Thổi hồn cho trang phục vải lanh bằng sáp ong

San Nguyễn Thứ sáu, ngày 24/07/2015 10:33 AM (GMT+7)
Tấm vải lanh được dệt nên từ sợi lanh có màu trắng tinh. Để có họa tiết truyền thống, người phụ nữ Mông dùng sáp ong vẽ lên đó.
Bình luận 0

img

Chị Sùng Thị Mỉ vẽ sáp ong lên tấm vải lanh. (Ảnh: S.N)

Bộ trang phục của phụ nữ Mông ở Hà Giang luôn giữ được nguyên vẹn những họa tiết truyền thống, mang đặc trưng văn hoá của dân tộc mình.

Theo chị Sùng Thị Mỉ ở thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ (Hà Giang), tấm vải lanh được dệt nên từ sợi lanh có màu trắng tinh. Để có họa tiết truyền thống, người phụ nữ Mông dùng sáp ong vẽ lên đó. “Sáp ong có hai khoảnh màu vàng và nâu. Màu vàng là sáp non, màu nâu là lớp sáp già, bóp cho hai loại sáp đó chảy hết mật rồi nấu mỗi loại ra một nồi khác nhau.” – chị Mỉ cho hay.

Sở dĩ người Mông dùng sáp ong để vẽ là bởi khi công đoạn này đã hoàn thành, cả tấm vải sẽ được đem nhuộm chàm. Chỗ không có sáp ong sẽ được nhuộm thành màu chàm đen. Còn chỗ có sáp ong, chàm không thấm vào được. Sau đó, người ta nấu chảy sáp ong đi, những hoa văn được vẽ bằng sáp ong sẽ trở thành màu trắng xanh, làm nổi bật trang phục.

Để vẽ được sáp ong lên vải, phụ nữ Mông có một bộ bút vẽ làm bằng thanh tre nhỏ, ngòi bút là một lá đồng rất nhỏ hình tam giác được nẹp vào thanh tre. Khi vẽ luôn phải ngồi bên bếp lửa, chấm bút vào chảo sáp ong nóng đặt trên than hồng rồi thoan thoắt đưa tay kẻ những đường thẳng trên vải, sao cho lưỡi bút song song với mặt đất.

Chị Mỉ chia sẻ: “Để làm được một bộ váy, người con gái Mông phải bỏ rất nhiều công sức. Mỗi bộ váy được làm ra là một minh chứng cho tính cần cù, chịu khó, khéo tay, hay làm của phụ nữ Mông. Không phải ai cũng vẽ đẹp ngay từ lúc đầu, phải kiên trì tự làm, nếu không sẽ không bao giờ biết vẽ”.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem