Người Hang Hớt ở Lâm Đồng thoát cảnh làm thuê, nhiều nhà khá giả nhờ nuôi một con vật chỉ gặm lá

Văn Long Thứ bảy, ngày 14/10/2023 18:45 PM (GMT+7)
Được chính quyền xã Mê Linh (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) hỗ trợ sinh kế, nhà, dụng cụ nuôi tằm nên người dân thôn Hang Hớt đã phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, thoát cảnh làm thuê, vươn lên thoát nghèo.
Bình luận 0

Thoát cảnh làm thuê nhờ sinh kế

Những ngày đầu tháng 10, phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay được anh Lơ Mu Ha Pol – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Mê Linh đưa đến thăm một số hộ dân được trao sinh kế, vươn lên thoát nghèo.

Theo anh Lơ Mu Ha Pol, Mê Linh là xã nằm cách xa trung tâm huyện Lâm Hà, có nhiều bà con dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên sinh sống. Theo thống kê, toàn xã có 4 thôn đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên sinh sống gồm hơn 400 hộ với hơn 2.500 nhân khẩu. Người dân tại địa phương thường có thói quen di canh, di cư không ổn định làm ăn, không mạnh dạn chuyển đổi cây trồng vật nuôi. Hơn nữa, ý thức của bà con trong sản xuất còn nhiều hạn chế, trông chờ Nhà nước, chưa chủ động phát triển kinh tế gia đình… nên tỷ lệ hồ nghèo còn cao.

Người Hang Hớt thoát cảnh làm thuê - Ảnh 1.

Ông Lơ Mu Ha Vô bên những né tằm đang quấn kén, chuẩn bị cho thu hoạch của gia đình. Ảnh: V.L

"Riêng tại thôn Hang Hớt đã có hơn 60 hộ nuôi tằm thường xuyên với diện tích trên 13ha. Trong đó, có 33 hộ nuôi 1 hộp/tháng, bình quân thu được khoảng 50kg kén, mang lại thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng cho người dân".

Anh Lơ Mu Ha Pol - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Mê Linh

Có mặt tại nhà của ông Lơ Mu Ha Vô (66 tuổi, thôn Hang Hớt, xã Mê Linh), phóng viên chứng kiến ông Vô đang phấn khởi kiểm tra những né tằm chuẩn bị cho thu hoạch của gia đình mình. Ông Vô được chính quyền xã Mê Linh hỗ trợ 20 triệu đồng xây dựng căn nhà rộng khoảng 25m2 để nuôi tằm. Sau đó, cũng nhờ có địa điểm và dụng cụ nuôi tằm mà vợ chồng ông Ha Vô không còn phải đi làm thuê như trước đây.

"Gia đình tôi có khoảng 1.000m2 đất trồng dâu. Trước đây toàn đi làm thuê, công thấp nên đời sống khó khăn lắm. 3 năm trước thấy người Kinh tại địa phương nuôi tằm được nên tôi đã học theo. Đến năm 2022, tôi được địa phương hỗ trợ xây dựng căn nhà bằng tôn để nuôi tằm, nhờ vậy mà có chỗ để nuôi. Mỗi tháng tôi nuôi được khoảng 2 lứa, mỗi lứa được khoảng 20kg kén, nhờ vậy mà đỡ khổ hơn, không phải đi làm thuê nữa" - ông Lơ Mua Ha Vô phấn khởi chia sẻ.

Trong khi đó, anh Kra Jan Ha Lớp (42 tuổi, ngụ thôn Hang Hớt) cũng cho biết, trước đây các con anh ốm đau liên tục, làm không đủ tiền mua thuốc. Là hộ nghèo trong xã nên anh Lớp được chính quyền hỗ trợ mua nong né, máy dập kén để nuôi tằm. Nhờ có diện tích đất khoảng 1ha nên gia đình anh đã mạnh dạn trồng dâu, nuôi tằm. Chính vì vậy, từ đầu năm 2022 anh cùng vợ đã chăm chỉ nuôi tằm, học hỏi thêm kinh nghiệm nên cuối năm đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Trung bình, mỗi tháng anh thu được khoảng 10 triệu đồng nhờ nuôi tằm, kinh tế khá lên, đời sống cải thiện, các con anh bớt ốm đau nên kinh tế đang dần đi lên, hứa hẹn tương lai tươi sáng.

Triển vọng nghề trồng dâu, nuôi tằm

Theo anh Lơ Mu Ha Pol, từ năm 2018, được sự hỗ trợ của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Lâm Hà hỗ trợ về cây giống, nong, né mà bà con đã mạnh dạn chuyển đổi sang nghề trồng dâu, nuôi tằm. Đến nay, tại 4 thôn có tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số cao là Hang Hớt, Buôn Chuối, Thực Nghiện và Cổng Trời đã có hơn 30 hộ dân trồng dâu nuôi tằm với khoảng 15ha dâu.

"Đến nay, mô hình trồng dâu, nuôi tằm đã được lan tỏa rộng đến bà con nông dân. Riêng tại thông Hang Hớt đã có hơn 60 hộ nuôi tằm thường xuyên với diện tích trên 13ha. Trong đó, có 33 hộ nuôi 1 hộp/tháng, bình quân thu được khoảng 50kg kén, mang lại thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng cho người dân. Cũng nhờ đó, đời sống người dân đã được nâng cao, không còn khó khăn, vất vả như trước" - anh Lơ Mu Ha Pol thông tin.

Theo UBND huyện Lâm Hà, trong năm 2022, huyện đã được phân bổ gần 1 tỷ đồng để thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Đến nay, huyện đã hướng dẫn quy trình và hình thành 7 nhóm sản xuất cộng đồng/7 xã Phi Tô, Liên Hà, Phúc Thọ, Tân Văn, Mê Linh, Tân Thanh và thị trấn Đinh Văn với 63 hộ gia đình thuộc các nhóm đối tượng người lao động hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo... với nhu cầu hỗ trợ phân bón thuốc bảo vệ thực vật, máy cắt cỏ, né 1 con để phục vụ chăm sóc cà phê và dâu tằm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem