Đến khổ, dân một huyện miền núi ở TT-Huế trồng loại củ bổ dưỡng, bất chợt cây chết non hàng loạt

Thứ hai, ngày 31/07/2023 05:32 AM (GMT+7)
Nhiều diện tích sâm Bố Chính được trồng ở huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) hiện bị “chết non” khi chưa đến kỳ thu hoạch khiến người dân gặp khó khăn. Ngành nông nghiệp đang triển khai các giải pháp khắc phục.
Bình luận 0

Từ năm 2021, UBND huyện A Lưới giao Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện phối hợp với UBND xã Quảng Nhâm triển khai mô hình thí điểm trồng cây sâm Bố Chính trên địa bàn với diện tích 2ha theo hình thức liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH SBC Hoàng Gia. 

Từ đó đến nay diện tích trồng sâm Bố Chính toàn huyện đã tăng lên 8,2 ha, hứa hẹn mang lại thu nhập cao cho nông dân, giải quyết được nhiều lao động tại địa phương.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều diện tích sâm Bố Chính trồng tại xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới bỗng dưng bị vàng lá, cây héo dần và chết khô trên ruộng. 

Đây là diện tích sâm do HTX Quảng Nhâm liên kết với Công ty TNHH SBC Hoàng Gia đưa vào trồng theo hình thức liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm tại địa bàn một số xã như Quảng Nhâm, Sơn Thủy, Hồng Bắc, Hồng Kim. Tham gia mô hình này người dân được công ty hỗ trợ kỹ thuật và cam kết bao tiêu đầu ra sản phẩm.

Bà Hồ Thị Nai, một hộ dân trồng sâm tại xã Quảng Nhâm cho biết, từ năm 2022 hưởng ứng chủ trương của huyện, bà cải tạo vườn, chuyển đổi diện tích trồng chuối già lùn trước đây sang trồng sâm bố chính. 

Vụ đầu tiên, cây sâm phát triển tốt, củ đạt chất lượng, kích cỡ được bao tiêu thu mua sản phẩm nên gia đình rất yên tâm. Gia đình đã đầu tư mở rộng diện tích lên hơn 1 ha và bắt đầu trồng từ tháng 2 năm 2023.

Đến khổ, dân một huyện miền núi ở TT-Huế trồng loại củ bổ dưỡng, bất chợt cây chết non hàng loạt - Ảnh 1.

Cây Sâm Bố Chính trồng ở huyện A Lưới (TT-Huế) bị chết non hàng loạt khiến người trồng gặp khó.

Tuy nhiên, từ tháng 5 và nhất là cuối tháng 6 đến nay, cây sâm bắt đầu xuất hiện bệnh vàng héo lá, thối gốc dù mới trồng được từ 4-5 tháng. 

Theo chu kỳ sinh trưởng của cây phải từ 8 tháng đến 1 năm mới thu hoạch được nên khi cây sâm đổ bệnh, bắt đầu chết hàng loạt, người trồng không biết xoay xở thế nào. Trước thực trạng này nhiều hộ gia đình trồng sâm đành phải thu hoạch non diện tích sâm mong vớt vát chút tiền vốn nhưng số lượng sâm thu được rất ít và đa phần bị thối, không đạt chất lượng.

Ngay sau khi xảy ra hiện tượng sâm bị chết chưa rõ nguyên nhân, HTX Quảng Nhâm đã thông tin đến Công ty TNHH SBC Hoàng Gia nhằm tìm giải pháp khắc phục. 

Công ty cũng đã cử nhân viên kỹ thuật đưa một số chế phẩm sinh học hướng dẫn người dân phun phòng. Tuy nhiên, đến nay diện tích sâm bị chết tiếp tục tăng thêm cho thấy giải pháp sử dụng chế phẩm không hiệu quả.

Theo Phòng NN&PTNT huyện A Lưới, toàn huyện có 8,2 ha sâm Bố Chính. Trong đó, diện tích liên kết với Công ty TNHH SBC Hoàng Gia là 3,3 ha. Tính đến thời điểm hiện tại có khoảng 80% diện tích sâm của công ty trồng và 45-50% diện tích sâm của người dân trồng bị chết.

Bà Lê Thị Thanh, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới thông tin, qua kiểm tra của các đơn vị liên quan cho thấy bệnh thối gốc hại cây sâm Bố Chính lây lan nhanh, mạnh cả về số lượng diện tích bị chết cũng như tỷ lệ bệnh trên cây. 

Nguyên nhân do các hộ dân làm đất trong thời gian gấp gáp, không có thời gian phơi đất, xử lý đất kỹ. Cây sâm trồng muộn, không đúng thời vụ (trồng muộn hơn 1 tháng). Quy trình năm 2023 sử dụng phân bón lá, làm cây phát triển thân lá quá tốt trong 3 tháng đầu kỳ sinh trưởng, khiến cây dễ bị sâu bệnh gây hại tấn công. 

Ngoài ra, sau ba tháng trồng là giai đoạn mẫn cảm của cây sâm- trùng với thời tiết trên địa bàn A Lưới mưa giông nhiều nên nấm bệnh phát triển mạnh gây hại.

Theo bà Lê Thị Thanh, nguyên nhân quan trọng nhất khiến cây sâm bị chết là do năm nay, HTX Quảng Nhâm ký cam kết với công ty theo quy trình phân bón và thuốc bảo vệ thực vật theo hướng vi sinh hữu cơ, khi cây nhiễm bệnh sử dụng các chế phẩm phòng trừ nên hiệu quả không cao. Quy trình này mới thử nghiệm năm nay, lại áp dụng trên diện rộng nên khó kiểm soát, đánh giá.

Theo Phòng NN&PTNT A Lưới, năm 2023 toàn huyện A Lưới trồng khoảng 8 ha cây sâm Bố Chính, tập trung chủ yếu các xã, thị trấn Quảng Nhâm, Hồng Bắc, Sơn Thuỷ, A Lưới, Hồng Kim và Lâm Đớt. 

Cây sâm đến nay đã được 3-4 tháng tuổi, cây sinh trưởng phát triển bình thường, nhưng thời gian gần đây cây sâm đã xuất hiện bệnh gây hại trên lá, nách lá, cổ rễ bị thâm đen và thối gốc làm chết cây với tỷ lệ 30-45%, cục bộ có vườn tỷ lệ cây chết 60-80%. 

Bệnh thường phát sinh gây hại nặng trong điều kiện ẩm độ cao, trồng mật độ dày, bón phân không cân đối, bón thừa đạm, vườn thường xuyên ngập nước và thoát nước kém.

Để chủ động phát hiện và phòng trừ bệnh thối gốc rễ cây sâm, nhằm hạn chế bệnh phát tán gây hại trên diện rộng, Phòng NN&PTNT huyện A Lưới yêu cầu Trung tâm DVNN, các địa phương và các hộ trồng tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, đánh giá tình hình phát sinh, phát triển gây hại của bệnh thối gốc rễ. 

Đồng thời thông tin, báo cáo cho Chi cục TT&BVTV tỉnh biết để phối hợp, hướng dẫn các biện pháp xử lý và phòng trừ bệnh kịp thời, hiệu quả.

Giải pháp trước mắt, đối với những cây đã bị chết cần tiến hành nhổ bỏ, đem ra khỏi vườn tiêu hủy. Đối với các vườn cây đang bị nhiễm bệnh cần kết hợp phun toàn cây và tưới gốc bằngcác loại thuốc hóa học như Insuran 50WG, Ridomil Gold 68WG, Aliette 800WG... nhằm hạn chế bệnh phát tán lây lan trên diện rộng. Kiểm tra sau khi phun trừ nếu thấy bệnh có xu hướng phát triển tiến hành phun lần 2 để chống tái nhiễm.

Khuyến cáo nông dân tiến hành tháo dỡ nilong để hạn chế nấm bệnh phát tán lây lan trên diện rộng. Tiến hành xới xáo giúp đất tơi xốp, bón phân cân đối đầy đủ, không bón thừa đạm, tăng cường bón vôi hoặc Calcium Nitrate, kết hợp bón thêm phân hữu cơ hoai mục được ủ với nấm đối kháng Trichoderma sp giúp cây sinh trưởng tốt và tăng khả năng chống chịu bệnh.

Về lâu dài, Phòng NN&PTNT yêu cầu sau thu hoạch hoặc trước khi canh tác cần thu dọn, tiêu hủy tàn dư thực vật và làm sạch cỏ dại. Trước khi gieo trồng từ 15-20 ngày nên cày lật lớp đất mặt, kết hợp bón vôi vào đất và tiến hành phơi tầng đất bề mặt trong vài ngày. Bón phân cân đối đầy đủ, nên bón lót phân chuồng đã ủ hoai mục, phân hữu cơ vi sinh, vôi hoặc Calcium nitrate, giúp cây sâm sinh trưởng phát triển tốt tăng khả năng chống chịu bệnh hại.

Phòng NN&PTNT huyện A Lưới (TT-Huế) khuyến cáo, đối với cây sâm bị bệnh cần nhổ bỏ và đem ra khỏi vườn tiêu hủy kịp thời. Khi bệnh có xu hướng phát triển mạnh nên hạn chế tưới nước, tránh bệnh lây lan trên ruộng. Tránh gây tổn thương rễ trong quá trình trồng trọt, chăm sóc. 

Khử trùng các dụng cụ lao động để giảm thiểu nguồn bệnh lây lan từ cây này sang cây khác. Sử dụng các chế phẩm vi sinh vật đối kháng như (nấm Trichoderma sp) bón vào đất nhằm hạn chế nguồn bệnh lây lan…

Hà Nguyên (Báo Thừa Thiên Huế)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem