Quân đội nước này phải đào mộ tập thể chôn hàng nghìn người chết vì Covid-19 không ai đến nhận

Minh Nhật Thứ sáu, ngày 14/05/2021 18:10 PM (GMT+7)
Hàng nghìn bệnh nhân Covid-19 ở Nepal được chôn cất trong các ngôi mộ tập thể dọc theo biên giới với Ấn Độ khi hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này sụp đổ vì làn sóng Covid-19 thứ 2.
Bình luận 0
Quân đội nước này phải đào mộ tập thể chôn hàng nghìn người chết vì Covid-19 không ai đến nhận - Ảnh 1.

Người phụ nữ khóc cạnh thi thể của người thân chết vì Covid-19 tại một lò hỏa táng gần đền Pashupatinath ở Kathmandu, Nepal vào ngày 7/5.

Theo Indra Dev Yadav, Giám đốc khu vực Rautahat của Nepal, 300 thi thể của bệnh nhân Covid-19 đã được quân đội chôn cất trong các ngôi mộ tập thể tại Rautahat, giáp bang Bihar của Ấn Độ kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

"Quân đội Nepal đã tiến hành việc chôn cất 300 thi thể", ông Yadav nói.

Làn sóng Covid-19 thứ 2 ở Ấn Độ đã lan sang và tàn phá Nepal qua biên giới đất liền của 2 nước.

Cũng tương tự như ở Ấn Độ, gia đình của nhiều người bệnh ở Nepal sợ đến nhận thi thể của người thân vì sợ nhiễm virus hoặc họ không có khả năng hỏa táng.

Theo đó, quân đội Nepal đã được chỉ thị chôn cất các thi thể vô thừa nhận của 4.682 người bệnh Covid-19 kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này vào tháng 1/2020. Chỉ riêng trong tuần qua họ đã phải chôn cất 456 thi thể vô thừa nhận trong các mộ tập thể.

Quân đội nước này phải đào mộ tập thể chôn hàng nghìn người chết vì Covid-19 không ai đến nhận - Ảnh 2.

Lò hỏa táng cho nạn nhân Covid-19 ở Kathmandu vào ngày 5/5.

Cũng như ở Delhi và Mumbai, hàng trăm bệnh nhân Covid-19 ở thủ đô Kathmandu của Nepal đang chết đầy bất lực trong nhà mình và bên ngoài bệnh viện vì chưa được nhập viện điều trị do hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Nepal đã sụp đổ dưới làn sóng Covid-19 thứ hai.

Nepal là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á và hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này được đánh giá là còn sơ khai trước đại dịch. Nepa có ít hơn 600 máy thở và khoảng 18.000 bác sĩ cho dân số 29 triệu người.

Tiến sĩ Biraj Karmacharya, nhà dịch tễ học và giám đốc các chương trình cộng đồng và sức khỏe cộng đồng tại Bệnh viện Dhulikhel cho biết: “Trong tuần qua, tình hình đã trở nên vô cùng tuyệt vọng. Nhiều bệnh viện phải trả bệnh nhân về và yêu cầu họ tự cung cấp oxy cho mình. Chúng tôi thiếu nhiều ICU cho những ca bệnh nặng".

"Cho đến thời điểm hiện tại, khoảng 14 bệnh viện đã đóng cửa và các bệnh viện còn lại cũng đang gặp khó khăn, chúng tôi cũng thiếu nhiều đơn vị chăm cóc tích cực (ICU) cho những ca bệnh nặng", ông Karmacharya nói thêm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem