Tình huống pháp lý vụ cha đâm chết 2 con ruột ở Điện Biên

Quang Trung Thứ năm, ngày 29/12/2022 07:30 AM (GMT+7)
Người cha đâm chết 2 con ruột ở Điện Biên bị nghi bị tâm thần. Tình huống pháp lý nào có thể xảy ra?
Bình luận 0

Cha đâm chết 2 con ruột

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lường Văn Thế, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) cho biết, một vụ án mạng đau lòng vừa xảy ra vào khoảng 23 giờ ngày 27/12 tại nhà Lường Văn Châu (sinh năm 1995) tại bản Kéo.

Tình huống pháp lý vụ cha đâm chết 2 con ruột ở Điện Biên - Ảnh 1.

Hiện trường vụ việc người cha đâm chết 2 con ruột ở Điện Biên. Ảnh: CACC

Vào thời điểm trên, đối tượng Châu đã dùng dao nhọn sát hại 2 con ruột của mình, một cháu sinh năm 2019, một cháu sinh năm 2021.

Vết thương nặng khiến cả 2 bé tử vong tại chỗ. Thời điểm đó, người nhà có can ngăn nhưng người này vẫn dùng dao sát hại các cháu.

Rạng sáng nay 28/12, lực lượng chức năng đã có mặt để phong tỏa hiện trường và bắt khấn cấp Châu.

Nguyên nhân ban đầu của vụ việc được xác định là do Châu bị uất ức xã hội, có một số đơn kiện nói đối tượng mâu thuẫn bên ngoài, Châu không nghiện rượu và sống hòa nhã với hàng xóm láng giềng.

Tuy nhiên một số người thân trong gia đình cho biết, thời gian gần đây Châu có biểu hiện của bệnh tâm thần.

Thời điểm xảy ra án mạng, 2 vợ chồng cũng không xảy ra mâu thuẫn gì. Gia đình đối tượng thuộc diện hộ nghèo của xã, Châu không có công ăn việc làm ổn định, làm nương và thỉnh thoảng đi làm thuê.

Người cha bị nghi tâm thần, các tình huống pháp lý có thể xảy ra?

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đây là sự việc hết sức đau lòng, nạn nhân là hai cháu bé còn rất nhỏ, trong khi đó hung thủ chính là cha ruột.

Dù sự việc bắt nguồn từ nguyên nhân, động cơ nào đi chăng nữa, hành vi của người cha cũng rất đáng bị lên án vì đã ra tay tàn ác và phạm tội tới cùng mặc dù được người thân trong gia đình can ngăn.

Theo luật sư Khuyên, bước đầu cơ quan điều tra sẽ tạm giữ hình sự người cha để thực hiện các hoạt động tố tụng liên quan như khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường, thu thập vật chứng, lấy lời khai người làm chứng…

Từ đó xác định nguyên nhân sự việc và củng cố hồ sơ để có căn cứ xử lý người cha theo quy định pháp luật.

Việc người cha bị nghi là có dấu hiệu tâm thần ở thể nhẹ sẽ được cơ quan điều tra làm rõ thông qua việc trưng cầu giám định tâm thần để có kết luận cuối cùng và biện pháp xử lý.

Vị luật sư cho rằng, trường hợp nếu tại thời điểm gây án cho thấy người cha bị tâm thần, mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21 Bộ luật hình sự 2015.

Tuy nhiên, nếu bị xác định tại thời điểm gây án người cha bị mắc bệnh tâm thần, mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi, trường hợp này cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào kết luận giám định và có thể đưa người cha vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để chữa bệnh.

Còn trường hợp qua giám định cho thấy tại thời điểm gây án, người cha này thực hiện hành vi trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng trước khi tòa án kết án (sau thời điểm gây án) người này mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi.

Lúc này căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, tòa án có thể quyết định đưa người cha vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để chữa bệnh.

Sau khi khỏi bệnh, người cha có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình quy định tại khoản 2 Điều 49 Bộ luật hình sự 2015.

Trường hợp này người cha có thể phải đối diện tội "Giết người" quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự 2015, với tình tiết định khung giết từ 2 người trở lên, hành vi có tính chất côn đồ.

Vì nếu bị xác định có tội, người cha có thể đối mặt khung hình phạt cao nhất của tội giết người là phạt tù từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem