Người trẻ khởi nghiệp và khát vọng thành công (bài 1): Dốc cạn tiền làm hợp tác xã

Nguyễn Quỳnh Thứ ba, ngày 23/03/2021 06:00 AM (GMT+7)
Quyết tâm đánh thức tiềm năng, thế mạnh của địa phương thành các sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, chàng trai trẻ người Dao Lý Tà Dèn đã dốc cạn vốn, đứng ra vay thêm vốn của ngân hàng để lập HTX Cộng đồng Nặm Đăm chuyên trồng dược liệu.
Bình luận 0

LTS: Thanh niên khởi nghiệp - một phong trào lớn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã và đang có sức lan tỏa mạnh mẽ. Có thất bại, có thành công nhưng họ đã tạo nên niềm tự hào về một thế hệ dám nghĩ, dám làm... Nhân kỷ niệm 90 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2021), Báo NTNN giới thiệu những tấm gương thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu, những người đã dũng cảm và kiên trì hiện thực hóa ước mơ của chính mình.

Quyết tâm đánh thức tiềm năng, thế mạnh của địa phương thành các sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, chàng trai trẻ người Dao Lý Tà Dèn đã dốc cạn vốn, đứng ra vay thêm vốn của ngân hàng để lập HTX Cộng đồng Nặm Đăm chuyên trồng dược liệu.

Đánh thức cao nguyên đá

Người trẻ khởi nghiệp và khát vọng thành công (bài 1): Dốc cạn tiền làm hợp tác xã - Ảnh 1.

Anh Lý Tà Dèn - Giám đốc HTX Nặm Đăm giới thiệu vườn ươm

"Đối với thanh niên, lập thân lập nghiệp không có nghĩa chỉ cần thu nhập cao mà phải khẳng định được mình, tạo được giá trị cho quê hương, cho xã hội".

Anh Lý Tà Dèn

Vùng núi đá Nặm Đăm, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang giờ là nơi trồng cây dược liệu. Trong 5 năm qua, hơn 40ha các loại dược liệu quý được phát triển ở đây. Điều này đã tạo việc làm cho nhiều bà con trong thôn với mức thu nhập 4-5 triệu đồng/người/tháng, một mức thu nhập mà nếu chỉ trồng ngô và lúa như trước kia sẽ không bao giờ có được.

Thế nhưng, ít ai biết trước đây diện tích đất nông nghiệp, đất rừng ở Nặm Đăm chủ yếu để trồng những loại cây mang lại giá trị kinh tế thấp hoặc bỏ hoang. Trăn trở bởi điều đó, cùng với việc nhận thấy quê hương mình có những bài thuốc bản địa rất hay, có thể áp dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất trên diện tích lớn, chế biến thành sản phẩm hàng hoá bán cho khách du lịch, sau khi đề xuất với chính quyền, năm 2009, anh Dèn cùng với 22 xã viên góp đất của gia đình cho HTX thuê lại để mở xưởng chiết xuất, điều chế nhiều loại thuốc nam từ cây dược liệu chủ lực của địa phương...

Với đồng bào, trồng dược liệu hàng hóa là một nghề hoàn toàn mới. Dù lợi thế thổ nhưỡng, vùng khí hậu á nhiệt đới phù hợp cho cây dược liệu phát triển nhưng ruộng nhỏ, manh mún, nằm cao trên sườn núi, cách xa nguồn nước... cây dược liệu còi cọc, không đạt tiêu chuẩn. Sau nửa năm không có thu nhập, các xã viên xin rút gần hết, chỉ còn 7 người; khoản vốn góp 2 tỷ đồng từ các xã viên chỉ còn chừng 200 triệu đồng.

"Làm theo kiểu HTX lại phải đầu tư dần dần, hoàn thiện kỹ thuật sản xuất, tìm được đầu ra cho sản phẩm rồi mới thu được lợi nên bà con ban đầu không hiểu, rút vốn khiến HTX lâm vào tình trạng khó khăn"- Lý Tà Dèn chia sẻ.

Ròng rã mấy năm đầu không có thu nhập, Giám đốc HTX trẻ có lúc buộc phải nợ lương xã viên. Nhưng anh may mắn khi được vợ động viên, hai vợ chồng vét sạch vốn, có gì bán được là bán và vay thêm ngân hàng để đầu tư sản xuất.

Vượt qua giai đoạn lao đao vì vốn và đầu ra, với sự nỗ lực của các thành viên cũng như sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến nay, HTX đã tạo dựng được thương hiệu sản phẩm, sản xuất, kinh doanh ổn định.

Không thực sự tâm huyết sẽ khó phát triển

Nhằm nâng cao giá trị sản xuất, HTX đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, như: Nhà tắm lá thuốc; hệ thống nhà xưởng sơ chế, chế biến dược liệu với diện tích trên 4.000m2; nồi chiết suất bằng hơi có công suất 1,5 tấn nguyên liệu/ngày; vườn bảo tồn cây thuốc người Dao với tổng diện tích hơn 0,3ha…

Người trẻ khởi nghiệp và khát vọng thành công (bài 1): Dốc cạn tiền làm hợp tác xã - Ảnh 3.

Sản phẩm từ dược liệu của HTX Nặm Đăm. Ảnh: N.Q

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, mỗi năm HTX triển khai trồng từ 5 - 10ha cây dược liệu. Bằng việc đầu tư cơ sở vật chất, hơn 5 năm, HTX sơ chế, chế biến hơn 100 tấn nguyên liệu từ cây atiso, đương quy; hơn 100 tấn nguyên liệu dược liệu thu hái tự nhiên.

HTX sản xuất được một số sản phẩm, như: Cao atiso; cao củ dòm; cao mạnh gân hoạt cốt; cao ích não; trà gừng, dầu xoa bóp Nặm Đăm; cao hà thủ ô; nước tắm thảo dược… trong đó, có 4 sản phẩm đạt 3 sao OCOP.

Anh Dèn cho biết: Năm 2015, doanh thu HTX đạt trên 400 triệu đồng, năm 2019 đạt trên 1,7 tỷ đồng. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 doanh thu của HTX bị giảm nhẹ so với các năm trước.

Chia sẻ về việc làm cho thanh niên, anh Dèn cho rằng tại các vùng nông thôn, vùng cao có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nhưng chưa có nhiều người trẻ mặn mà.

"Nhiều bạn trẻ chỉ quan tâm ngày mai kiếm được bao nhiêu tiền hoặc một tháng lương được bao nhiêu tiền mà không nghĩ xa hơn về tương lai, không nghĩ về giá trị tạo ra cho công ty hay nơi mình sinh sống. Đối với thanh niên, lập thân lập nghiệp không có nghĩa chỉ cần thu nhập cao mà phải khẳng định được mình, tạo được giá trị cho quê hương, cho xã hội"- anh Dèn thẳng thắn cho hay.

Giám đốc HTX dược liệu cho rằng, phải tập huấn, mở các lớp dạy nghề để thanh niên có "cần câu" chứ không phải chỉ trao cho họ "con cá" bởi "nếu không thực sự tâm huyết với công việc, khi kết thúc dự án hoặc không được tiếp tục rót vốn thì các mô hình khởi nghiệp cũng dần biến mất.  

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem