Làm sống lại nghề dệt thổ cẩm

Thứ ba, ngày 28/06/2011 19:36 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vì nhiều lý do, làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Mường ở xã Dũng Phong, huyện Cao Phong, Hòa Bình dần mai một. Mấy năm gần đây, nhờ nông dân được học nghề, Dũng Phong không những khôi phục lại nghề, mà còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động.
Bình luận 0

Ông Bùi Văn Liển - Chủ tịch UBND xã Dũng Phong cho biết: "Khoảng những năm 70-80 của thế kỷ trước, nghề dệt thổ cẩm ở Dũng Phong rất phát triển. Nhà nào cũng có 1- 2 khung cửi, có nhà tới 3-4 cái. Theo phong tục của người Mường, con gái đi lấy chồng phải tự tay dệt chăn, gối, váy, áo… Ngoài ra, họ còn dệt để bán cho người dưới xuôi".

Mai một vì thị hiếu thay đổi

img

Bà Bùi Thị Hạnh dạy chị em phụ nữ trong thôn dệt thổ cẩm.

Bà Bùi Thị Hạnh, 64 tuổi, một nghệ nhân dệt thổ cẩm ở thôn Bãi Bệ 1 kể: "Kinh tế phát triển, thị trường, thị hiếu thay đổi, việc cưới xin cũng được đơn giản hóa, nhà trai không yêu cầu cô dâu phải mang lễ chăn, gối… thổ cẩm nữa. Bây giờ chỉ có những bà từ 60 tuổi trở lên là còn mặc váy Mường, chứ váy, áo, khăn thổ cẩm lớp trẻ chẳng còn ai mặc, quàng nữa, mà thay vào đó là quần bò, quần vải, áo sơ mi... nên chẳng mấy ai dệt thổ cẩm".

Theo ông Liển, nguyên nhân cơ bản dẫn đến làng nghề mai một là trước kia bà con chủ yếu tự dệt ra để dùng, chưa biến sản phẩm thổ cẩm thành hàng hóa. Và cũng vì chưa được đào tạo bài bản, nên các sản phẩm làm ra mẫu mã ít, hình thức không bắt mắt, nên rất khó cạnh tranh với các mặt hàng thời trang.

Nghệ nhân đứng lớp

Nghệ nhân Phạm Văn Dự - giáo viên dạy thêu ren cho hay: "Học thêu ren rất dễ, vì các mẫu đều có hình vẽ, chỉ cần thêu theo là được. Hàng thêu ren đang được thị trường rất ưa chuộng, đây sẽ là "đột phá" giúp bà con thoát nghèo vươn lên làm giàu".

Trước khi tổ chức dạy nghề cho người dân, cả xã chỉ còn hơn chục hộ vẫn còn giữ khung cửi để thỉnh thoảng dệt khăn, gối… cho gia đình dùng, chứ không còn hộ nào dệt để bán. Lãnh đạo xã Dũng Phong xác định lấy những "nghệ nhân" làng làm giáo viên. Thôn Bãi Bệ 1 được chọn làm thí điểm.

Ông Nguyễn Văn Chính- Phó phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Cao Phong, đơn vị hỗ trợ dạy nghề dệt thổ cẩm và thêu ren cho xã Dũng Phong, cho biết: "Năm 2010, chúng tôi mở một lớp dạy nghề dệt thổ cẩm với 30 học viên tham gia, sau nửa tháng học hầu hết các học viên dệt thành thạo đã dệt được 10m khăn (9 cái) 4 áo nam, 4 cạp váy, 5 cạp váy trên, 5 cái váy và 10 cái thắt lưng. Chúng tôi đem sản phẩm đi chào hàng đã được Công ty Lục Nghiệp Thành ở huyện Lạc Sơn ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm của xã làm ra".

Từ 30 người học nghề, rồi họ dạy lại cho các thành viên trong gia đình, đến nay thôn Bãi Bệ 1 đã có gần 100 người biết dệt thổ cẩm, với thu nhập từ 50 - 70 nghìn đồng/ngày. Bà Hạnh khoe: "Tôi biết dệt thổ cẩm hơn 40 năm rồi, giờ được học thêm các mẫu mã mới nên cái khăn, cái phà, váy… cũng đẹp hơn. Tôi biết và dạy lại cho con cháu trong làng, có đến mấy chục người học với tôi đều dệt đẹp cả rồi. Nghề này thu nhập không cao lắm, nhưng tranh thủ được thời gian rảnh rỗi và cái cốt là giữ được làng nghề truyền thống của người Mường Hòa Bình".

Bà Hạnh cho biết, hiện ngoài bán hàng cho công ty, bà còn được rất nhiều chủ cửa hàng đồ lưu niệm ở các khu du lịch như ở Mai Châu (Hòa Bình), Mộc Châu (Sơn La)… đặt hàng, nên hàng làm ra đến đâu hết đến đó. Ngoài ra bà Hạnh còn nhận bán giúp sản phẩm cho các hộ trong làng.

Xã cũng đang mở lớp dạy thêu ren cho 100 học viên. Em Bùi Thị Thơm - con gái của nghệ nhân dệt thổ cẩm Bùi Thị Hiên học lớp thêu ren khoe: "Em biết dệt thổ cẩm rồi! Lúc đầu học thêu ren, em hơi ngượng tay, nhưng dần thấy cũng dễ, chỉ cần kiên trì, để ý các thầy hướng dẫn là có thể làm được".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem