Tiêu huỷ rượu lậu gây lãng phí?

Ngọc Vũ Thứ sáu, ngày 20/05/2022 07:00 AM (GMT+7)
Theo Sở Công thương tỉnh Quảng Trị, nếu tiêu huỷ rượu lậu theo quy định hiện hành sẽ gây lãng phí.
Bình luận 0

Ngày 19/5, Sở Công thương tỉnh Quảng Trị, Cơ quan thường trực ban chỉ đạo 389/ĐP tỉnh xác nhận, vừa đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị đề xuất Bộ Công thương điều chỉnh một số nội dụng liên quan đến việc xử lý rượu lậu.

Tiêu huỷ rượu lậu gây lãng phí? - Ảnh 1.

Một vụ buôn rượu lậu được Công an huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị phát hiện vào tối 13/1 có tổng trị giá trên 2 tỷ đồng. Ảnh: Công an Quảng Trị.

Theo Sở Công thương tỉnh Quảng Trị, hiện tại, theo điểm b, khoản 1, điều 5 của Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYTTANDTC-VKSNDTC của Bộ Công Thương, Bộ Công An, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao ngày 7/12/2012 hướng dẫn xử lý vi phạm về kinh doanh rượu nhập lậu, sản phẩm thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá nhập lậu, quy định: "Rượu nhập lậu bị tịch thu trong một vụ vi phạm buộc phải tiêu hủy trong các trường hợp sau: Có số lượng dưới 100 đơn vị sản phẩm".

Do đó, đối với các vụ vi phạm rượu nhập lậu bị giữ bắt tịch thu có số lượng dưới 100 đơn vị sản phẩm buộc phải tiêu hủy. Trong khi phần lớn các vụ vi phạm rượu nhập lậu bị giữ bắt tịch thu có số lượng dưới 100 đơn vị sản phẩm thường là các sản phẩm rượu có giá trị kinh tế cao nên việc quy định tiêu hủy đối với trường hợp này là không phù hợp, gây lãng phí.

Tiêu huỷ rượu lậu gây lãng phí? - Ảnh 2.

Ông Lê Tiến Dũng – Giám đốc Sở Công Thương, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh Quảng Trị. Ảnh: N.V

Đối với hàng điện tử nói chung (máy điều hòa nhiệt độ, máy xay sinh tố, nồi áp suất, nồi hấp, máy ép trái cây, bàn là khô…) do nước ngoài sản xuất, nhập lậu bị bắt giữ tịch thu thì theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật liên quan phải thực hiện giám định chất lượng sản phẩm trước khi thực hiện bán đấu giá đưa ra thị trường tiêu thụ. Đối với thực phẩm (đường cát, bia các loại, nước giải khát…) do nước ngoài sản xuất, nhập lậu bị bắt giữ tịch thu theo quy định của Luật An toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật liên quan phải thực hiện giám định an toàn thực phẩm trước khi thực hiện bán đấu giá đưa ra thị trường tiêu thụ.

Mặc dù các quy định này gây khó khăn nhất định trong quá trình xử lý hàng hóa nhập lậu bị bắt giữ tịch thu (chi phí giám định có một số trường hợp cao hơn so với kinh phí thu được từ đấu giá tang vật). Tuy nhiên, hiện tại vẫn phải thực hiện giám định theo quy định của pháp luật trước khi tổ chức bán đấu giá để bảo đảm chất lượng cũng như phải đảm bảo an toàn thực phẩm khi đưa hàng hóa ra thị trường.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong xử lý tang vật vi phạm, nhất là trong xử lý rượu nhập lậu bị bắt giữ, tịch thu nhằm tránh lãng phí; Cơ quan Thường trực BCĐ 389/ĐP đề nghị UBND tỉnh đề xuất Bộ Công Thương điều chỉnh nội dung điểm b, khoản 1, điều 5 của Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYTTANDTC-VKSNDTC theo hướng xử lý rượu nhập lậu bị tịch thu trong một vụ vi phạm có số lượng dưới 100 đơn vị sản phẩm là cho tổ chức bán đấu giá nếu xét thấy chi phí giám định chất lượng thấp hơn kinh phí thu được từ đấu giá tang vật. Và đương nhiên, nếu chi phí giám định chất lượng cao hơn kinh phí thu được từ đấu giá tang vật thì cho tiêu huỷ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem