Hướng đến Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam: Những cách làm hay trong xây dựng, phát triển Quỹ HTND (Bài 4)

Trần Khánh Thứ hai, ngày 04/12/2023 07:45 AM (GMT+7)
Hội Nông dân các tỉnh, thành phố trong cả nước trong những năm qua đã chủ động, tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền, vận động, tuyên truyền hội viên, nông dân, doanh nghiệp tham gia xây dựng, phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân. Nhiều cách làm hay, có hiệu quả đã xuất hiện...
Bình luận 0

Quỹ Hỗ trợ nông dân TP HCM đạt quy mô hơn 304 tỷ đồng

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM, Trưởng Ban Điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân TP.HCM cho biết, Quỹ được thành lập từ năm 1996. Quỹ hỗ trợ nông dân Thành phố là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và có vốn điều lệ.

Theo Ban Điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân TP.HCM, để kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của hội viên, Quỹ đã trình Ban Thường vụ Hội Nông dân TP.HCM phê duyệt chủ trương nâng mức cho vay vốn Quỹ đối với hội viên nông dân tối đa lên đến 100 triệu đồng.

Hội Nông dân TP.HCM trao vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân cho các hội viên nông dân huyện Bình Chánh. Ảnh: Mạnh Lê

Hội Nông dân TP.HCM trao vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân cho các hội viên huyện Bình Chánh. Ảnh: Mạnh Lê

Trong nhiệm kỳ vừa qua, bên cạnh việc vận động tăng trưởng nguồn vốn được hơn 164,07 tỷ đồng, Quỹ hỗ trợ nông dân TP.HCM tham mưu xây dựng Đề án cấp vốn điều lệ cho Quỹ giai đoạn 2021-2025 từ ngân sách Thành phố; và được UBND TP.HCM phê duyệt vốn điều lệ là 225 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2022, Quỹ hỗ trợ nông dân TP.HCM được cấp vốn điều lệ là 155 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân toàn Thành phố hiện nay lên đến hơn 304,39 tỷ đồng. Từ đó, Quỹ hỗ trợ cho 14.677 lượt hội viên nông dân vay vốn với tổng số tiền 601,97 tỷ đồng.

Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Quỹ hỗ trợ nông dân TP.HCM thực hiện giảm phí vay cho hội viên nông dân; phối hợp với Quỹ hỗ trợ nông dân cấp huyện và Hội Nông dân cơ sở thực hiện hồ sơ xử lý rủi ro, hình thức gia hạn nợ với tổng số tiền được gia hạn hơn 8,79 tỷ đồng cho 195 hội viên nông dân.

Song song đó, Quỹ hỗ trợ nông dân TP.HCM rà soát, chỉnh sửa biểu mẫu hồ sơ vay vốn, các loại sổ sách. Phần mềm quản lý Quỹ cũng được hiệu chỉnh trở nên đơn giản, dễ thực hiện nhằm rút ngắn thời gian lập hồ sơ vay vốn. Công tác quản lý tài chính Quỹ ngày càng chặt chẽ, nhất là duy trì việc thuê kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính Quỹ hỗ trợ nông dân.

Thời gian tới, Quỹ hỗ trợ nông dân TP.HCM tiếp tục tham mưu Ban Thường vụ Hội Nông dân Thành phố đề xuất UBND TP.HCM cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ nông dân giai đoạn 2023-2024 là 50 tỷ đồng.

Việc này nhằm bổ sung nguồn vốn, tăng vốn vay hỗ trợ cho hội viên nông dân, mở rộng đối tượng vay vốn, quan tâm chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của nông dân trẻ khởi nghiệp, bà Hạnh cho biết.

Các ngành nghề thực hiện cho vay của Quỹ hỗ trợ nông dân phù hợp với định hướng nông nghiệp đô thị của TP.HCM. Ảnh: Trần Khánh

Các ngành nghề thực hiện cho vay của Quỹ hỗ trợ nông dân phù hợp với định hướng nông nghiệp đô thị của TP.HCM. Ảnh: Trần Khánh

Bà Nguyễn Thanh Xuân - Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM cho biết, trong nhiệm kỳ 2018-2023, Quỹ hỗ trợ nông dân TP.HCM đã triển khai và thực hiện tốt công tác xây dựng, quản lý hoạt động Quỹ hỗ trợ nông dân.

Các ngành nghề thực hiện cho vay của Quỹ hỗ trợ nông dân phù hợp với định hướng nông nghiệp đô thị của TP.HCM. Quỹ đã giúp hội viên nông dân có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần làm giàu chính đáng, ổn định chính trị ở nông thôn.

"Có thể thấy hiệu quả hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân trong nhiệm kỳ 2018-2023 mang lại cả về mặt chính tri và kinh tế, xã hôi, góp phần thúc đẩy công tác xây dựng Hội, các phong trào nông dân", bà Xuân chia sẻ. 

Cao Bằng xây dựng, sử dụng hiệu quả vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân

Để phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân, hằng năm, Ban Vận động Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Cao Bằng có Thư kêu gọi quyên góp, ủng hộ xây dựng quỹ. Tính đến hết tháng 11, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Cao Bằng đang quản lý hơn 70 tỷ đồng, hỗ trợ cho hơn 40.000 lượt vay.

Hiệu quả trong phát triển, quản lý, sử dụng vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng. Clip: Chiến Hoàng

Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Cao Bằng được thành lập từ năm 1996, chính thức đi vào hoạt động từ năm 1997. Qua hơn 25 năm hoạt động, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Cao Bằng luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cao Bằng và sự quan tâm đóng góp của các cấp, ngành, các đơn vị tổ chức, cá nhân trong toàn tỉnh.

Thông tin từ lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng, tính đến hết tháng 11, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Cao Bằng đang quản lý hơn 70 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ đã hỗ trợ cho hơn 40 nghìn lượt hội viên nông dân vay vốn để đầu tư sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống, thúc đẩy thực hiện có hiệu quả phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững".

Cao Bằng: Xây dựng, dử dụng hiệu quả vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân - Ảnh 1.

Ông Triệu Lưu Cương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng chia sẻ về việc xây dựng, quản lý và phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân của tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Chiến Hoàng

Ông Triệu Lưu Cương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng cho biết, quá trình triển khai thực hiện Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Cao Bằng, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm của Trung ương Hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cao Bằng.

"Để xây và quản lý hiệu quả Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng đã tham mưu cho Tỉnh ủy Cao Bằng thanh lập Ban Vận động quỹ, trực tiếp đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban Vận động và đây cũng chính là một trong những thuận lợi cho việc phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân của tỉnh.

Quỹ Hỗ trợ nông dân được xây dựng chủ yếu thông qua sự vận động. Quỹ luôn nhận được sự quan tâm ủng hộ của các cán bộ, hội viên nông dân, các tổ chức doanh nghiệp trong toàn tỉnh. Về chỉ tiêu phát triển, Quỹ Hỗ trợ nông dân luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra. Song song với đó, hằng năm tỉnh Cao Bằng cũng hỗ trợ thêm 1 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công của tỉnh cho Quỹ", ông Cương cho biết thêm.

Cao Bằng: Xây dựng, dử dụng hiệu quả vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân - Ảnh 2.

Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Cao Bằng thẩm định dự án trồng, chăm sóc, chế biến và kinh doanh miến dong tại thị trấn Tĩnh Túc, huyện Nguyên Bình. Ảnh: Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng

Theo ông Cương, hội viên nông dân tỉnh Cao Bằng tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhu cầu sử dụng nguồn vốn vay lớn mà nguồn vốn hạn chế nên việc triển khai quỹ chưa đáp ứng được nhu cầu của các hội viên nông dân trong việc tiếp cận vốn vay.

Cao Bằng: Xây dựng, dử dụng hiệu quả vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân - Ảnh 3.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng cùng lãnh đạo Huyện ủy Nguyên Bình thăm mô hình trồng cây thanh long theo chuỗi giá trị tại xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình. Ảnh: Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng

"Nguồn vốn, các dự án luân chuyển liên tiếp do đó hiệu quả rất cao. Đến nay quản lý vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân của tỉnh Cao Bằng không có thất thoát, luôn bảo toàn được nguồn vốn. Các dự án triển khai có hiệu quả, giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế rất tốt; đặc biệt là vùng sâu, vùng xa như các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc.

Để nguồn vốn được nâng lên, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hội viên nông dân, hằng năm, Ban Vận động quỹ vẫn tiếp tục có Thư kêu gọi, vận động sự ủng hộ của các cán bộ, hội viên nông dân, lực lượng vũ trang, các tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ủng hộ cho Quỹ", Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng thông tin.

Cao Bằng: Xây dựng, dử dụng hiệu quả vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân - Ảnh 4.

Hội nghị triển khai và giải ngân Quỹ Hỗ trợ nông dân tại xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình do Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng tổ chức. Ảnh: Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng

Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, bà Triệu Thị Xuyến, xóm 8 Đế Triều, thị trấn Nước Hai, hội viên Hội Nông dân huyện Hòa An cho biết, năm nay là năm đầu tiên tôi tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ nông dân. Số tiền tuy không nhiều nhưng cũng đã hỗ trợ được gia đình phần nào trong việc mua con giống để phát triển chăn nuôi.

"Ở xóm tôi năm nay có 5 hộ được tiếp cận với nguồn vốn này. Phần lớn các hộ vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân đều dùng cho việc phát triển chăn nuôi của gia đình. Quỹ Hỗ trợ nông dân đến với chúng tôi rất kịp thời. Tôi thấy việc xây dựng, phát triển nguồn vốn này rất có ý nghĩa, đặc biệt là với những hội viên nông dân còn nhiều khó khăn như chúng tôi", bà Xuyến bày tỏ.

Còn bà Triệu Thị Tăng, cùng xóm Đế Triều (thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An tỉnh Cao Bằng) cho hay, vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giúp cho hội viên nông dân chúng tôi có tiền đầu tư chăn nuôi. Lãi suất lại rất thấp, phù hợp với những hội viên nông dân còn khó khăn.

"Nhờ quỹ Hỗ trợ nông dân, gia đình tôi có tiền mua lợn giống. Hiện trong chuồng nhà tôi đang có 6 con lợn, trong đó có một con lợn nái rất đẹp, đang sinh sản tốt. Tôi mong rằng những hội viên nông dân còn khó khăn như tôi tiếp tục nhận được sự quan tâm của Hội Nông dân tỉnh, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế tại địa phương", bà Tăng chia sẻ.

Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Cao Bằng trong hơn 25 năm qua đã luôn nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của các hội viên nông dân, cán bộ, viên chức, tổ chức doanh nghiệp… chung tay xây dựng Quỹ ngày càng phát triển, việc giải ngân nguồn vốn đã góp phần tích trong công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Cao Bằng.


Hải Dương: Xây dựng Quỹ HTND xã, tiếp cận Quỹ HTND tỉnh phục vụ hội viên, nông dân

Những năm qua, xã Thái Dương, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương luôn quan tâm, thực hiện nghiêm những quy định trong việc trích ngân sách địa phương dành để xây dựng và phát triển Quỹ hỗ trợ nông dân (HTND) xã. Từ nguồn Quỹ này, Hội Nông dân xã Thái Dương đã "tiếp sức" cho nhiều hội viên trong phát triển sản xuất, kinh doanh.
Hội ND xã Thái Dương xây dựng Quỹ HTND xã, tiếp cận Quỹ HTND tỉnh để "tiếp sức" hội viên phát triển sản xuất - Ảnh 1.

Năm 2020, anh Vũ Văn Mão, hội viên Chi Hội nông dân thôn Kinh Trang vay vốn từ Quỹ HTND xã và sử dụng vốn vay đúng mục đích vào việc phát triển mô hình chăn nuôi lợn thịt.

Trước đây, anh Mão đi làm thuê trên thành phố, năm 2016, anh về quê phát triển kinh tế với mô hình chăn nuôi lợn nái và lợn thịt. Năm 2019 bỏ nuôi lợn nái, tập trung vào nuôi lợn thịt. Sau khi có thêm nguồn vay từ Quỹ HTND xã được 20 triệu đồng, giúp anh có thêm vốn mở rộng chuồng trại chăn nuôi. Hiện anh có trại lợn rộng 400 m2, nuôi với quy mô hơn 100 con lợn thịt.

Hội ND xã Thái Dương xây dựng Quỹ HTND xã, tiếp cận Quỹ HTND tỉnh để "tiếp sức" hội viên phát triển sản xuất - Ảnh 2.

Nhờ có nguồn vốn vay từ Quỹ HTND xã Thái Dương, anh Vũ Văn Mão, hội viên nông dân Chi hội Kinh Trang có thêm nguồn vốn để phát triển kinh tế, anh còn lắp đặt camera để kiểm soát quản lý việc chăn nuôi được chặt chẽ hơn. Ảnh: Nguyễn Việt.

Anh Mão luôn tuân thủ nghiệm ngặt vệ sinh phòng trừ dịch bệnh, lắp camera để quản lý, luôn phun sát khử khuẩn khu vực chuồng trại đến việc ra vào trong trại. Tuy những năm gần đây, tình hình dịch bệnh, giá cả thị trường bấp bênh, ảnh hưởng rất nhiều đến việc chăn nuôi, nhiều hộ phải dừng nuôi do thua lỗ, dịch bệnh nhưng trại lợn của gia đình anh vẫn cầm cự vượt qua khó khăn. Lúc được giá, anh cũng lãi được từ vài chục triệu đến hơn trăm triệu đồng.

Ông Nguyễn Thế Hiển, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Dương (huyện Bình Giang) cho biết, về việc xây dựng Quỹ HTND xã luôn được cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương quan tâm. Mặc dù, một địa phương thuần nông, không có tổ chức doanh nghiệp, nguồn thu từ nông dân nghiệp là chủ đạo nên cũng không có nhiều nguồn lực. Tuy nhiên, lãnh đạo địa phương dành một nguồn kinh phí nhất định, trích từ nguồn ngân sách từ 5 – 7 triệu đồng để bổ sung vào Quỹ HTND và duy trì liên tục trong nhiều năm qua.

Hội ND xã Thái Dương xây dựng Quỹ HTND xã, tiếp cận Quỹ HTND tỉnh để "tiếp sức" hội viên phát triển sản xuất - Ảnh 3.

Khu chuồng nuôi lợn thịt của anh Mão được quản lý chặt chẽ, người ngoài không được vào chuồng để bảo đảm vệ sinh dịch bệnh. Ảnh: Nguyễn Việt.

Năm 2017, địa phương cũng đồng ý cho Hội Nông dân xã tổ chức đợt phát động ủng hộ xây dựng Quỹ HTND của xã. Đợt vận động đó được 20 triệu đồng. Mặt khác, hằng năm Hội Nông dân xã còn trích một phần từ nguồn làm uỷ thác ngân hàng chính sách để bổ sung gia tăng nguồn Quỹ HTND xã.

Có được đến đâu, Hội Nông dân xã lại triển khai giải ngân cho hội viên vay vốn. Những năm trước đây, mức vay là 20 triệu đồng/hộ. Các hộ được vay vốn đều được đề nghị từ các chi hội cơ sở, sau đó được thẩm định, nếu hội viên nông dân đủ điều kiện sẽ được giải ngân cho vay.

Theo ông Hiển, người đủ điều kiện vay vốn phải có mô hình kinh tế, có nhu cầu vay vốn, có sức khoẻ và liên kết trong sản xuất kinh doanh. Sau khi, giải ngân cho hội viên vay, các chi hội đều giám sát việc sử dụng vốn vay. Hằng quý sẽ tiến hành thu phí từ các hội viên vay vốn từ Quỹ. Số tiền này cũng được bổ sung vào quỹ. Sau 2 năm vay vốn, hội viên phải trả vốn vay cho Quỹ. Sau đó, Hội lại dùng vốn đó luân chuyển cho hội viên khác vay.

Từ các nguồn bổ sung vào Quỹ, đến nay Quỹ HTND xã Thái Dương đã phát triển được trên 160 triệu đồng. Tháng 10 năm 2023, Hội lại tiếp tục giải ngân cho 5 hộ vay. Đợt vay này, mức vay đã được nâng lên từ 20 triệu đồng/hộ tăng lên mức 30 triệu đồng/hộ. Các hộ vay vốn đều đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Ngoài thực hiện có hiệu quả việc xây dựng và quản lý Quỹ HTND xã cho hội viên nông dân vay vốn, Hội Nông dân xã Thái Dương còn tiếp cận nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh để cho hội viên vay phát triển kinh tế. Vừa qua, Hội đã phối hợp với hội cấp trên giải ngân 400 triệu đồng từ Quỹ HTND tỉnh cho 10 hội viên vay, với mức vay 40 triệu đồng.

Hội ND xã Thái Dương xây dựng Quỹ HTND xã, tiếp cận Quỹ HTND tỉnh để "tiếp sức" hội viên phát triển sản xuất - Ảnh 4.

Anh Vũ Huy Bảo, Chi hội thôn Hà Đông được vay vốn từ Quỹ HTND tỉnh Hải Dương được 40 triệu đồng, anh thêm vào để mua máy móc, nguyên vật liệu để sản xuất lúa và kinh doanh dịch vụ gặt, cày, cấy thuê. Anh Bảo đang kiểm tra máy móc trước mỗi ngày làm việc. Ảnh: Nguyễn Việt.

Anh Vũ Huy Bảo, Chi hội Nông dân thôn Hà Đông được vay 40 triệu đồng để phát triển mô hình cấy lúa cộng với phát triển dịch vụ cày, cấy, gặt thuê. Để phát triển mô hình này, anh Bảo đã đầu tư tiền tỷ để mua 1 máy cấy, 1 máy gặt, 1 máy cày.

Hiện gia đình anh Bảo đang sản xuất lúa với trên diện tích 10 mẫu ruộng. Ngoài ra, anh còn làm dịch vụ cày, cấy, gặt cho bà con địa phương với diện tích 70 mẫu.

Vừa rồi đúng lúc cạn vốn, anh Bảo đã được Hội Nông dân xã "tiếp sức" cho vay vốn từ nguồn Quỹ HTND tỉnh. Có thêm vốn "tiếp sức" anh Bảo đã sử dụng vào việc đầu tư, mua nguyên liệu để phục vụ sản xuất. Anh Bảo tin tưởng vào việc sử dụng đồng vốn vay cũng như việc hoàn trả lãi và gốc.

Anh Bảo tâm sự: Tuy mức vay từ Quỹ HTND không cao như ngân hàng nhưng lại rất đáng quý để giúp tôi cũng như bà con nông dân khác trong xã có thêm điều kiện để phát triển sản xuất. Mong rằng, các cấp Hội tiếp tục phát triển Quỹ HTND các cấp lớn mạnh hơn nữa để giúp bà con nông dân có thêm nguồn lực trong việc phát triển sản xuất.

Ông Đào Xuân Điển, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Giang (Hải Dương) cho biết, về công tác xây dựng Quỹ HTND, Hội Nông dân xã Thái Dương làm tốt việc tạo nguồn, đặc biệt là việc thực hiện tốt kết luận 61 của Ban Bí thư và Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ. Những năm gần đây, năm nào đảng uỷ, UBND xã cũng quan tâm chuyển ngân sách cho Quỹ để HTND. Thứ hai, công tác quản lý Quỹ bảo đảm đúng nguyên tắc, theo Điều lệ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về quản lý HTND. Thứ ba, công tác trích, nộp, bổ sung các nguồn phí của Quỹ HTND bảo đảm đúng quy định.

Về công tác cho vay, Hội Nông dân xã Thái Dương thực hiện cho vay đúng đối tượng và có hiệu quả. Các hộ hội viên vay vốn rất phấn khởi, bởi có thêm nguồn vốn để phát triển kinh tế sản xuất. Nhiều hộ nhờ đó mà vượt qua khó khăn, vươn lên có cuộc sống ổn định

Năm 2023, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Hải Dương đã tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền cùng cấp trích ngân sách bổ sung cho Quỹ HTND các cấp được tổng số tiền 1.753,5 triệu đồng (ngân sách cấp huyện trích bổ sung 1.450 triệu đồng, ngân sách cấp xã trích bổ sung 303,5 triệu đồng). Cùng với nguồn bổ sung tăng trưởng từ phí thu được đã nâng tổng số nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh lên 96.469,9 triệu đồng (tăng 2.919 triệu đồng so với cuối năm 2022) và hỗ trợ cho 3.301 hộ vay phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đó, Trung ương Hội ủy thác 16,0 tỷ đồng được triển khai ở 28 dự án; Quỹ cấp tỉnh 40,52 tỷ đồng thực hiện ở 99 mô hình nhóm hộ; Quỹ cấp huyện 39,95 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem