Nông nghiệp giữ vững kỳ tích giữa đại dịch Covid-19 (bài 3): Heo, gà... ứ đọng đầy chuồng, trang trại, doanh nghiệp "kêu cứu"

Trần Quang Thứ năm, ngày 07/10/2021 12:37 PM (GMT+7)
Trong bức tranh tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp, hiện, ngành chăn nuôi lại đang gặp nhiều khó khăn. Heo, gà, cá... ùn ứ, rớt giá trong nhiều tháng qua đã khiến cho tình trạng vật nuôi quá lứa tồn đọng ngày càng nhiều, người chăn nuôi ở các vùng đứng ngồi không yên vì đầu ra thu hẹp.
Bình luận 0
Nông dân, doanh nghiệp chăn nuôi chật vật vượt khó qua Covid-19 - Ảnh 1.

HTX Chăn nuôi công nghệ cao Hòa Mỹ của ông Thanh còn hàng nghìn con lợn quá lứa khó tiêu thụ. Ảnh: TQ

Giá lợn hơi giảm trong khi trang trại tồn hàng nghìn con lợn quá lứa

Sau khoảng hơn 2 tháng Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố để phòng, chống đại dịch Covid-19, HTX Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (HTX Hòa Mỹ) ở Ứng Hòa (Hà Nội) bị ảnh hưởng và thiệt hại rất nặng nề. Có thời điểm, sản phẩm chăn nuôi ế ẩm, đàn lợn trên 20.000 con tại trang trại có nguy cơ bị bỏ đói không lấy được thức ăn.

Đến giờ, Hà Nội nới lỏng giãn cách, giá lợn hơi lại lao dốc không phanh khiến HTX Hòa Mỹ tiếp tục rơi vào thảm cảnh thua lỗ trầm trọng hơn. 

Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại, ông Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc HTX Hòa Mỹ buồn rầu bảo: Giá lợn liên tục rớt thảm, giờ còn khoảng 40.000 đồng/kg nhưng vẫn có rất ít người mua. 

Hòa Mỹ đang có khoảng 5.000 - 6.000 con lợn thương phẩm quá lứa khoảng trên dưới 160kg/con nhưng ngày cao điểm mới bán được gần 100 con.

Theo ông Thanh, với giá thị trường hiện tại khoảng trên 40.000 đồng/kg, dù trang trại chủ động được giống, nhập cám, thuốc... từ nhà máy thì Hòa Mỹ vẫn bị âm trên 1 triệu đồng/con lợn. "Giá lợn rẻ và phải bán lẻ từng con, chúng tôi vẫn phải bán hết đàn thương phẩm mới có nguồn tiền để duy trì, tiếp tục chăn nuôi", Giám đốc HTX Hòa Mỹ nói.

Lợn thương phẩm ế ẩm, đàn lợn giống cả chục nghìn của HTX Hoà Mỹ cũng đã đến tuổi xuất bán không có người mua, ông Thanh đành gượng ép để lại nuôi thương phẩm. 

Ghi nhận tại thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai, PV Dân Việt nhận thấy nhiều nông hộ và doanh nghiệp chăn nuôi heo, gà trắng cũng đang lâm vào hoàn cảnh ế ẩm, thua lỗ nặng nề.

Là doanh nghiệp chuyên nuôi lợn nái, kinh doanh lợn giống hậu bị nhưng do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, việc tiêu thụ hàng gặp nhiều khó khăn, ế ẩm khiến Công ty TNHH MTV Tám Do ở Long Thành (Đồng Nai) đành phải để nuôi lợn thương phẩm.

Để có sản phẩm chất lượng cao, Công ty Tám Do đã đầu tư trang thiết bị tự động hiện đại để chăn nuôi heo VietGAP. Tuy nhiên, đến nay khi đàn heo đủ tuổi xuất chuồng vẫn bị tắc đầu ra.

Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đang tồn hàng nghìn con lợn quá lứa.

Ông Nguyễn Văn Hậu cho biết, thời điểm xuất hiện đại dịch, mỗi ngày trang trại còn bán được trên 60 con nhưng đến giờ các vùng nới lỏng giãn cách, lượng công nhân tại các khu công nghiệp đổ về quê nhiều khiến lượng heo bán ra giảm trên 50%.

Theo ông Hậu, trang trại đang tồn khá nhiều heo quá lứa khoảng 120kg đến 150kg/con. Bên cạnh đó, đàn heo giống tại công ty khoảng trên 12.000 con không có người mua có nguy cơ phải để nuôi thương phẩm.

"Bằng mọi giá, trang trại sẽ cố gắng xuất bán hết đàn heo thịt để lấy chuồng nuôi heo giống và nái. Dù có thua lỗ nặng phải bán nhà, tài sản chúng tôi cũng sẽ giữ lại và chăm sóc tốt cho đàn nái ngoại hơn 1.000 con để dành tái đàn sau này", ông Hậu nói.

Nông dân, doanh nghiệp chăn nuôi chật vật vượt khó qua Covid-19 - Ảnh 3.

Đàn lợn ngoại cỡ tại HTX Hòa Mỹ vẫn đang chờ khách tới mua. Ảnh: TQ

Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng HTX Hòa Mỹ vẫn tiếp tục hỗ trợ cho công nhân "3 tại chỗ" để đảm bảo an toàn trong chăn nuôi. Đồng thời, HTX tiếp tục nâng cấp hạ tầng chuồng trại, áp dụng công nghệ tự động vào khâu cung cấp thức ăn, nước uống cho lợn và xử lý chất thải trong chăn nuôi. Qua đó giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi trước dịch bệnh.

Mỗi tỉnh quy định một kiểu gây khó khăn trong khâu lưu thông

Ông Lê Văn Quyết - Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ cho biết, hiện nay một số nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm lớn ở khu vực TP.HCM và Đông Nam Bộ tuy đã hoạt động trở lại nhưng công suất rất thấp, chỉ đạt khoảng 30-40% thành ra các sản phẩm như gà trắng, heo tại trang trại ở các vùng đang bị dư thừa nhiều không có chỗ tiêu thụ.

"Riêng trang trại của chúng tôi đang có khoảng 240.000 con gà trắng, đúng ra đến thời điểm này phải tiêu thụ hết nhưng hiện mới bán được 1/3, số còn lại vẫn nằm trong chuồng. Ngày nào cao điểm mới xuất chuồng được 5.000 đến 6.000 con với giá rất rẻ, thê thảm lắm", ông Quyết bộc bạch.

Theo ông Quyết, sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch tại Đông Nam Bộ có khoảng 30-40% số hộ ngừng tái đàn, số còn lại cũng đang tái đàn cầm chừng để thăm dò thị trường.

Nông dân, doanh nghiệp chăn nuôi chật vật vượt khó qua Covid-19 - Ảnh 4.

Thương lái thu mua gà trắng tại một trang trại ở Xuân Lộc (Đồng Nai). Ảnh: Phạm Phong

Phản ánh với chúng tôi, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, chủ trang trại ở vùng Đông Nam Bộ cho biết, một trong những nguyên nhân khiến giá lợn hơi, gà giảm sâu là do khâu lưu thông, vận chuyển vẫn gặp khó khăn. Đáng nói là nhiều địa phương như Kiên Giang, An Giang... vẫn yêu cầu test PCR, không chấp nhận test nhanh; Hậu Giang vẫn bắt sang xe gây phát sinh thêm nhiều chi phí khác.

Về thủy sản, ghi nhận tại các địa bàn tỉnh Đồng Tháp, An Giang... chúng tôi thấy giá cá tra nguyên liệu có chiều hướng tăng nhẹ nhưng nhiều nông dân ở đây vẫn không mấy mặn mà với việc thả nuôi tiếp vì cá còn tồn đọng lớn, không có vốn để tái sản xuất. 

Đáng nói hơn, do giá cám công nghiệp tăng từ 15-20%, trong khi giá bán cá tra thương phẩm lại ở mức thấp, nhiều người nuôi buộc phải cắt giảm bớt thức ăn để giảm chi phí, chờ ngày thu hoạch.

Ông Phạm Văn Tới ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) cho biết,  gia đình ông đang có khoảng 600 tấn cá tra đến kỳ thu hoạch nhưng không có người mua. Vì vậy, ông phải neo cá dưới ao chịu tốn gần 1 tỷ đồng chi phí thức ăn/ngày để tránh cá sụt cân, mất sản lượng. Tính đến nay, gia đình ông đã tốn hàng chục tỷ đồng tiền thức ăn để duy trì đàn cá.

"Không chỉ gia đình tôi bị thiệt hại nhiều mà hầu hết người nuôi cá tra ở trên địa bàn tỉnh đang lâm cảnh nợ nần vì mỗi đợt thu hoạch đều chịu thua lỗ nặng. Nếu các bộ, ngành và tỉnh không sớm có cơ chế hỗ trợ tiêu thụ cá và các ngân hàng không giãn nợ, cho vay vốn thì khả năng sắp tới các doanh nghiệp, HTX, trang trại nuôi cá, tôm ở đây sẽ phá sản hàng loạt", ông Tới chia sẻ.

Ông Lê Văn Quyết - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ cho rằng: "Liều thuốc" quan trọng hàng đầu lúc này là các bộ, ngành liên quan và các tỉnh phải tháo gỡ khó khăn trong khâu lưu thông, vận chuyển giúp người dân tiêu thụ được hết đàn heo, gà, cá... quá lứa thì bà con mới có vốn để tái đầu tư tiếp tục chăn nuôi.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem