Tạm dừng sử dụng mã số vùng trồng vi phạm quy định khi xuất khẩu sang Trung Quốc

Thiên Hương Thứ bảy, ngày 22/07/2023 14:52 PM (GMT+7)
Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, sẽ tạm dừng sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói liên quan tới lô hàng xuất khẩu không đáp ứng yêu cầu của phía Trung Quốc và tái phạm nhiều lần.
Bình luận 0

Buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói

Ngày 21/7, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản 4835/BNN-BVTV do Thứ trưởng Hoàng Trung ký, gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc kiểm soát đối tượng kiểm dịch thực vật tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu và tại các cửa khẩu.

Văn bản cho biết, Bộ Nông nghiệp và PTNT nhận được một số thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) liên quan đến vi phạm yêu cầu về kiểm dịch thực vật (KDTV) của các lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. 

Việc buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói (CSĐG) dẫn đến tình trạng kiểm soát không hiệu quả các đối tượng KDTV mà nước nhập khẩu quan tâm và làm gia tăng số lượng các lô hàng vi phạm quy định của Trung Quốc, thậm chí có nguy cơ làm mất thị trường xuất khẩu quan trọng này. 

Tạm dừng sử dụng mã số vùng trồng vi phạm quy định khi xuất khẩu sang Trung Quốc - Ảnh 1.

Công nhân tại Công ty CP tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) kiểm tra cẩn thận từng quả sầu riêng trước khi đưa vào đóng gói để xuất khẩu. Ảnh: chanhthu

Để bảo đảm việc tuân thủ quy định và tránh nguy cơ bị áp các biện pháp kiểm soát chặt chẽ từ phía Trung Quốc; đồng thời để quản lý tốt và hiệu quả các đối tượng KDTV ngay từ các vùng trồng và CSĐG, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tại địa phương bố trí đủ nguồn lực để thực hiện công tác kiểm tra và giám sát các vùng trồng và CSĐG đã được cấp mã số.

Tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến rộng rãi quy định của Trung Quốc cũng như tài liệu hướng dẫn kỹ thuật từ Bộ Nông nghiệp và PTNT (Cục Bảo vệ thực vật) để tổ chức và cá nhân tham gia sản xuất và xuất khẩu sang Trung Quốc biết và tuân thủ.

Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường kiểm soát chặt chẽ các đối tượng KDTV của Trung Quốc tại các vùng trồng, CSĐG đã được cấp mã số trên địa bàn tỉnh; yêu cầu các CSĐG phải thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật đảm bảo làm sạch sinh vật gây hại trên hàng hóa trước khi xuất khẩu; có cơ chế giám sát quy trình đóng gói tại các CSĐG.

Đối với các trường hợp vi phạm quy định KDTV theo thông báo từ phía Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ thực hiện tạm dừng đối với các mã số liên quan để điều tra nguyên nhân để áp dụng biện pháp khắc phục phù hợp.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, cũng sẽ áp dụng biện pháp tạm dừng sử dụng mã số vùng trồng, CSĐG liên quan tới các lô hàng xuất khẩu không đáp ứng yêu cầu của phía Trung Quốc và tái phạm nhiều lần trong quá trình kiểm tra KDTV.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có cửa khẩu xuất khẩu chỉ đạo cho các cơ quan chức năng liên quan phối hợp với cơ quan KDTV tại cửa khẩu thực hiện kiểm tra chặt chẽ hàng hóa theo quy định của Trung Quốc và các nước nhập khẩu. 

Văn bản của Bộ nhấn mạnh, việc không kiểm tra hoặc không đảm bảo tuân thủ quy trình có thể dẫn đến bỏ sót các trường hợp không đáp ứng yêu cầu mà vẫn được xuất khẩu. Điều này có thể dẫn đến việc bị phía Trung Quốc và nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn, thậm chí tạm ngừng nhập khẩu một hoặc toàn bộ các mặt hàng nông sản từ Việt Nam. 

Tính đến thời điểm này, Việt Nam đang có 9 loại trái cây, gồm chuối, xoài, măng cụt, dưa hấu, sầu riêng, nhãn, chôm chôm, thanh long, vải thiều được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc

Trong đó, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 3 nghị định thư về việc xuất khẩu sang Trung Quốc với quả măng cụt, sầu riêng và chuối. Ngoài ra, Việt Nam đang đàm phán để ký nghị định thư với các loại quả: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chôm chôm, xoài. 

Ngoài 9 loại quả kể trên, Việt Nam còn được phép xuất khẩu mít và chanh leo chính ngạch sang Trung Quốc. 

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, xuất khẩu rau quả của nước ta trong tháng 6/2023 ước đạt gần 1 tỷ USD, tăng 2,7 lần so với tháng 6/2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước ước đạt 3 tỷ USD, gần bằng con số 3,16 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2022. 

Trong top 10 thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam thì Trung Quốc dẫn đầu với gần 63,5% thị phần, tăng hơn 12,4% so cùng kỳ năm ngoái (kim ngạch đạt gần 1,3 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm). Tiếp đến là thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan đều tăng trưởng tốt. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem