NTM Lào Cai: Trong 80 sản phẩm, có 1 sản phẩm trong lĩnh vực du lịch đạt OCOP

Thanh Nam Thứ hai, ngày 25/01/2021 10:01 AM (GMT+7)
Trong gần 80 sản phẩm OCOP cấp tỉnh Lào Cai, chỉ có 1 sản phẩm trong lĩnh vực du lịch đạt OCOP. Tiềm năng du lịch rất lớn, đa dạng và hấp dẫn nhưng lại rất khó đạt OCOP cấp tỉnh. Vậy đâu là nguyên nhân?
Bình luận 0

Chỉ có 1 sản phẩm lĩnh vực du lịch đạt OCOP

Khi bắt đầu triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trên địa bàn thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai có 40 cơ sở du lịch cộng đồng đăng ký tham gia. Tuy nhiên, qua rà soát, đánh giá và xét các tiêu chí thì hầu hết không đạt hoặc không phù hợp. Vì vậy, Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Sa Pa đã tham mưu cho các cấp, các ngành điều chỉnh các tiêu chí để xây dựng sản phẩm OCOP trong lĩnh vực du lịch với mong muốn hướng đến sự chủ động của các cơ sở du lịch cộng đồng trên địa bàn. Dù đã có nhiều cố gắng và sự vào cuộc tích cực của các ngành và địa phương nhưng hiện nay thị xã Sa Pa mới xây dựng được 1 sản phẩm OCOP trong lĩnh vực du lịch, đó là "Khu du lịch sinh thái vườn đá Tả Phìn" của Hợp tác xã Tả Phìn Xanh được xếp hạng 4 sao OCOP.

Xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch đạt OCOP - Ảnh 1.

Du khách tham quan khu du lịch sinh thái vườn đá Tả Phìn. Ảnh: P.V

Ông Hà Văn Thắng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai: "Nếu có những tuyến, điểm, làng văn hóa du lịch đạt sản phẩm OCOP thì sẽ nâng cao thương hiệu du lịch Lào Cai, đồng thời đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, khám phá của du khách".

Bà Hoàng Thị Vượng - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Sa Pa cho biết: Khó khăn lớn nhất là các cơ sở du lịch cộng đồng chưa thấy được lợi ích khi tham gia OCOP nên chưa quan tâm đầu tư xây dựng sản phẩm. Mặt khác, trước đây các cơ sở kinh doanh du lịch thường xếp hạng sao theo tiêu chí của Bộ VHTTDL nên không mặn mà với xếp hạng sao OCOP. Các tiêu chí đánh giá của OCOP trong lĩnh vực du lịch còn chưa cụ thể, chưa rõ ràng dẫn đến khó khăn trong đánh giá, xếp loại, xây dựng các tiêu chí.

Những khó khăn trong xây dựng sản phẩm du lịch đạt OCOP cấp tỉnh của thị xã Sa Pa cũng là khó khăn chung của các địa phương trong tỉnh như Bắc Hà, Bát Xát, TP.Lào Cai. Tuy nhiên, không vì vậy mà cản trở việc xây dựng các sản phẩm du lịch đạt OCOP cấp tỉnh, bởi Lào Cai đang có nhiều cơ hội khi du lịch của tỉnh đạt được những tiêu chí của du lịch quốc gia, đứng đầu khu vực Tây Bắc và trong tốp 10 điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong nước và quốc tế.

Trong đó, du lịch cộng đồng là sản phẩm đặc trưng, có nhiều lợi thể để phát triển thành sản phẩm OCOP vì đã được Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) tư vấn, giúp đỡ xây dựng thành sản phẩm đạt chuẩn ASEAN.

Xây dựng sản phẩm nào chắc sản phẩm đó

Lý giải về việc đến nay mới có 1 sản phẩm du lịch đạt OCOP cấp tỉnh, ông Hà Văn Thắng - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lào Cai cho rằng, tiêu chí đặt ra đối với sản phẩm du lịch đạt OCOP phải là sản phẩm của cộng đồng; cơ sở vật chất đảm bảo an toàn, giữ gìn được bản sắc văn hóa; phải được du khách đón nhận. Do vậy, mới có 1 sản phẩm được xếp hạng 4 sao OCOP.

Ngành văn hóa, thể thao và du lịch cùng các địa phương xác định dù có ít sản phẩm du lịch đạt OCOP nhưng đó là sản phẩm thực chất mà không phải làm cho có hay "đánh bóng" thương hiệu, làm mất đi sự bền vững của sản phẩm.

Cũng theo ông Hà Văn Thắng, tỉnh sẽ không chạy theo số lượng và thành tích, mà sẽ đầu tư bài bản và xây dựng sản phẩm nào chắc sản phẩm đó, để cộng đồng tham gia quản lý và khai thác có trách nhiệm.

Trong thời gian tới, ngành văn hóa, thể thao và du lịch cùng các địa phương tập trung xây dựng các điểm du lịch thành sản phẩm OCOP như: Thôn Lao Chải (xã Y Tý), xã Sảng Ma Sáo, xã Mường Hum (huyện Bát Xát), thôn Na Lo (xã Tà Chải, huyện Bắc Hà), thôn Kíp Tước (xã Hợp Thành, TP.Lào Cai), thôn Bản Dền (xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa), thôn Hòa Sử Pán (xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa)…

Bà Hoàng Thị Vượng cho biết: Thị xã tập trung tuyên truyền để cộng đồng nhận thức được lợi ích khi tham gia OCOP. Đồng thời, tham mưu cho các cấp, các ngành hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá xếp hạng OCOP trong lĩnh vực du lịch; kết nối xây dựng các sản phẩm OCOP trong lĩnh vực văn hóa, nông nghiệp, y tế gắn với phát triển du lịch, phục vụ khách du lịch; đề xuất xây dựng và công nhận xếp hạng OCOP đối với điểm du lịch "Vườn hồng mộng mơ", "Đồi hồng cổ"…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem