Quyết định 182 của Thủ tướng sẽ giúp nâng cao hoạt động của kinh tế tập thể trong nông nghiệp ở Hải Dương

Thứ tư, ngày 13/03/2024 09:30 AM (GMT+7)
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 182/QĐ – TTg ngày 20/02/2024 phê duyệt Đề án: "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030". Nhân dịp này, phóng viên Dân Việt đã phỏng vấn ông Phạm Đức Hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Hải Dương về sự kiện này.
Quyết định 182 của Thủ tướng sẽ giúp nâng cao hoạt động của kinh tế tập thể trong nông nghiệp ở Hải Dương- Ảnh 1.

-Thưa ông, xin ông đánh giá về Quyết định số 182/QĐ-TTg ngày 20/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án: "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030" có ý nghĩa, tầm quan trọng và cơ hội như thế nào cho các cấp Hội Nông dân Việt Nam?

Quyết định số 182/QĐ-TTg ngày 20/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án: "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030" là cơ sở pháp lý hết sức quan trọng để các cấp Hội Nông dân Việt Nam tổ chức thực hiện, phát huy vai trò của mình trong tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII, Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị;

Nội dung của Quyết định nêu rất rõ về quan điểm, mục tiêu, thời gian thực hiện, các giải pháp, nguồn vốn thực hiện đề án, trách nhiệm của các bộ ngành, Hội Nông dân và trách nhiệm của địa phương trong tổ chức thực hiện.

Quyết định 182 của Thủ tướng sẽ giúp nâng cao hoạt động của kinh tế tập thể trong nông nghiệp ở Hải Dương- Ảnh 2.

Nhiều mô hình kinh tế tập thể do các cấp Hội Nông dân tỉnh Hải Dương thành lập đang dần phát huy hiểu quả. Ảnh: Nguyễn Việt.

Quyết định trên đã tạo động lực, khí thế mới cho Hội Nông dân các cấp, tạo cơ hội thuận lợi để các cấp Hội chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn; đồng thời đòi hỏi đội ngũ cán bộ Hội các cấp phải không ngừng nỗ lực trau dồi nâng cao trình độ, năng lực, nêu cao tinh thần trách nhiệm mới có thể thực hiện thành công mục tiêu của đề án.

-Quyết định này sẽ tạo cơ hội như thế nào khi triển khai đến các cấp Hội Nông dân trong tỉnh. Hội Nông dân tỉnh Hải Dương sẽ triển khai thực hiện Quyết định này như thế nào, thưa ông?

Sau khi Quyết định được ban hành, cán bộ Hội Nông dân các cấp và hội viên, nông dân tỉnh Hải Dương rất vui mừng, phấn khởi đón nhận. Đây là cơ hội để các cấp Hội trong tỉnh phát huy tính sáng tạo, chủ động phối hợp với các ngành tham mưu, đề xuất các mục tiêu, giải pháp, nguồn vốn cụ thể để thực hiện đề án.

Để triển khai thực hiện Quyết định này, Hội Nông dân tỉnh Hải Dương sẽ chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Công thương, Liên minh HTX tỉnh và các Sở, ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh Hải Dương ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh.

Sau khi Kế hoạch của UBND tỉnh được ban hành, HND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo, hướng dẫn HND cấp huyện chủ động phối hợp với các ngành có liên quan tham mưu đề xuất với UBND cấp huyện ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án;

Quyết định 182 của Thủ tướng sẽ giúp nâng cao hoạt động của kinh tế tập thể trong nông nghiệp ở Hải Dương- Ảnh 3.

Ông Phạm Đức Hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Hải Dương (người đứng giữa, đội mũ cối) thăm một mô hình kinh tế tập thể ở huyện Gia Lộc. Ảnh: Nguyễn Việt.

Hội Nông dân tỉnh sẽ giao chỉ tiêu thi đua thực hiện mục tiêu kế hoạch tới HND các huyện (TX, TP) gắn với bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm. Trên cơ sở các nhiệm vụ và giải pháp đã nêu rất rõ trong đề án, Hội Nông dân tỉnh sẽ tăng cường phối hợp với các Sở, ngành, doanh nghiệp để triển khai thực hiện tốt; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát; phát hiện kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh để đề xuất các giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Trước mắt, trong năm 2024, Hội Nông dân tỉnh sẽ vận động thành lập mới 80 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, 12 chi hội nông dân nghề nghiệp. Thành lập mới 17 Tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và 4 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho 1.000 nông dân xuất sắc, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện trở lên.

-Ông có thể thông tin về các mô hình kinh tế tập thể do các cấp Hội Nông dân tỉnh Hải Dương triển khai trong những năm qua và có hiệu quả như thế nào?

Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu, khách quan, có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Hội, trong những năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã tập trung cao trong chỉ đạo xây dựng và củng cố hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể. 

Quyết định 182 của Thủ tướng sẽ giúp nâng cao hoạt động của kinh tế tập thể trong nông nghiệp ở Hải Dương- Ảnh 4.

Chi tổ hội nghề nghiệp nông dân sản xuất và tiêu thụ ổi lê an toàn Đồng Cẩm (huyện Kim Thành) đang phát huy hiệu quả và từng bước xây dựng thương hiệu ổi lê Đồng Cẩm. Ảnh: Nguyễn Việt.

Đến nay, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã vận động, hướng dẫn thành lập 99 chi Hội Nông dân nghề nghiệp và 259 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp với tổng số 7.995 hội viên tham gia; hướng dẫn thành lập 503 mô hình tổ, nhóm liên kết, hợp tác và 19 Hợp tác xã trong nông nghiệp.

Các mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã do Hội thành lập và hỗ trợ hoạt động đã giúp nông dân liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, giảm chi phí đầu vào, công tác phòng, trị dịch bệnh đạt hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. 

Nhiều chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã xây dựng được thương hiệu nông sản, thu nhập của thành viên tăng từ 10-20%, tiêu biểu như: Rau quả sạch của HTX Nông sản sạch Nam Vũ (Liên Mạc – Thanh Hà); Gạo nếp cái hoa vàng của HTX nông sản sạch Duy Tân (Kinh Môn); Trứng gà OCOP của HTX chăn nuôi Cẩm Đông (Cẩm Giàng); Nấm sạch của Tổ hợp tác nấm sạch Sao Mai (xã Nam Tân – Nam Sách); Táo an toàn của Tổ hợp tác phường Cộng Hòa (Chí Linh), Ổi lê an toàn của chi Hội Nông dân nghề nghiệp xã Đồng Cẩm (Kim Thành),...

Clip: Hội Nông dân tỉnh Hải Dương, chỉ đạo các cấp Hội Nông dân huyện Kim Thành thành lập mô hình chi hội nông dân nghề nghiệp sản xuất và tiêu thụ ổi lê an toàn Đồng Cẩm. T/h: Nguyễn Việt.

Tuy nhiên, nhìn chung các mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Hải Dương có quy mô còn nhỏ, thiếu vốn, thiếu trụ sở làm việc, bộ máy quản lý còn thiếu kiến thức về quản lý, tài chính, thị trường, khoa học kỹ thuật,… 

Chính vì vậy, Quyết định số 182 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án: "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030" là chìa khóa mở ra cơ hội cho kinh tế tập thể trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh Hải Dương nói riêng phát triển vững mạnh, là cơ hội để Hội Nông dân các cấp nâng cao vai trò, hiệu quả tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

-Xin cám ơn ông!

Nguyễn Việt
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem