Tấn công Syria, Mỹ, Anh, Pháp muốn đạt được những gì?

Lư Phổ Ân Thứ bảy, ngày 14/04/2018 19:00 PM (GMT+7)
  Căng thẳng và đối đầu giữa Mỹ cùng đồng minh Phương Tây với Nga liên quan đến vụ việc đầu độc ở Anh còn chưa nguôi thì thế giới lại đã sôi sục thêm bởi những gì đang xảy ra ở Syria.
Bình luận 0

img

Tên lửa bay qua Damascus hôm 14.4.

Cũng lại là chuyện chất độc hoá học. Cũng lại căng thẳng và đối phó lẫn nhau giữa hai phe nói trên. Cũng lại chỉ cáo buộc chứ không có chứng cứ cụ thể và xác thực.

Sự khác biệt cơ bản nhất là địa điểm xảy ra vụ việc và nếu vụ đầu độc ở Anh là cuộc chiến ngoại giao, đối đầu chính trị, thì ở Syria là chuyện chiến tranh thực sự.

Cả tổng thống Mỹ Donald Trump lẫn tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều đã tự đặt ra cái gọi là "Chỉ giới đỏ" cho hành động của mình và đều cho rằng chỉ giới đó đã bị vượt qua.

Vì thế, cả hai giờ không thể không hành động như đã tuyên cáo nếu như không muốn bị coi là lời nói không đi đôi với việc làm và không thể tránh khỏi bị mất thể diện.

Về phía Tổng thống Trump, những mục tiêu mà ông muốn đạt được qua cuộc tấn công quân sự mới nhằm vào chính phủ Syria thật ra không khó nhận thấy. Vì nhu cầu đối nội. Vì tỏ ra làm găng với Nga. Vì đối phó Iran. Nhưng còn đối với Pháp và Anh thì thực chất chẳng khác gì tận dụng vụ việc này để gây dựng vai trò chính trị khu vực và để được công nhận là đã trở lại cuộc chơi chính trị quyền lực thế giới.

Chuyện này có lợi cho bà May ở chỗ nó làm dư luận không còn quan tâm hàng đầu nữa đến vụ việc đầu độc ở Anh mà bà May vẫn chưa đưa ra được bằng chứng cụ thể và xác thực nào cho cáo buộc rằng chính phủ Nga là thủ phạm.

Khuấy động chuyện sử dụng chất độc hoá học ở Syria có liên quan đến chính phủ Syria và Nga giúp bà May tác động và chi phối dư luận càng thêm tin rằng chính phủ Nga là thủ phạm gây ra vụ đầu độc ở Anh.

Tham chiến lần này ở Syria, bà May còn muốn củng cố và tăng cường "mối quan hệ truyền thống đặc biệt" giữa Mỹ và Anh. Bà May cần những động thái đối ngoại này để xoa dịu áp lực từ trong nội bộ do khó khăn, bế tắc và bất lợi liên quan đến tiến trình đàm phán với EU về việc nước Anh ra khỏi EU (Brexit).

Sau Brexit, cái gọi là "mối quan hệ truyền thống đặc biệt" kia với Mỹ càng thêm quan trọng đối với nước Anh. Bà May muốn phát đi thông điệp là nước Anh vẫn có vai trò chính trị an ninh thế giới chứ không phải bị lụi bại và quanh quẩn với Brexit và bất đồng nội bộ về chính trị và xã hội.

Ở ông Macron thì lại có chút khác. Ông đã chủ định đưa nước Pháp vào tham chiến ở Syria từ rất sớm chứ không chờ cơ hội như bà May.

Từ trước khi dậy lên chuyện sử dụng chất độc hoá học ở Syria trong những ngày vừa qua, ông Macron đã thể hiện quan điểm cứng rắn đối với chính phủ Syria và đã không ít lần rào trước đón sau là Pháp sẽ tấn công quân sự vào Syria nếu chính phủ Syria lại sử dụng vũ khí hoá học.

Trong trường hợp hiện tại, ông Macron và phe cánh đều cho rằng Chỉ giới đỏ này đã bị vượt qua. Nên ông Macron không thể không hành động. Hơn thế nữa, ông Macron lại rất muốn hành động để thể hiện bản lĩnh và khả năng lãnh đạo trong EU và để tìm lại vai trò chính trị thế giới cho nước Pháp.

Ông Macron muốn nước Pháp được Mỹ coi là đồng minh chiến lược thực sự cùng hội cùng thuyền và luôn kề vai sát cánh, muốn cả ông Trump ở Mỹ lẫn ông Putin ở Nga nhận biết điều ấy.

Sau Brexit, Pháp là thành viên duy nhất trong EU có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc và tham chiến ở Syria là cơ hội để ông Macron thể hiện rằng trong EU chỉ có Pháp, không có Đức hay bất cứ thành viên nào khác có khả năng đóng nổi vai trò kiến tạo và làm thay đổi trật tự thế giới.

Hai nước này và hai vị này có lợi ích và ý đồ riêng như thế khi nhanh chóng đứng hẳn về phía Mỹ và ông Trump để cùng Mỹ tấn công vào Syria.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem