho năm 2024, Quý 1/2024 Vetbank đã hoàn thành việc tăng vốn điều lệ, phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2, để đạt được các mục tiêu kế hoạch, HĐQT và Ban Điều hành dựa trên các cơ sở như sau:

-Tăng trưởng dư nợ thị trường 1, phát triển bán lẻ; Bảo toàn danh mục khách hàng hiện hữu, gia tăng tiện ích, khai thác tối đa hiệu quả khách hàng mang lại thông qua việc bán chéo các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách hàng.

-Tập trung công tác tăng trưởng huy động, đặc biệt là nguồn vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư, vốn huy động không kỳ hạn, tăng huy động bằng đồng USD. Thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp để tiếp tục cải thiện giá vốn, nâng cao các chỉ số hiệu quả hoạt động.

-Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm tăng năng suất và hiệu quả hoạt động.

-Tiếp tục dịch chuyển mô hình kinh doanh theo định hướng bán lẻ, giảm sử dụng vốn vào các ngành nghề rủi ro; đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng các nhu cầu khác nhau của khách hàng. Từ đó, gia tăng nguồn thu phi tín dụng.

-Chú trọng khai thác những khách hàng đã phát triển, đồng thời đưa ra những gói sản phẩm hoặc những điều kiện ràng buộc về tăng số lượng khách hàng mới. Trên cơ sở am hiểu khách hàng, kết nối và mở rộng với các đối tác/hệ sinh thái và thâm nhập sâu rộng hệ sinh thái đã và đang kết nối để khai thác hiệu quả hơn.

-Mở rộng mạng lưới hoạt động.

Cổ đông hỏi: Ngân hàng cho biết tình hình thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ 1.003 tỷ đồng đã được ĐHĐCĐ phê duyệt năm 2022?

Lãnh đạo Vietbank trả lời: Ngày 08/4/2024, Vietbank đã hoàn tất đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ theo Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2022 và 2023.

Ngày 16/4/2024, Vietbank đã nộp hồ sơ báo cáo kết quả phát hành cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và ngày 19/4/2024 UBCKNN đã có văn bản xác nhận kết quả chào bán của Vietbank. Theo đó, Vietbank đã chào bán thành công số lượng cổ phiếu 93.470.601 cổ phiếu, tương ứng đạt 93,18% tổng số cổ phiếu chào bán. Như vậy, sau khi thực hiện các thủ tục với NHNN và các cơ quan hữu quan để hoàn tất tăng vốn, vốn điều lệ của Vietbank chính thức đạt 5.711.532.700.000 đồng.

Cũng chia sẻ thêm với quý cổ đông, sau khi hoàn tất tăng vốn điều lệ ở mức đạt 5.711.532.700.000 đồng, HĐQT sẽ tiếp tục triển khai phương án tăng vốn bằng hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25% (nếu được ĐHĐCĐ lần này thông qua). Như vậy, dự kiến cuối năm 2024, vốn điều lệ của Vietbank sẽ đạt gần mức 7.200 tỷ đồng.

Cổ đông hỏi: Bao giờ cổ phiếu Vietbank mới được niêm yết sàn HOSE

Lãnh đạo Vietbank trả lời: Ngày 26/4/2023, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 đã thông qua việc niêm yết cổ phiếu Vietbank (Mã CK: VBB) tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) khi thời điểm và điều kiện thị trường thuận lợi.

Theo đánh giá của Ban lãnh đạo Vietbank, việc niêm yết cổ phiếu Vietbank tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) thời điểm trong năm 2023 sẽ không phản ánh đúng giá trị cổ phiếu và đảm bảo quyền lợi của Cổ đông. Vì vậy, Vietbank chưa triển khai thực hiện việc niêm yết đối với cổ phiếu Vietbank trong năm 2023. Nhằm nâng cao vị thế, uy tín, thương hiệu Vietbank trên thị trường, tạo thuận lợi cho việc giao dịch cổ phiếu của cổ đông, đồng thời tranh thủ cơ hội thu hút thêm nguồn vốn đầu tư để hỗ trợ cho hoạt động của ngân hàng, nâng cao năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh của Ngân hàng để thực hiện các mục tiêu chiến lược giai đoạn 2021-2025.

Do đó, tại ĐHĐCĐ lần này Hội đồng quản trị tiếp tục trình Đại hội đồng cổ đông chuyển giao dịch cổ phiếu VBB từ hệ thống giao dịch Upcom sang niêm yết chính thức tại HOSE khi thời điểm và điều kiện thị trường thuận lợi trên cơ sở đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật. Hội đồng quản trị sẽ theo dõi sát tình tình thị trường để triển khai.

Cổ đông hỏi: Khả năng thanh khoản của Vietbank hiện nay thế nào? Vietbank có những giải pháp nào để đảm bảo tính thanh khoản cho ngân hàng trong tình hình hệ thống ngân hàng đang có nhiều biến động như hiện nay?

Lãnh đạo Vietbank trả lời: Vietbank luôn tuân thủ đúng, nghiệm ngặt các quy định của NHNN và các cơ quan quản lý về các tỷ lệ an toàn hoạt động.

Vietbank luôn duy trì các tỷ lệ khả năng thanh toán đảm bảo tuân thủ quy định của NHNN, cụ thể như chỉ số LCR, Vietbank luôn duy trì ở mức khoảng 12,5% đến 13% (cao hơn mức 10% quy định). Tỷ lệ LDR kiểm soát tốt dưới 67%. 

Để đảm bảo an toàn hoạt động, ngoài việc duy trì các tỷ lệ an toàn, Vietbank luôn có những chương trình chăm sóc và thu hút khách hàng tiền gửi nhằm duy trì độ tăng trưởng của hoạt động huy động; kiểm soát nợ; kiểm soát các mục đích cho vay NHNN hạn chế; rà soát xây dựng lại phân khúc khách hàng (KHDN: doanh thu; KHCN: thu nhập), xây dựng các chương trình, sản phẩm, thức đẩy.

Đồng thời Vietbank cũng luôn chú trọng việc cải thiện chất lượng hoạt động và mở rộng quan hệ với các đối tác, các quỹ; cơ cấu lại danh mục đầu tư. Với các hoạt động trên, Vietbank luôn đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của NHNN.

Cổ đông hỏi: Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) năm 2023 là bao nhiêu ? Giải pháp của Vietbank là gì để cải thiện tỷ lệ an toàn vốn CAR so với hiện tại và đảm bảo đạt kế hoạch kinh doanh 2024?

Lãnh đạo Vietbank: Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cuối năm 2023 sau kiểm toán là 10,39%, tăng 0,15% so với năm 2022 là 10,24%. Mục tiêu của Vietbank đến năm 2025, CAR của Vietbank duy trì ở mức 11%. Giải pháp của Vietbank để cải thiện tỷ lệ an toàn vốn CAR so với hiện tại và đảm bảo đạt kế hoạch kinh doanh năm 2024:

Đầu năm 2024, Vietbank sẽ hoàn thành việc tăng vốn điều lệ (1.003 tỷ đồng) theo phê duyệt của ĐHĐCĐ 2023 và có kế hoạch tăng vốn điều lệ năm thứ 2 thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Việc tăng vốn điều lệ này ngoài đáp ứng các yêu cầu về vốn của TT41 và TT13, còn tạo nền tảng vững mạnh hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2024.

Bên cạnh đó, Vietbank vẫn song song kiểm soát danh mục tài sản có rủi ro phù hợp định hướng kinh doanh 2024; theo đó Vietbank cơ cấu lại danh mục tín dụng, giao hạn mức tài sản có rủi ro cho từng Khối Kinh doanh, từng dòng sản phẩm nhằm kiểm soát tốt hệ số CAR nhằm đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn được kiểm soát.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Trung tâm Y học Thể thao Vinmec được công nhận xuất sắc theo chuẩn châu Á

Trung tâm Y học Thể thao Vinmec được công nhận xuất sắc theo chuẩn châu Á

Ngày 6/5, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City chính thức được công nhận là Trung tâm y học thể thao xuất sắc theo chuẩn của Liên đoàn Bóng đá Châu Á (AFC).

'Chuyến bay ma' khiến một hãng hàng không mất 79 triệu USD

'Chuyến bay ma' khiến một hãng hàng không mất 79 triệu USD

Qantas Airways, hãng hàng không quốc gia Úc, đã đồng ý chi ra 120 triệu đô-la Úc (79 triệu USD) để giải quyết cho hành vi lừa dối khách hàng vì đã bán hàng ngàn vé cho "các chuyến bay ma".

Vàng SJC vượt 86 triệu đồng/lượng, vì sao càng can thiệp giá càng tăng?

Vàng SJC vượt 86 triệu đồng/lượng, vì sao càng can thiệp giá càng tăng?

Chiều ngày 6/5, giá vàng miếng SJC tăng lên trên 86 triệu đồng/lượng. Đây là mức cao nhất cao nhất trong lịch sử và nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý.

Kiến nghị mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây lên 10 làn xe

Kiến nghị mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây lên 10 làn xe

Ngày 6/5, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị lựa chọn phương án mở rộng dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành (thuộc cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây) với quy mô 10 làn xe.

Cadillac "quay xe" với kế hoạch sản xuất xe thuần điện

Cadillac "quay xe" với kế hoạch sản xuất xe thuần điện

Cadillac, thương hiệu xe sang tiêu biểu cho ngành ô tô Mỹ, đang cài số lùi cho kế hoạch phát triển xe thuần điện vì sẽ kéo dài thời gian cho xe lai hybrid giữa động cơ đốt trong và điện.

Him Lam Thường Tín bàn giao sổ hồng sở hữu lâu dài, sở hữu nhà ở yên tâm hơn!

Him Lam Thường Tín bàn giao sổ hồng sở hữu lâu dài, sở hữu nhà ở yên tâm hơn!

Vừa qua, những cư dân đầu tiên của dự án Him Lam Thường Tín chính thức nhận bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) từ chủ đầu tư.