Vì sao miền Tây nước ngọt hiếm, cống Cái Lớn-Cái Bé ở Kiên Giang phải đóng 11/11 cửa trong tháng 3?

Thứ sáu, ngày 29/03/2024 05:47 AM (GMT+7)
Tuy được nhận định mức độ hạn mặn ít gay gắt hơn mùa khô 2015-2016 (hạn mặn lịch sử 100 năm); nhưng tình trạng thiếu nước ngọt ở một số địa phương ở ĐBSCL ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Lần thứ hai trong tháng 3 cống Cái Lớn-Cái Bé ở Kiên Giang-cống ngăn mặn lớn nhất miền Tây phải vận hành đóng 9 hoặc tối đa 11/11 cửa.
Bình luận 0

Những đề xuất đã được đưa ra như: dẫn nước sông Hậu để giảm khô hạn ở Cà Mau hay dẫn nước sông Sài Gòn chống hạn mặn cho miền Tây, đã cho thấy nước ngọt ở miền Tây không còn dồi dào và vô tận.

Nhiều địa phương thiếu nước ngọt trong mùa khô

Đề xuất dẫn nước từ sông Sài Gòn hoặc Đồng Nai cấp cho các tỉnh miền Tây để khắc phục tình trạng thiếu nước mùa hạn mặn, được lãnh đạo tỉnh Bến Tre đưa ra tại buổi khảo sát các công trình chống hạn mặn tại địa phương của đoàn công tác Bộ Nông nghiệp-PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu, ngày 12/3.

Theo lãnh đạo tỉnh Bến Tre, hiện sông Mekong đang bị các nước thượng nguồn chi phối, nên có thể tận dụng hệ thống sông trong nước như Sài Gòn, Đồng Nai để giải quyết nhu cầu cấp bách của các tỉnh ĐBSCL mùa hạn mặn.

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh Bến Tre, độ mặn 4‰ đã xâm nhập cách các cửa sông chính 52-64km, xấp xỉ mùa khô năm 2016, đặc biệt trên sông Cổ Chiên còn ở mức cao hơn. Mặn xâm nhập hệ thống sông rạch ảnh hưởng cuộc sống hàng chục ngàn hộ dân.

Trong khi đó, tại Tiền Giang, cống trên kênh Nguyễn Tấn Thành (huyện Châu Thành) phải đóng ngăn mặn, trữ ngọt. Còn cống Cái Lớn- Cái Bé (Kiên Giang) đóng hoàn toàn vào đợt triều cường từ 14-17/3 bởi độ mặn 4‰ dự báo xâm nhập sâu đến 65km. Đây là lần thứ hai trong tháng cống ngăn mặn lớn nhất miền Tây phải vận hành đóng 9 hoặc tối đa 11/11 cửa.

Vì sao miền Tây nước ngọt hiếm, cống Cái Lớn-Cái Bé ở Kiên Giang phải đóng 11/11 cửa trong tháng 3?- Ảnh 1.

Ghe xuồng qua lại cống Cái Hóp- công trình ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ hơn 20.000ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Càng Long (Trà Vinh) và một phần huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long).

Tỉnh Cà Mau cũng đề xuất dẫn nước ngọt từ sông Hậu về địa phương thông qua hệ thống thủy lợi, để hạn chế khô hạn, sụt lún, thiếu nước trong mùa khô. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, tỉnh có 3 mặt tiếp giáp biển, hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư đồng bộ, sản xuất và sinh hoạt của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa và nước ngầm.

Vì vậy, địa phương thường xảy ra tình trạng thừa nước trong mùa mưa và thiếu nước trong mùa khô. Tại huyện Trần Văn Thời ghi nhận 131 tuyến kênh bị sụt lún, 550 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 14.500m, ước tính thiệt hại hơn 19 tỷ đồng. Toàn tỉnh đang có hơn 1.800 hộ thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt.

Nước về sông Cửu Long ít, theo Ủy ban Sông Mekong Việt Nam (VNMC), các tỉnh ĐBSCL còn sắp đón thêm 1 đợt xâm nhập mặn sâu. Từ nay đến cuối tháng 3 vẫn còn một đợt xâm nhập mặn sâu từ ngày 20-25/3 (kỳ triều cường giữa tháng 2âl). Do nguồn nước về sẽ ngày càng khan hiếm hơn trong mùa khô.

Nước ngọt không là vô tận

“Sống chung với hạn mặn và khai thác cái lợi từ hạn mặn” - PGS.TS Lê Anh Tuấn- giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường ĐH Cần Thơ) nhấn mạnh khi phân tích thực trạng hạn mặn ở ĐBSCL hiện nay.

“Theo tôi quan sát, ngay đầu năm nay, mặn xâm nhập vào đất liền sớm và sâu hơn so với 3 năm trước. Nhiệt độ không khí tăng cao ở ĐBSCL, gió mạnh hơn và bốc hơi nhanh, gay gắt hơn. Điều này làm cho nguồn nước, đặc biệt nguồn nước ngọt khan hiếm và xâm nhập mặn sâu hơn”- PGS.TS Lê Anh Tuấn nhận định và lý giải nguyên nhân đó là sự trở lại của El Nino khiến mưa ít và khô hạn tăng lên. Hiện tượng này đang lặp lại theo chu kỳ.

Như năm 2016, vùng ĐBSCL đã đối mặt khô hạn lịch sử, năm 2020 cũng lặp lại khô hạn gay gắt và năm 2024 cũng trở lại hiện tượng khô hạn. Xâm nhập mặn đang trở nên nặng nề hơn vào mùa khô. Lượng nước không đủ tăng độ ẩm trong đất, đất co hóp lại, nhiều nơi nứt nẻ, mất khả năng chịu lực bên trong dễ dàng gây ra tình trạng sạt lở, sụp lún.

PGS.TS Lê Anh Tuấn cho rằng: “Thực trạng khô hạn và xâm nhập mặn sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai. Tôi cũng nhận thấy hiện tượng nước biển dâng, sụp lún của ĐBSCL và kết hợp các đập thượng nguồn tích nước trong các hồ thủy điện. Việc tích nước như vậy làm cho lượng nước đi xuống hạ lưu giảm rất nhiều.

Có khả năng cuối năm nay Campuchia bắt đầu thực hiện kênh đào Phù Nam. Mặc dù kinh đào này phục vụ cho thông tuyến, nhưng chắc chắn sẽ lấy một phần lượng nước của sông Hậu đổ ra vịnh Thái Lan. 

Và trên đường đi của nó chắc chắn người dân sẽ lấy nước tưới tiêu, cấp nước làm cho lượng nước trên sông ĐBSCL ít đi và như vậy xâm nhập mặn của ĐBSCL sẽ sâu hơn”.

Từ thực trạng thiếu nước đó, PGS.TS Lê Anh Tuấn cho rằng: Trong quy hoạch ĐBSCL đã có chiến lược giảm bớt diện tích trồng lúa vốn sử dụng rất nhiều nước ngọt, chuyển sang nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ. 

Nghĩa là chúng ta chấp nhận sống chung, khai thác cái lợi từ hạn mặn, bằng cách mở rộng diện tích nuôi thủy sản, phát triển loại cây trồng, ngành nghề phù hợp.

Ví dụ mô hình lúa tôm- mùa mưa trồng lúa, mùa mặn nuôi tôm, các loại cây như năn tượng vừa làm chỗ cho tôm núp giảm bớt sức nóng vừa tái tạo nguồn nước trong ruộng. Cây năn tượng có thể khai thác ngành nghề thủ công mỹ nghệ, tạo công ăn việc làm cho bà con, tăng thu nhập, giảm bớt tình trạng di dân, bỏ xứ tìm việc làm nơi khác.

Bên cạnh các đề xuất như cần tạo công trình trữ nước; chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp, sang cây trồng sử dụng ít nước hơn; ứng dụng công nghệ lọc nước mặn, lợ thành nước ngọt cung cấp cho bà con.

PGS.TS Lê Anh Tuấn đặc biệt nhấn mạnh: “Cần tăng cường truyền thông cho bà con ĐBSCL hiểu rằng nước ngọt không phải vô tận mà đang khan hiếm dần. Do đó, cần phải có các biện pháp sử dụng tiết kiệm nước trong sinh hoạt, tổ chức sản xuất phù hợp”.

Mới đây, tại hội nghị quốc gia huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên do Bộ Nông nghiệp-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức, cho rằng ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. 

Đó là: thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn, nhất là tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng lớn đến mọi hoạt động sản xuất, đời sống của người dân. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh tầm quan trọng của các giải pháp thuận thiên, như việc cải thiện sinh kế của nông dân và khả năng phục hồi của nông nghiệp; giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua quá trình hấp thụ carbon của đất, đất ngập nước và rừng; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, duy trì tương lai của các hệ thống lương thực, các nhà sản xuất nông nghiệp cần sẵn sàng chuyển đổi sang các phương thức sản xuất nhằm tái tạo và phục hồi thiên nhiên.

Lý An (Báo Vĩnh Long)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem