Nghề dệt thổ cẩm ở A Lưới xuất ngoại

An Sơn Chủ nhật, ngày 09/04/2017 06:10 AM (GMT+7)
Nghề dệt zèng (vải thổ cẩm) ở A Lưới (Thừa Thiên- Huế) vốn là nghề truyền thống của đồng bào Tà Ôi nơi đây. Nghề này được hình thành cách đây hàng trăm năm để sản xuất ra các bộ trang phục truyền thống. Những năm gần đây, trước thực trạng nghề dệt zèng ngày càng mai một, ngành chức năng huyện A Lưới và tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai nhiều dự án đào tạo, dạy nghề nhằm khôi phục nghề truyền thống này.
Bình luận 0

Đến nay, ngoài phát triển nghề dệt zèng đến hầu khắp các hộ đồng bào Tà Ôi, ở A Lưới đã có nhiều cơ sở dệt được thành lập ở các xã, thị trấn. Tiêu biểu như Hợp tác xã Dệt zèng ở thị trấn A Lưới do nghệ nhân Mai Thị Hợp làm chủ nhiệm với hơn 50 phụ nữ tham gia. Thấy nghề dệt zèng của người Tà Ôi đem lại hiệu quả kinh tế, đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Pa Kô, Vân Kiều, Pa Hy trên địa bàn huyện cũng học hỏi, phát triển nghề này.

Chị Hồ Thị Miên (người Cơ Tu, ở xã A Phú Vinh) cho biết, trước đây chị và các phụ nữ Cơ Tu khác ở xã không ai biết dệt zèng. Sau khi được các chị em Tà Ôi truyền nghề, phụ nữ Cơ Tu ở địa phương đã có thêm việc làm, đưa lại thu nhập 2-4 triệu đồng/người/tháng. “Chúng tôi chủ yếu dệt zèng vào những lúc nhàn rỗi nhưng thu nhập khá, nhờ đó mà gia đình thoát nghèo”- chị Miên kể.

img

   Phụ nữ đồng bào dân tộc ở A Lưới dệt zèng. ảnh:   An Sơn  

 Theo nghệ nhân Mai Thị Hợp, zèng A Lưới được tiêu thụ mạnh do chất lượng tốt và có tính sáng tạo rất cao. “Những hộ làm nghề dệt zèng đều có thu nhập từ khá trở lên. Đây thực sự là nghề giúp bà con thoát nghèo hiệu quả”- nghệ nhân Hợp nói.

Ngoài cung cấp cho các địa phương truyền thống có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực miền Trung, những năm gần đây, ngày càng có nhiều du khách nước ngoài tìm đến A Lưới để được tận mắt nhìn thấy những công đoạn dệt zèng và mua sản phẩm zèng. Zèng A Lưới cũng đã bước đầu xuất khẩu ra nước ngoài theo các đơn đặt hàng.

Nghệ nhân Mai Thị Hợp kể, năm 2015, tại sàn diễn thời trang ngày hội Kimono ở Nhật Bản, bà được tham gia trình diễn dệt zèng. Tại đây, hàng chục tấm zèng A Lưới được sử dụng để trang hoàng cho sân khấu. Nét đẹp của zèng A Lưới khiến nhiều người tham gia lễ hội này hỏi mua, nhiều nhà thiết kế đặt hàng để phục vụ cho việc thiết kế thời trang.

Tháng 9.2016, khi đến thủ đô Paris của Pháp để quảng bá, giới thiệu zèng tới các nước châu Âu, nghệ nhân Hợp tiếp tục trình diễn dệt zèng trên sân khấu. Tại đây, nhiều du khách đề nghị bà Hợp truyền nghề dệt zèng cho mình. Sau những lần được quảng bá ở nước ngoài, sản phẩm zèng A Lưới xuất ngoại ngày càng nhiều.

Bà Lê Thị Thêm - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện A Lưới cho biết, cuối năm 2016, nghề dệt zèng A Lưới đã được Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Những năm qua, huyện luôn tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các hộ giữ gìn, phát triển nghề dệt zèng và bảo tồn hoa văn trên thổ cẩm này. “Phát triển dệt zèng không chỉ là hoạt động giữ gìn văn hóa truyền thống mà nó đang thực sự là một phương thức thoát nghèo hiệu quả của đồng bào dân tộc trên địa bàn” - bà Thêm nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem