TP.HCM: Siêu thị tiếp tục tăng hàng, kêu gọi người dân không vơ vét, tích trữ

Hồng Phúc Thứ tư, ngày 14/07/2021 18:57 PM (GMT+7)
Lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM khẳng định không có chuyện đóng cửa siêu thị. Các siêu thị cũng cho biết hàng hóa về TP đã nhiều hơn, đang tăng hàng lên kệ. Người dân nên bình tĩnh, không vét hàng trước những tin đồn thất thiệt.
Bình luận 0

Hàng về TP.HCM nhiều hơn, tăng hàng lên kệ

Từ sáng sớm 14/7, nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm tại TP.HCM chưa mở cửa nhưng rất đông người dân đã đến sớm để xếp hàng chờ vào mua thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. Càng về trưa và chiều, nhiều người tiếp tục đổ về khiến các siêu thị phải chủ động điều tiết, bật chế độ "tắc - mở" để đảm bảo không gian mua sắm an toàn bên trong.

Fanpage chính thức của hệ thống siêu thị Co.opmart trưa nay cập nhật: "Hiện tại, mọi người đang tập trung về siêu thị rất đông" và khuyến cáo khách ngồi đợi theo chỗ được nhân viên bố trí và mua sắm theo lượt từ 10 - 20 người.

TP.HCM: Siêu thị tiếp tục tăng hàng, kêu gọi người dân không vơ vét, tích trữ - Ảnh 1.

Cảnh siêu thị tại TP.HCM đông đúc hai hôm trở lại đây ở TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc.

Đại diện Saigon Co.op - đơn vị quản lý hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… cho biết lượng thịt tươi, trứng, rau củ quả nhập về cho gần 300 các siêu thị tại TP.HCM đã thuận lợi hơn, tăng 30% so với mấy ngày trước.

"Sau khi các thủ tục vận chuyển được các cơ quan liên quan gấp rút khai thông, lượng hàng hóa vận chuyển về các siêu thị bước đầu đã tăng lên đáng kể, cơ bản đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân TP.HCM. Cộng với lượng dữ trữ lớn về gạo, mì, thực phẩm khô, thực phẩm đông lạnh, thịt mát, hàng bình ổn giá… sẽ đảm bảo cung ứng ra thị trường ổn định hơn 3 đến 6 tháng tới", đại diện Saigon Co.op khẳng định.

Đại diện Central Retail cũng cho biết các với tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM diễn biến phức tạp và nhu cầu mua sắm thực phẩm thiết yếu của người dân tăng cao, các siêu thị Big C, Go!, Tops Market luôn nỗ lực đảm bảo việc vận hành các cửa hàng và cung cấp đủ hàng hóa với giá cả tốt nhất.

Cụ thể, doanh nghiệp khẳng định luôn làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp đảm bảo đầy đủ nguồn hàng, đặc biệt là hàng tươi sống, linh động vận chuyển hàng hóa nơi khác vào tăng cường cho TP.HCM, ăng cường hàng khô lên gấp 3 lần, tăng cường nhân viên từ các cửa hàng khác nhằm hỗ trợ siêu thị vận hành liên tục. Đặc biệt, giữ vững bình ổn giá, không tăng giá trong thời điểm hiện nay.

Các hệ thống siêu thị khác như Lotte Mart, MM Mega Market, Aeon, Bách Hóa Xanh… cũng đã tăng nguồn hàng lên quầy kệ gấp nhiều lần. Doanh nghiệp vẫn liên tục làm việc với nhà cung cấp để tăng hàng.

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cũng khẳng định không có chuyện đóng cửa các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, hàng thiết yếu. Các hệ thống này vẫn hoạt động bình thường. Thậm chí, các siêu thị còn cho biết tăng thời gian hoạt động, mở cửa sớm, đóng cửa muộn, hay mở đến 24h như hệ thống Co.opmart.

Cần người dân bình tĩnh mua sắm

Theo các nhà bán lẻ, việc tuân thủ 5K tại các nơi mua sắm nhu yếu phẩm hết sức quan trọng, bởi đây là phòng tuyến cung cấp lương thực thực phẩm quan trọng bậc nhất hiện nay. Do đó, người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo tại các điểm bán hoặc các F0 tham gia mua sắm sẽ khiến siêu thị phải đóng cửa rà soát, xét nghiệm.

TP.HCM: Siêu thị tiếp tục tăng hàng, kêu gọi người dân không vơ vét, tích trữ - Ảnh 3.

Khi không có hiện tượng ùn ùn mua sắm, hàng hoá tại siêu thị rất dồi dào. Ảnh: Hồng Phúc.

"Có thể nói hàng hóa không bao giờ thiếu nhưng hệ thống siêu thị cũng cần có sự phối hợp hỗ trợ mua sắm hết sức trách nhiệm của từng người dân như mua vừa phải, đúng nhu cầu để hạn chế tắc nghẽn, tuân thủ hướng dẫn an toàn mua sắm tại siêu thị để giảm thiểu nguy cơ, cũng như nên tham gia mua sắm online để giảm tải siêu thị, hưởng ứng giãn cách", đại diện Saigon Co.op nhận định.

Theo doanh nghiệp này, thực tế nhiều lần giãn cách xã hội nhưng hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm vẫn được hoạt động xuyên suốt để đảm bảo nguồn cung cấp lương thực thực phẩm cho người dân.

"Nhưng từng đợt giãn cách hầu như đều xuất hiện những thông tin đồn thổi thiếu kiểm chứng khiến người dân hoang mang, từ đó tạo làn sóng tích trữ hàng hóa dồn dập và tập trung đông người khiến hệ thống các điểm cung ứng lương thực thực phẩm đều quá tải, tắc nghẽn cục bộ", doanh nghiệp nhận định.

Các nhà bán lẻ cho rằng người dân cần yên tâm là lương thực thực phẩm không bao giờ thiếu, việc quan trọng nhất là cần bình tĩnh, mua sắm vừa phải. Cần phối hợp và tuân thủ hướng dẫn của các siêu thị để lương thực thực phẩm được phục vụ đều cho càng nhiều người càng tốt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem