Nhu cầu mua sản phẩm này của Mỹ lên tới 100 tỷ USD, doanh nghiệp Việt Nam muốn tái sản xuất đón cơ hội

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 21/09/2021 12:00 PM (GMT+7)
Cơ hội xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới thị trường Mỹ rất khả quan do nhu cầu tăng cao chưa từng có, các doanh nghiệp ngành gỗ ở Bình Dương, Đồng Nai đang chuẩn bị các điều kiện để tái sản xuất.
Bình luận 0

Xuất khẩu gỗ sang thị trường Mỹ tăng trưởng chưa từng có

Theo các chuyên gia, cơ hội xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới thị trường Mỹ rất khả quan nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ trong tháng 8/2021 đạt 540 triệu USD, giảm 24,2% so với tháng 8/2020. 

Tuy nhiên, lũy kế 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt 6,4 tỷ USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ đang thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ tại thị trường này, nhất là dịp cuối năm. Tổng nhu cầu có thể lên tới 100 tỷ USD trong năm 2021 khi nền kinh tế này được dự báo tăng trưởng 6-7%.

Đáng chú ý, theo nguồn mordorintelligence.com, dự báo thị trường đồ nội thất gia đình của Mỹ tăng trưởng bình quân 3% trong giai đoạn năm 2021-2026 với động lực chính là thị trường xây dựng nhà đang cải thiện. Đây là lý do đưa Mỹ trở thành nhà nhập khẩu đồ nội thất nhà bếp hàng đầu của Việt Nam.

Theo ước tính, 8 tháng đầu năm 2021, trị giá xuất khẩu đồ nội thất nhà bếp của Việt Nam đạt 630,7 triệu USD, tăng 41,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trị giá xuất khẩu đồ nội thất nhà bếp chỉ giảm mạnh trong tháng 8/2021 do tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Đồ nội thất nhà bếp xuất khẩu nhiều nhất tới thị trường Mỹ trong 7 tháng đầu năm 2021, trị giá xuất khẩu mặt hàng này tới Mỹ đạt 439,6 triệu USD, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 77,2% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất nhà bếp.

Xuất khẩu gỗ - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia, cơ hội xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới thị trường Mỹ rất khả quan nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Trong ảnh: Chế biến gỗ tại Công ty Hoàng Thông. Ảnh: Cao Cẩm.

Ngoài Mỹ, Việt Nam cũng tăng tốc xuất khẩu gỗ sang EU

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan thống kê châu Âu, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của EU trong tháng 5/2021 đạt 1,8 tỷ Eur (tương đương 2,1 tỷ USD), tăng 43,7% so với tháng 5/2020. 

Trong 5 tháng đầu năm 2021, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của EU đạt 8,98 tỷ Eur (tương đương10,6 tỷ USD), tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2020.

EU nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ chủ yếu từ các thị trường như Ba Lan, Đức và Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2021. Trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ ba thị trường này chiếm 46,3% tổng trị giá nhập khẩu. 

Nhu cầu mua sản phẩm này của Mỹ lên tới 100 tỷ USD, doanh nghiệp Việt Nam muốn tái sản xuất đón cơ hội - Ảnh 2.

Doanh nghiệp ngành gỗ sẵn sàng tái sản xuất, đón sóng thị trường Mỹ, EU. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty Minh Thành (Đồng Nai). Ảnh: Cao Cẩm.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu cao nhất là từ thị trường Trung Quốc, đạt 1,2 tỷ USD, tăng 44,3% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 9 cho EU trong thời gian này, đạt 254,7 triệu Eur (tương đương 300,6 triệu USD), tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2020. 

EU tăng nhập khẩu hầu hết các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ trong 5 tháng đầu năm 2021. Trong đó, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, ghế khung gỗ là 2 mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất và đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất. 

Doanh nghiệp ngành gỗ sẵn sàng tái sản xuất, đón sóng thị trường Mỹ, EU

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), triển vọng xuất khẩu gỗ phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt thì khả năng xuất khẩu mặt hàng này sẽ tăng trưởng rất khả quan do nhu cầu thị trường vào thời điểm cuối năm thường tăng cao để đáp ứng cho mùa lễ hội, hoàn thiện nhà ở, sửa sang không gian phòng bếp đón chào năm mới.

Để chuẩn bị các điều kiện tái sản xuất, Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cho biết, đến nay BIFA đã phối hợp cùng Sở Công Thương tổ chức tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho gần 5.000 người lao động của 28 doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” thuộc hiệp hội .

Hiện BIFA cũng đã xây dựng các chương trình, nội dung, gấp rút chuẩn bị các điều kiện để doanh nghiệp tái sản xuất an toàn trong dịch bệnh, chăm lo đời sống cho người lao động, góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng không bị đứt gãy. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem