Nghi phạm cầm súng nhựa đi cướp ngân hàng ở Đồng Nai có thể bị xử lý ra sao

Quang Trung Thứ năm, ngày 29/12/2022 19:27 PM (GMT+7)
Do thiếu nợ, Tùng nảy sinh ý định cướp ngân hàng nhưng sau đó kế hoạch thất bại, nên lấy đi 20 triệu đồng của một khách hàng tại chi nhánh ngân hàng A. Với hành vi này, Tùng có thể đối mặt với khung hình phạt tù từ 7 đến 15 năm.
Bình luận 0

Bắt kẻ cầm súng nhựa cướp ngân hàng

Ngày 29/12, Công an tỉnh Đồng Nai đang tạm giữ Từ Thanh Tùng (29 tuổi, ngụ Đồng Nai) để điều tra về hành vi cướp tài sản.

Theo cảnh sát, Tùng là nghi phạm gây ra vụ cướp tiền của một khách hàng đến chi nhánh A giao dịch và bị bắt giữ sau 4 giờ gây án.

Nghi phạm cầm súng nhựa đi cướp ngân hàng ở Đồng Nai có thể bị xử lý ra sao - Ảnh 1.

Từ Thanh Tùng tại cơ quan công an. Ảnh: CACC

Tại cơ quan điều tra, Tùng khai do thiếu nợ nên nảy sinh ý định cướp ngân hàng. Chiều 28/12, anh ta cầm súng đồ chơi đến chi nhánh ngân hàng A tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Nghi phạm mặc áo khoác đen, quần dài màu đen, đi giầy đen, đội nón kết màu đen, đeo kính, đi bộ vào sảnh, lấy trong người khẩu súng nhựa uy hiếp những người có mặt trong ngân hàng.

Lúc này, nhiều người dân hô hoán cùng với việc ngân hàng bấm chuông báo động khiến nghi phạm hoảng sợ. Tùng sau đó cướp lấy 20 triệu đồng của một khách hàng, rồi tẩu thoát và đem tiền đi trả nợ.

Đối mặt khung hình phạt 7 đến 15 năm tù

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, hành vi của Tùng là rất manh động, thể hiện thái độ coi thường pháp luật gây mất an ninh trật tự.

Theo quy định của pháp luật, hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có thủ đoạn khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi cướp tài sản.

Người thực hiện hành vi cướp tài sản sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 168 bộ luật hình sự 2015.

Vị chuyên gia phân tích, hành vi sử dụng súng (dù là công cụ hỗ trợ, súng giả hoặc súng quân dụng) để đe dọa uy hiếp tinh thần của nhân viên ngân hàng, của khách hàng nhằm chiếm đoạt tài sản.

Hành vi này khiến người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được, dù chưa chiếm đoạt được số tiền nào, đối tượng thực hiện hành vi vẫn có thể bị xử lý hình sự về tội Cướp tài sản theo quy định tại Điều 168 với hình phạt thấp nhất là 3 năm tù, cao nhất là 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Trường hợp hành vi được xác định là sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm hoặc số tiền chiếm đoạt từ 50 đến dưới 200 triệu đồng, đối tượng gây án sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

Còn trường hợp tài sản chiếm đoạt từ 200 đến 500 triệu đồng sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên sẽ đối mặt với khung hình phạt cao nhất là của tội danh này có thể tới 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Như vậy, với số tiền 20 triệu đồng, nếu bị chứng minh có tội, tùy tính chất mức độ mà Từ Thanh Tùng có thể đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

Ngoài ra, ông Cường cho biết thêm, thời gian gần đây xảy ra rất nhiều vụ cướp ngân hàng táo tợn ở nhiều địa phương khác nhau, các đối tượng có sử dụng vũ khí nóng gây mất an ninh trật tự, nhiều đối tượng đã cướp được tiền và rời khỏi ngân hàng.

Tuy nhiên với những biện pháp nghiệp vụ, với những chứng cứ để lại trên hiện trường vụ án, thông thường cơ quan điều tra sẽ tìm ra, bắt giữ đối tượng gây án trong khoảng thời gian không quá 24 giờ.

Mặc dù việc cướp ngân hàng là khá dễ dàng và cũng sẽ bị bắt nhanh chóng, tuy nhiên nhiều đối tượng vẫn liều lĩnh thực hiện để cầu vận may có thể giải quyết được những khó khăn về tài chính khi lâm vào tình trạng nợ nần túng quẫn.

Say vụ việc này cho thấy công tác đảm bảo an ninh trật tự vào những thời điểm cuối năm cần được chặt chẽ hơn nữa. Đặc biệt là những nơi chứa nhiều tiền bạc, hàng hóa, tài sản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem