Rừng lạ ào ào lá đỏ (kỳ cuối): Ở lại Chư Tan Kra

Mai Nguyên Thứ năm, ngày 27/05/2021 06:30 AM (GMT+7)
Tháng 4, Kon Tum vẫn nắng như đổ lửa. Trước mỗi chuyến tìm kiếm, các cựu chiến binh (CCB) đều đến thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Sa Thầy và khu tưởng niệm các liệt sĩ Hà Nội. Lần này cũng vậy, họ tin rằng các liệt sĩ vẫn đang đi về trên dãy Trường Sơn, dõi theo các bước chân của họ...
Bình luận 0

Từ những chuyến tìm kiếm

CCB Hồ Đại Đồng và CCB Nguyễn Xuân Ánh chỉ vào những di vật xếp trong nhà trưng bày, nói đó là một phần những gì họ mang về từ những cuộc tìm kiếm. Những chiếc kim băng, cúc áo, khóa thắt lưng, có cả chiếc kẹp tóc hay bàn chải đánh răng… của lính cả hai phía. CCB Nguyễn Xuân Ánh đã gần 80 tuổi, nhưng ông vẫn đọc được khá chi tiết những thứ mình mang về. Là lính của Trung đoàn (E) 88, Sư đoàn 1, nhưng ông tham gia cùng các CCB E209 đã vài chuyến đi. "Tất cả là vì các liệt sĩ" - ông Ánh tâm niệm thế.

Rừng lạ ào ào lá đỏ (kỳ cuối): Ở lại Chư Tan Kra - Ảnh 1.

Bia tưởng niệm các liệt sĩ Hà Nội. Ảnh: M.N

Chuyến đi đầu tiên của các CCB E209 tìm đồng đội là vào tháng 3/2009. Họ khảo sát và tìm kiếm ở dãy Chư Tan Kra, cao điểm 995, địa hình trải dài 10km với 6 đỉnh núi lớn, đỉnh chính cao 1.198m. Chuyến đi còn có sự tham gia của một thân nhân liệt sĩ E209 - anh Trương Đức Bình. Anh Bình cũng gắn bó với các CCB trong nhiều năm về sau, bởi anh cũng có hai người thân là liệt sĩ ở Tây Nguyên. Ngày 25/3/2009, họ tìm thấy khu có mũ sắt và công sự Mỹ cũng những dấu hiệu của trận đánh khi xưa tại thôn 4, thị trấn Sa Thầy. Ngày 26/3/2009 cũng là lần đầu tiên, lễ giỗ tập thể cho những liệt sĩ Hà Nội ở mặt trận Bắc Kon Tum được tổ chức giữa chuyến tìm kiếm.

Rừng lạ ào ào lá đỏ (kỳ cuối): Ở lại Chư Tan Kra - Ảnh 2.

Cây bàng vuông Trường Sa trồng tại khu tưởng niệm. Ảnh: M.N

Rừng lạ ào ào lá đỏ (kỳ cuối): Ở lại Chư Tan Kra - Ảnh 3.

Các CCB đang kiểm đếm những di vật tìm thấy trong các cuộc tìm kiếm. Ảnh: M.N

"Càng lên gần đỉnh 1198 thì các dấu vết như hố bom, công sự, hầm cá nhân càng nhiều. Dấu tích còn nguyên" - CCB Hồ Đại Đồng nhớ lại. Theo tài liệu còn lại, riêng khu vực Chư Tan Kra này, có hơn 200 liệt sĩ sau trận đánh tháng 3/1968 vẫn còn đang chờ đồng đội tới kiếm tìm. Thời điểm ấy, nhiều người còn chưa nghe tới Chư Tan Kra, càng không biết về những trận đánh lịch sử của Trung đoàn mũ sắt 209.

Tới năm 2010, các CCB tìm thấy được khu mộ tập thể ở Đồi Tranh (thuộc xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy). Lần này, giữa đám đất, cỏ họ tìm thấy những đế giày cháy dở, những vụn xương. Đó là khu mộ lớn nhất với 81 hài cốt, hiện 77 hài cốt đã được đưa về an táng ở Nghĩa trang liệt sĩ huyện Sa Thầy, 4 người được thân nhân đưa về địa phương.

Đã có 120 liệt sĩ được tìm thấy từ những chuyến tìm kiếm. Nhưng CCB Hồ Đại Đồng cũng nói, vẫn còn nhiều vong hồn trên đó lắm, họ cần được trở về. Ông Đồng đã đi gần 40 chuyến, không phải lúc nào cũng thành công. Nhưng ngay cả khi không tìm thấy gì, trên mỗi hành trình, những dấu vết cuộc chiến vẫn còn phảng phất.

Rừng lạ ào ào lá đỏ (kỳ cuối): Ở lại Chư Tan Kra - Ảnh 4.

Chiếc mũ sắt tìm thấy trong một chuyến tìm kiếm tháng 11/2017. Ảnh: M.N

Năm 2017, các CCB một lần nữa tìm thấy một khu mộ tập thể của 15 liệt sĩ, trong đó hài cốt duy nhất có chiếc bút khắc tên Phạm Bá Thi – một liệt sĩ của Đại đội 1, Tiểu đoàn 7, E209. Trong số những tấm bia ở Nghĩa trang liệt sĩ Sa Thầy, chỉ có duy nhất tấm bia của liệt sĩ Thi được xác định họ tên.

Chốn đi về của những người chiến đấu vì Chư Tan Kra

Năm 1967, hơn 1.000 thanh niên Hà Nội đã lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi tổng động viên. Họ được trang bị những loại vũ khí bộ binh tốt nhất thời đó, với mệnh danh Trung đoàn mũ sắt (E209). Tháng 2/1968, những người lính Hà Nội lên đường vào Tây Nguyên.

Trong gần 2 tháng chiến đấu ở Chư Tan Kra, có hơn 400 lính E209 đã nằm lại cao điểm 995. Năm đó chiến trường khốc liệt, nỗi day dứt về những đồng đội ngã xuống vẫn thôi thúc những người lính già của E209. Và đó là lý do của những cuộc vào rừng liên tục của các CCB mỗi mùa khô.

Ngày 10/5/2009, Thượng tướng Nguyễn Thế Trị cùng Ban liên lạc E209 đã gửi một bức thư kiến nghị tới Bí thư Thành ủy Hà Nội, trình bày quá trình chiến đấu của những người lính Hà Nội ở Chư Tan Kra, cao điểm 995 và 996 năm 1968. Bức thư cũng đề nghị về một khu tưởng niệm các liệt sĩ Hà Nội mặt trận Bắc Kon Tum.

Ngay sau đó, lãnh đạo TP.Hà Nội đã đồng ý cho 30 tỷ đồng để xây dựng khu tưởng niệm và nghĩa trang liệt sĩ, nhà đón khách tại khu vực chân núi Chư Tan Kra. Năm 2012, khu tưởng niệm được khánh thành.

Rừng lạ ào ào lá đỏ (kỳ cuối): Ở lại Chư Tan Kra - Ảnh 6.

Thắp hương tại Khu tưởng niệm các liệt sĩ Hà Nội. Ảnh: M.N

Rừng lạ ào ào lá đỏ (kỳ cuối): Ở lại Chư Tan Kra - Ảnh 7.

Mộ tập thể của liệt sĩ Hà Nội hy sinh tại mặt trận Bắc Kon Tum được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ Sa Thầy. Ảnh: M.N

Ngày 26/3/2018, trong lễ tưởng niệm 50 năm trận Chư Tan Kra, người ta còn nhìn thấy hình ảnh của các CCB Việt Nam cùng những CCB Mỹ đứng cạnh nhau. 50 năm trước, ở hai đầu chiến tuyến, họ chĩa súng vào nhau, 50 năm sau họ chia sẻ cho nhau các toạ độ chôn cất những người nằm lại, nói chuyện với nhau để gác lại quá khứ đau thương. Những người lính Mỹ cũng đến thắp hương các nghĩa trang liệt sĩ Việt Nam.

Rừng lạ ào ào lá đỏ (kỳ cuối): Ở lại Chư Tan Kra - Ảnh 8.

CCB Hồ Đại Đồng với cây sấu Hà Nội trong khu tưởng niệm Chư Tan Kra. Ảnh: M.N

Ở khu tưởng niệm Chư Tan Kra, các CCB còn kỳ công mang tới cả cây sấu Hà Nội, để những người đồng đội được nhìn thấy quê nhà. Các CCB cũng trồng ở đó một cây bàng vuông – cái cây những người lính già mang về sau chuyến đi Trường Sa tháng 6/2019. Ở đó, những người lính già vẫn ghé qua mỗi năm. Và có thể, những người lính nằm lại trên những cao điểm, cũng thường ghé qua.

Để biết rằng chiến tranh đã đi qua rồi, nhưng nỗi ngổn ngang thì còn nhiều lắm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem