Quẩy gùi, vác mác lội rừng đi "ăn" ong ở U Minh Hạ

Chúc Ly Thứ hai, ngày 06/03/2017 13:30 PM (GMT+7)
Mật ong rừng tràm U Minh Hạ (Cà Mau) từ lâu nổi tiếng cả nước bởi chất lượng mật hảo hạng. Mật ong U Minh để lâu năm không đổi màu, không biến chất và không bị đọng đường, mang hương vị đặc biệt của hoa tràm. Đây cũng là nguồn lợi tự nhiên mang lại thu nhập khá cho nhiều người thợ chuyên nghề ăn ong (lấy mật).
Bình luận 0

img

Để chuẩn bị cho một chuyến ăn ong, dụng cụ quan trọng nhất là những bó đuốc như thế này, dùng để hun khói cho ong say

Tại rừng U Minh Hạ do điều kiện sinh trưởng tốt nên các tổ ong thường rất to, có tổ dài hơn 1m, mỗi tổ ong có trung bình từ 3-5 lít mật, có khi cả chục lít. Để chuẩn bị cho một chuyến ăn ong, người thợ chỉ cần bộ dụng cụ gồm một bó đuốc làm bằng xơ dừa khô được bó chặt lại để hun khói, một thau hoặc xô đựng tàn ong, một cây dao và tấm lưới trùm đầu tránh bị ong đốt. 

img

Khi người thợ tiến đến tổ ong phải liên tục thổi khói vào xung quanh tổ để tránh bị ong đốt, ngạt khói ong sẽ bay ra

Hiện, hệ thống kênh rạch tại các khu rừng ở đây đã hoàn thiện nên người đi ăn ong có thể chạy xuồng máy (phương tiện di chuyển trên sông nước chủ yếu ở Cà Mau) vào rừng, lội băng qua các cánh rừng có gác kèo để ăn ong.

Kèo ong được làm bằng cây tràm già dài hơn thước, một đầu có cái nhánh con dùng làm mấu. Người gác kèo phải chọn nơi tràm trổ bông kéo dài đủ cho ong lấy mật; kế đến chọn hướng gió, hướng ánh sáng rọi vào tổ và khoảng trống để ong bay lên đi lấy mật và đáp xuống dễ dàng. Sau khi chọn được địa điểm thích hợp, người thợ ong gác chiếc kèo xiên lên cây tràm, rồi dọn sạch cành lá xung quanh để khi lấy mật khỏi bị vướng.

img

Việc dùng lưới che mặt là một cách bảo vệ mình, còn đối với những người có kinh nghiệm thì họ không cần dùng đến

Ông Trần Văn Nhì ở ấp 2, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, người có hơn 40 năm kinh nghiệm trong nghề ăn ong, chia sẻ: Khi đến tổ ong, người thợ sẽ dùng bó đuốc hun khói, đàn ong ngạt khói, bỏ tổ bay ra vù vù, đen kịt. Cảnh tượng này chắc chắn sẽ khiến nhiều người yếu tim phải khiếp sợ, nhưng nếu đi quen thì không sao nữa. Khi đàn ong bay ra gần hết, cũng là lúc khối mật hiện ra vàng ươm trên thân kèo, dùng dao cắt khúc tàn nhiều mật nhất và để lại một phần trên kèo, dưỡng lại cho lứa sau.

img

Mỗi tổ ong ở rừng U Minh Hạ thường rất to, trung bình từ 3-5 lít mật/tổ

Cũng theo ông, việc gác kèo ong đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, không phải ai gác ong cũng đến làm tổ. Người ăn ong phải chọn vị trí gác kèo sao cho có ánh mặt trời rọi vào hai cả hai bên của kèo, nghĩa là ở buổi nào, cũng phải có ánh mặt trời chiếu vào, kèo được gác chếch cỡ tầm đầu người.

img

Mật ong sau khi được khai thác về sẽ lượt bỏ xác ong rồi vắt hết mật từ tàn ong

Thường sau 15-20 ngày kể từ khi ong xuống làm tổ sẽ cho đợt mật đầu tiên, sau đó, cứ khoảng 10 ngày lấy được 1 đợt mật. Mật ong rừng U Minh Hạ có 2 mùa, mùa nước (mua mưa) và mùa hạn. Mật ở mùa nước bắt đầu từ cuối tháng 5 đến khoảng tháng 8 âm lịch, mùa hạn bắt đầu từ khoảng tháng 10 đến tháng 3 âm lịch. Vào mùa mưa, đàn ong sẽ rất hung hăng hơn, sản lượng mật cũng ít hơn so với mùa hạn.

img

Những giọt mật thành phẩm hấp dẫn, đẹp mắt

Mật trong mùa nước thường loãng hơn mùa khô nên có giá thấp hơn, trong mùa nước giá từ 300.000-350.000 đồng/lít, còn mùa hạn thì có giá 400.000 đồng/lít.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem