Phía sau các phóng sự điều tra đồng rừng trên Dân Việt: Giá trị đích thực của một tác phẩm báo chí

Doãn Hoàng – Hoàng Chiên Thứ ba, ngày 08/06/2021 14:56 PM (GMT+7)
Khi mà các tác phẩm tạo ra được những hiệu ứng xã hội của riêng nó, chúng tôi thêm một lần thấm thía: Giá trị đích thực của một tác phẩm báo chí, một ngòi bút, một đời viết là bạn đã có “tâm” để làm gì đó giúp cho cuộc đời tốt đẹp hơn. Và Dân Việt là nơi giúp chúng tôi cảm nhận sâu sắc hơn điều đó.
Bình luận 0
Phía sau các Phóng sự Đường rừng trên Dân Việt - Ảnh 1.

Tác giả trong rừng già Hoàng Liên. (Ảnh: NVCC)

Tôi sinh ra ở rừng, và khi bước vào tuổi 45, tôi đã “tự trào” mà viết: “Dường như, càng già yếu, cái phổi nó càng mệt mỏi. Nó luôn cằn nhằn mong sao hít đủ ô xy cho cơ thể. Nên hễ ở thành phố là tôi khó thở lắm. Cứ phải chuồi vào rừng, cốt là để tìm màu xanh diệp lục”. 

Tếu táo vậy để nói về cái hội chứng nghiện thiên nhiên hoang dã có thật mà loài người rất hay mắc phải. Cứ lên đến rừng hay thấy dấu hiệu của rừng là cảm xúc bị thả rông như một thứ lỗng xích nào đó lại vút lên. Quả là tôi có nghĩ nhiều về cái chất doping mà thiên nhiên khoáng đạt thổi vào mình trong những lần đi làm phóng sự rồi phóng sự điều tra liên quan đến hai chữ“đồng rừng”. Trước, tôi có viết một cuốn sách, tái bản nhiều lần, tên là “Ký sự đồng rừng”.

Lộ trình điều tra “dựng ngược” các tấm bản đồ

Phía sau các Phóng sự Đường rừng trên Dân Việt - Ảnh 2.

Đi rừng xuyên đêm để điều tra vụ tàn phá rừng pơ-mu. (Ảnh: NVCC)

Khi tôi và nhà báo Hoàng Chiên đi làm loạt bài “Xâm nhập đường dây buôn hổ xuyên quốc gia” (5 kỳ, đăng trên báo điện tử Dân Việt năm 2020, loạt bài sau đó đạt giải nhất báo chí về “Cuộc khủng khoảng hoang dã” năm 2020 - NV), tôi đã "dựng ngược" cái bản đồ thế giới lên và vẽ lại các chuyến đi của mình trong buổi diễn thuyết ở một khách sạn trong TP.HCM. 

Nhiều người tham dự đều chung thắc mắc: Tiền đâu mà đi kinh thế? Tôi đi từ Việt Nam, quá cảnh Hồng Kông để sang Nam Phi, đi từ Mũi Hảo Vọng (cực Nam lục địa châu Phi, nơi Ấn Độ Dương gặp Đại Tây Dương) theo cây bao báp sang biên giới Mô Dăm Bích, được các giáo sư báo chí của bạn mời vào tham gia các vụ việc hết sức ly kỳ.

Rồi tôi vòng về Tam Giác Vàng, bên này Myanmar, bên kia Thái Lan và Lào. Tiếp đến đi dọc nước Lào, sang Cam Pu Chia, về xứ ta thì bay Sài Gòn, lái xe dọc Đông Bắc, Tây Bắc... Tôi không bịa câu nào, vì 5 bài báo và các bộ ảnh đã nói rõ điều đó. Và “tiếp thu” chùm phóng sự điều tra đó.

Tương tự, từ loạt phóng sự “Phá rừng như trẩy hội ở vương quốc pơ mu cổ thụ" thuộc Vườn Quốc gia Hoàng Liên” (thuộc các tỉnh Lào Cai, Lai Châu) tới loạt bài dài kì điều tra "các chiêu trò" phù phép, làm giả hồ sơ, rửa nguồn gốc cây rừng, biến các lão mộc tinh ngoài rừng già, ngoài tự nhiên vào “vườn nhà dân” để phục vụ thú chơi đại cảnh nhẫn tâm cho giới nhà giàu. 

Cũng phải kể đến phóng sự điều tra “Lời man trá trong các rừng nghiến khổng lồ” ở các dãy núi đá huyền thoại Đông Bắc, Tây Bắc. Chúng tôi gặp nhiều ông, bà trùm, lật lại hồ sơ từng vụ bán đấu giá gỗ tang vật bị lợi dụng (hoặc giả vờ bị lợi dụng), rồi các con buôn đánh tráo, quay vòng hồ sơ lừa cơ quan chức năng trong nhiều năm ra sao...

Họ công khai lập xưởng mộc, công khai tổ chức những chợ gỗ nghiến, thớt nghiến tấp nập sau khi “hợp thức hóa nguồn gốc gỗ lậu” như thế nào. Tất cả đã được nhóm PV trưng đủ trong cả một tuyến bài dài, với đầy đủ ảnh, video công phu...

Những chuyến ăn dầm ở dề với rừng già, những chuyến xe tự lái vài nghìn cây số. Có khi sáng ở Hà Nội, tối đã ngủ ở Huế, ngày mai ở Kon Tum, ngày kia ở Bình Phước, lăn lộn sang đất Campuchia rồi ngược về Hà Nội. Những cuộc hóa trang thành đủ kiểu người để tới sát được khu vực lâm tặc hoạt động... 

Lăn lộn khắp nơi, cốt sao có được tư liệu quý và ý nghĩa, xâu chuỗi lại để lột tả được một vấn đề mấu chốt, nhằm góp tiếng nói bảo vệ được màu xanh. Kết quả, cơ quan chức năng khởi tố các vụ án hình sự, ngành kiểm lâm cũng đã nghiêm túc nhìn lại các lỗ hổng và khuất tất trong quản lý rừng... 

Theo đuổi tới cùng vấn đề

Thế nên, các phóng sự về trào lưu “bứng trộm” hàng vạn vạn cây cổ thụ, về tàn sát cả bầu trời chim hoang dã…, khi Cục Kiểm lâm Việt Nam ra văn bản chỉ đạo “dẹp loạn” (sau bài báo) thì họ thường phải có công văn phải gửi tới 6 đến 10 tỉnh thành cùng lúc. 

Sau khi điều tra, có hồ sơ đích đáng, xin ý kiến tòa soàn, nhóm PV đều báo cơ quan chức năng từ công an, kiểm lâm, quản lý thị trường (thậm chí trực tiếp “kêu” đến Chủ tịch UBND tỉnh, Cục trưởng Kiểm lâm) để lên kế hoạch bắt giữ, xử lý sai phạm. 

Đó cũng là lý do mà sau các chuyến đi điều tra, qua loạt bài trên Dân Việt, chúng tôi xúc động khi nhận được ý kiến chỉ đạo từ các vị lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương một cách sâu sát, cụ thể. 

Phía sau các Phóng sự Đường rừng trên Dân Việt - Ảnh 3.

Đi rừng xuyên đêm để điều tra vụ tàn phá rừng pơ-mu. (Ảnh: Nhóm PV)

Ví dụ, từ loạt bài về “Địa ngục chim trời” ở thị trấn Thạnh Hóa, tỉnh Long An, chúng tôi phát triển ra thành cái nhìn đại cục về cách người Việt Nam ứng xử nhẫn tâm và đầy bất cập với chim di cư, chim hoang dã trên toàn lãnh thổ. So sánh với quốc tế, xem lại các văn bản quy định chưa cập với thực tế, chúng tôi trực tiếp dẫn Đội Đặc nhiệm của Kiểm lâm Việt Nam vượt hàng nghìn cây số đi bắt giữ, xử lý các sai phạm; kiến nghị và được các Bộ ngành tiếp thu. 

Cục Đa dạng Sinh học (Bộ Tài nguyên Môi trường) đã mời PV Dân Việt sang Bộ cung cấp tư liệu, đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, để Thủ tướng ký và ban hành Chỉ thị riêng xử lý dứt điểm tình trạng trên. 

Kết quả, tháng 6/2021, khoảng 15 tổ chức bảo tồn của Việt Nam và Quốc tế đã tiếp tục có kiến nghị lên Thủ tướng về vấn đề mà Dân Việt đã đi tiên phong, quyết liệt điều tra trên hơn 10 tỉnh thành.

Những hiểm nguy phải đối mặt và những "mánh riêng"

Có những lần nhóm PV bị đe dọa, có bà trùm nửa đêm đi tìm tôi đòi chụp ảnh chung vì chị quý em lắm. Song thật ra là họ quyết lưu giữ hình ảnh của chúng tôi để ngầm nói rằng: Mày “làm phản” thì đừng có trách. 

Khi bài báo được phát hành, có lúc nửa đêm phóng viên bị đối tượng dựng dậy bằng cuộc điện thoại “tao xiên chết mày”, “tao không tìm được mày thì tao không làm người”. Có khi một nhân vật trong loạt bài nhắn nhẹ một câu "đăng bài như thế vẫn thường lắm”, hoặc “lừa tao như thế là giỏi đấy, chờ quả báo nhé”.

Lại có nhiều khi đi bộ cả ngày trong rừng, trời tối dựng lều mà chưa biết số phận mình ra sao giữa bốn bề bịt bùng mà người dẫn đường chưa biết họ đứng về phe nào. Thót tim nhất là những cuộc bị rượt đuổi, bị vác dao đe dọa, chửi bới, khi lực lượng điều tra phá án ập vào mà các phóng viên (vẫn trong vai con buôn) cố nán lại để quay phim, chụp hình...

Không chỉ là câu chuyện nghề viết, là những hiểm nguy không chỉ chúng tôi mà rất nhiều đồng nghiệp khác, đang phải đối mặt từng ngày, từng giờ, trên hết, tờ báo Dân Việt đã tạo cơ hội cho chúng tôi được đến tận cùng các ngõ ngách của đời sống này. 

Nhiều đồng nghiệp, người quen thường hỏi chúng tôi: Đi vậy, làm vậy có mệt, có sợ không? - Có chứ. Nếu bảo không mệt, không sợ là không thật lòng. Song, nếu bạn tự nguyện và đam mê với nó, vất vả, lo lắng bằng nào cũng chỉ là con số không... 

Chúng tôi gọi đó là trách nhiệm cộng đồng của ngòi bút. Đôi khi, nhà báo cần "trải rộng" tâm huyết của mình ra bên ngoài trang viết, đến với những cảnh đời, phận người thực ngoài đời. Đó là đường đời, cũng là nhựa sống hân hoan của mỗi phận người. 

Khi mà các tác phẩm tạo ra được những hiệu ứng xã hội của riêng nó, có khi là cứu sống một vài loài hoang dã, “hồi sinh” lại một vài cánh rừng cổ thụ bị đối xử tàn độc, chúng tôi thêm một lần thấm thía: Giá trị đích thực của một tác phẩm báo chí, một ngòi bút, một đời viết, là bạn đã có “Tâm” để làm gì đó giúp cho cuộc đời tốt đẹp hơn. Dân Việt đã giúp chúng tôi cảm nhận sâu sắc hơn điều đó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem