“Triệu phú chuối” tiết lộ bí quyết bón phân Lâm Thao

Thu Hà Thứ tư, ngày 04/07/2018 15:18 PM (GMT+7)
Từ nhiều năm qua, xã Tứ Xã, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) đã đưa cây chuối tây lai vào đất bãi sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn. Với sự tiếp sức của phân bón Lâm Thao, nhiều hộ trồng chuối có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Bình luận 0

Thu nhập cao gấp chục lần trồng lúa

Là một trong những hộ tiên phong trồng chuối tây ở Tứ Xã, ông Nguyễn Thiên Tấn (thôn Làng Vực) cho biết: “Chuối tây rất dễ trồng, ít sâu bệnh, buồng to, quả đẹp mà lại bán được giá. Chính vì vậy, tôi quyết định cải tạo 2ha đất ruộng lúa kém hiệu quả ngoài bãi triều để đầu tư trồng chuối, kết hợp nuôi rươi, nuôi cáy”.

img

 Những năm qua, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã phối hợp với nhiều Hội ND các tỉnh, thành thực hiện mô hình trình diễn bón phân Lâm Thao khép kín trên cây chuối. mang lại hiệu quả cao cho nông dân.   Ảnh: T.L - Hồng Vân

Kỹ sư Phạm Đức Thành - Phó Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao: cho biết: “Thời vụ thích hợp trồng chuối tiêu hồng vào mùa xuân (tháng 2 - 4) và mùa thu (tháng 8 - 10). Mật độ trồng: Hàng cách hàng 2,2m, cây cách cây 2,5m, tương đương 60 - 70 cây/sào Bắc Bộ (360m2). Sau trồng 30 - 45 ngày thì làm cỏ (cần làm quanh năm trong suốt thời kỳ sinh trưởng của cây). Chuối chịu nóng kém, cần rất nhiều nước nên cần thường xuyên tưới, giữ ẩm cho cây”.

Nói về hiệu quả kinh tế, ông Tấn cho biết: Đến nay, vườn chuối của gia đình ông có khoảng trên 5.000 cây chia làm hơn 2.000 bụi chuối (mỗi bụi chuối có khoảng 2 – 3 cây). Cây chuối trồng sau 1 năm là có thể trổ buồng. Thời gian thu hoạch chuối chính vụ từ tháng 10 đến tháng 4 (âm lịch).

Trung bình mỗi buồng chuối tây nặng từ 20-40kg (tùy theo chế độ chăm sóc). Mỗi buồng có 8-10 nải, thậm chí tới 12 nải/buồng. Giá bán chuối tây xanh dao động từ 7.000 – 10.000 đồng/kg, mỗi buồng chuối có giá trị 200.000 - 300.000 đồng. Thời điểm giáp Tết Nguyên đán, giá bán chuối càng cao.

Bên cạnh nguồn thu chính từ bán quả, ông Tấn còn có thu nhập từ các phụ phẩm khác từ vườn chuối như: Lá chuối khô, hoa chuối, cây chuối non.... Ngoài ra, với mô hình chuyển đổi trồng chuối kết hợp nuôi rươi, nuôi cáy, mỗi năm gia đình ông có thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm, cao gấp chục lần so với cấy lúa.

Để trồng chuối tây lai hiệu quả, ông Tấn cũng phải áp dụng đúng tiến bộ kỹ thuật. “Đất trồng chuối phải được làm sạch cỏ dại và cải tạo, bón phân chuồng kết hợp với phân NPK Lâm Thao để cung cấp đủ dưỡng chất. Vườn trồng chuối được làm luống có độ cao 1 – 1,5m để thoát nước tốt, tránh hiện tượng ngập úng; kết hợp làm rãnh vừa để thoát nước trong mùa mưa, vừa để nuôi rươi, nuôi cáy. Mỗi sào tôi trồng 70 cây chuối, hàng cách hàng 2,5m, cây cách cây 2m”- ông Tấn nói.

Cũng theo ông Tấn, đối với một số bệnh thường gặp như héo rũ, vàng lá, đỏ cây, cây đùn mủ do các loại nhậy, nhện và bệnh khô vằn gây ra, cần theo dõi và phun thuốc phòng trừ, sử dụng các loại thuốc trừ sâu bệnh như đối với cây lúa. Đặc biệt, để chuối ra quả đẹp, trong quá trình cây sinh trưởng và phát triển, việc chăm sóc bón phân cho cây rất quan trọng.

“Qua thực tế sản xuất tôi thấy, bón phân NPK khép kín trên cây chuối trồng trái vụ cho thấy cây chuối phát triển tốt, ít sâu bệnh, buồng chuối dài, quả to đều, ăn thơm và ngọt hơn; năng suất cũng cao hơn nhiều so với chuối trồng theo cách truyền thống. Bình quân mỗi cây chuối tôi thường bón 4 – 5 lần/năm, liều lượng mỗi lần bón từ 1 – 1,5kg phân NPK Lâm Thao, trong đó cần tập trung chăm sóc vào 2 giai đoạn là sau khi trồng từ 9 -10 tháng và khi chuối sắp trổ buồng” – ông Tấn chia sẻ.

Hỗ trợ người trồng chuối

img

Trao đổi về tình hình địa phương, chị Đặng Thị Dung - Chủ tịch Hội Nông dân (ND) xã Tứ Xã cho biết: Từ nhiều năm nay, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bà con đã mạnh dạn cải tạo lại diện ruộng lúa ngoài triều bãi năng suất thấp để chuyển đổi sang trồng chuối kết hợp nuôi rươi, cáy.

Giống chuối tiêu hồng được trồng trên đất triều bãi xã Tứ Xã rất hợp với khí hậu, chất đất ở đây, lớn nhanh, cho quả đẹp. Để hỗ trợ người trồng chuối phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, Hội ND xã đã phối hợp Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao thực hiện mô hình sử dụng phân bón NPK khép kín cho cây chuối trên đất triều bãi phù sa với diện tích 2ha, với sự tham gia của 10 hộ dân.

Khi mô hình trình diễn điểm trên cây chuối được triển khai, bà con rất phấn khởi. Các hộ tham gia mô hình được Công ty Lâm Thao hỗ trợ khép kín toàn bộ phân bón cho cây chuối. Bên cạnh đó, bà con còn được cán bộ kỹ thuật của công ty về tận cơ sở hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, và bảo quản sau khi thu hoạch; cách nhân biết một số loại bệnh thường gặp ở cây chuối, quy trình bón phân NPK khép kín theo tỷ lệ phù hợp ở từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây chuối tiêu, nhằm đảm bảo năng suất và chất lượng...

Bên cạnh đó để gỡ khó cho người trồng chuối riêng và các hộ nông dân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã nói chung, hàng năm, Hội ND xã hỗ trợ vay nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), Ngân hàng Chính sách xã hội; phối hợp Công ty Lâm Thao cung ứng hàng chục tấn phân bón trả chậm cho bà con nông dân.

Ông Nguyễn Ngọc Tuyến – Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND tỉnh Hải Dương cho biết: Nhiều năm nay, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND (Hội ND tỉnh Hải Dương) đã có sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả với Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao thông qua chương trình hỗ trợ phân bón trả chậm cho nông dân. Liên tục từ năm 2002 cho đến nay, mỗi năm trung tâm cung ứng hơn 8.000 tấn phân bón trả chậm không lấy lãi trong vòng từ 6 – 12 tháng cho bà con nông dân.

“Những năm qua các cấp Hội ND tỉnh Hải Dương còn tích cực phối hợp Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao mở hàng trăm lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn điểm nhằm nâng cao hiểu biết và hướng dẫn bà con cách sử dụng phân bón hiệu quả” - ông Tuyến thông tin.

Cách trồng và liều lượng bón cho 1 cây chuối

(Khuyến cáo của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao)

+ Đào hố: Đào so le nanh sấu, kích thước hố: 40 x 40 x 40cm. Trồng cây cách cây, hàng cách hàng: 2m, đảm bảo 90 cây/sào (360m2).
+ Bón phân: Bón lót bằng phân chuồng 5 - 10kg kết hợp với NPK*M1 5.10.3-8 liều lượng 0,3 - 0,5kg (trộn đều các loại phân đưa xuống hố - phủ đất - trồng cây - lấp đất kín gốc tới độ sâu cách mặt luống 10cm - tưới ẩm)... Bón thúc 3 lần bằng NPK*M1 12.5.10-14: lần 1 sau trồng từ 1 - 1,5 tháng liều lượng 0,7 - 1kg; lần 2 sau lần 1 từ 1,5 - 2 tháng: 1,5 - 2kg; lần 3 khi cây trổ buồng: 1 - 1,5kg.
Việc bón lót bằng NPK*M1 5.10.3-8 và bón thúc bằng NPK*M1 12.5.10-14 rất quan trọng vì phù hợp với các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây. Giai đoạn đầu, cây còn non cần nhiều lân, ít đạm và kali để phát triển bộ rễ, thuận lợi cho việc hút chất dinh dưỡng. Đến giai đoạn sau khi cây đã cứng cáp, bón thúc cần nhiều đạm để phát triển thân lá, nhiều kali để hình thành nải trên buồng, số quả trên nải và tăng độ ngọt cho quả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem