Một nghệ nhân ưu tú chuyên chinh phục các kỷ lục đồ đồng của một làng cổ nổi tiếng Quảng Nam

Trần Hậu - Tuyết Nhung Chủ nhật, ngày 21/04/2024 05:45 AM (GMT+7)
Gần 50 năm làm nghề, Nghệ nhân ưu tú Dương Ngọc Thắng (70 tuổi) cùng những người thợ của mình sáng tạo và đúc hàng ngàn tác phẩm bằng đồng. Ông là người đã đóng góp nhiều công sức trong việc duy trì, phát triển nghề đúc đồng truyền thống ở làng Phước Kiều, một làng cổ, một làng nghề (phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Bình luận 0

Nối nghiệp cha ông

Dù bận rộn với công việc chuẩn bị những đơn hàng cho vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn sắp đến, ông Thắng niềm nở đón tiếp chúng tôi với bởi sự nhiệt thành, mến khách. Trong không gian trưng bày và giới thiệu hàng trăm sản phẩm được đúc từ đồng, ông kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời thăng trầm bể dâu của mình đã gắn liền với nghề đúc đồng ở Phước Kiều.

Một nghệ nhân ưu tú chuyên chinh phục các kỷ lục đồ đồng của một làng cổ nổi tiếng Quảng Nam- Ảnh 1.

Nghệ nhân ưu tú Dương Ngọc Thắng gần 50 năm “sống” với nghề đúc đồng truyền thống ở làng Phước Kiều. Ảnh: T.N.

Đi lên từ đôi bàn tay trắng, song bằng tài năng, niềm đam mê của tuổi trẻ với nghề đúc đồng của cha ông để lại, đến nay, ông Thắng đã trở thành một Nghệ nhân ưu tú, doanh nhân nổi tiếng khắp vùng. Hầu hết các sản phẩm đúc đồng của ông đều được khách hàng trong cả nước ưa chuộng và đánh giá cao, thậm chí xuất khẩu nước ngoài.

Ông Thắng tâm sự: "Cách đây khoảng 400 năm, làng đúc đồng Phước Kiều từng là một làng nghề nổi tiếng dưới thời nhà Nguyễn. Tôi là thế hệ thứ 3 nối nghề của gia đình, trải qua biết bao thăng trầm, Công ty TNHH Làng đúc Phước Kiều do tôi làm Giám đốc vẫn đứng vững và ngày càng lớn mạnh, góp phần khôi phục, bảo tồn, phát triển thương hiệu làng nghề".

Một nghệ nhân ưu tú chuyên chinh phục các kỷ lục đồ đồng của một làng cổ nổi tiếng Quảng Nam- Ảnh 2.

Nhờ chủ động học hỏi kinh nghiệm và kỹ xảo mới, xưởng đồng ông Thắng sản xuất nhiều sản phẩm tinh xảo, độc, lạ. Ảnh: T.N.

Nghề đúc đồng không phải ai cũng học được, bởi đây là một nghề khó, gồm nhiều công đoạn rất cực nhọc, yêu cầu sự tỉ mỉ cao, cẩn thận và sáng tạo. Bản thân ông Thắng đã mất 10 năm để học thành thạo tay nghề.

Ngoài kỹ thuật và bí quyết làm nghề được cha ông truyền lại, ông Thắng còn tìm đến những phường đúc danh tiếng để học hỏi thêm kinh nghiệm, sang tận Thái Lan học những kỹ xảo làm đồ đồng lưu niệm.

Một nghệ nhân ưu tú chuyên chinh phục các kỷ lục đồ đồng của một làng cổ nổi tiếng Quảng Nam- Ảnh 3.

Sau khi đun chảy đồng, những người thợ rót đồng vào khuôn. Ảnh: T.N.

Ông Thắng cho biết, ông xem những sản phẩm của mình như những đứa con tinh thần, được ông đặt tất cả niềm đam mê, nhiệt huyết và toàn bộ tâm hồn, trí tuệ của mình vào để chế tác.

Xưởng đúc đồng của ông sản xuất hơn 30 dòng sản phẩm các loại như: cồng, chiêng, lư, tượng phật, tranh đồng, đồ lưu niệm, đồ trang trí… có mặt ở nhiều khu du lịch, khách sạn, chùa chiềng.

Một nghệ nhân ưu tú chuyên chinh phục các kỷ lục đồ đồng của một làng cổ nổi tiếng Quảng Nam- Ảnh 4.

Ông Thắng là 1 trong 5 người có khả năng thẩm âm nhạc cụ ở làng đúc đồng Phước Kiều. Ảnh: T.N.

Cùng với đó, ông và những người thợ lành nghề trong làng đã có những sản phẩm xác lập kỷ lục Việt Nam, lần lượt cho ra đời nhiều sản phẩm độc, lạ như: cặp súng thần công theo nguyên mẫu thời Nguyễn; mặt trống đồng có đường kính 1,1m, dày 20cm được chế tác vào năm 2010; chiếc đồng hồ nước bằng đồng cao 2,5m với tổng trọng lượng 500kg….

Một nghệ nhân ưu tú chuyên chinh phục các kỷ lục đồ đồng của một làng cổ nổi tiếng Quảng Nam- Ảnh 5.

Ông Thắng giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động, với mức thu nhập từ 10-12 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: T.N.

Ông Thắng bộc bạch: "Làng đúc đồng Phước Kiều có những bí quyết riêng để tạo ra những sản phẩm nổi tiếng mà nhiều nơi biết đến. Để chế tác ra một sản phẩm đồng hoàn chỉnh, người thợ phải tiến hành các công đoạn như: chọn đất, làm khuôn, nung khuôn, nấu đồng, rót đồng và làm nguội. Trong đó, quan trọng nhất là công đoạn làm khuôn và làm nguội".

Người làm khuôn tính toán bằng tay, bằng mắt và bằng cảm giác sao cho cốt đất bên trong và lớp cốt áo bên ngoài của khuôn có khe hở vừa đủ, để khi rót đồng vào khuôn chảy đều liền mạch theo yêu cầu dày, mỏng của từng loại đồ vật.

Sau khi khuôn nguội thì dỡ khuôn lấy sản phẩm ra tiến hành khâu làm nguội. Muốn làm được công đoạn này cần phải có dụng cụ riêng như khoan, bàn dũa, đe… để giúp cho đường nét, hoa văn trên mặt đồ đồng tinh xảo, sắc nét hơn.

Giữ lửa nghề truyền thống

Theo ông Thắng, trong nhiều sản phẩm đồng, thì cồng chiêng là loại nhạc khí đặc trưng của làng Phước Kiều. Bởi những nghệ nhân nơi đây có khả năng thẩm âm rất chuẩn, giúp cho tiếng cồng, tiếng chiêng giữ đúng âm thanh của từng vùng miền riêng biệt.

Một nghệ nhân ưu tú chuyên chinh phục các kỷ lục đồ đồng của một làng cổ nổi tiếng Quảng Nam- Ảnh 6.

Đài phun nước bằng đồng do nghệ nhân Dương Ngọc Thắng và các người thợ làng Phước Kiều chế tác. Ảnh: T.N.

Âm thanh tốt hay không là do người thợ chọn vật tư đưa vào sản xuất, với nguyên liệu chính là đồng và thiếc. Nếu muốn tiếng cồng, chiêng vang xa, trầm hùng thì cần phải bớt chì, thêm thiếc.

Gần đây nhất, tác phẩm cá ngựa và nữ thần bằng đồng có tổng trọng lượng gần 2 tấn do công ty ông Thắng chế tác đã được hoàn thành, trưng bày tại khu du lịch đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).

"Đây là tác phẩm có kích cỡ lớn nhất và độc nhất từ trước đến nay được làng Phước Kiều đúc, có cấu trúc gồm một con cá ngựa cưỡi trên sóng với chiều ngang 3,2m và bức tượng nữ thần đứng trên lưng cá có chiều cao 3,8m. Tôi đã phải huy động hơn 14 nghệ nhân và thợ lành nghề để thực hiện nhiều công đoạn trong suốt 6 tháng", ông Thắng tự hào nói.

Một nghệ nhân ưu tú chuyên chinh phục các kỷ lục đồ đồng của một làng cổ nổi tiếng Quảng Nam- Ảnh 7.

Với những cống hiến cho làng nghề, ông Thắng được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú năm 2016. Ảnh: T.N.

Những sản phẩm độc đáo của Nghệ nhân ưu tú Dương Ngọc Thắng thể hiện tình yêu của ông đối với nghề đúc đồng truyền thống. Đồng thời, đó cũng là niềm tự hào của người nghệ nhân đang ngày đêm miệt mài giữ lửa cho làng nghề từng rơi vào bế tắc.

Với mong muốn thế hệ trẻ tiếp nối và phát triển thương hiệu làng nghề đúc đồng Phước Kiều vươn xa hơn, ông Thắng luôn tận tâm truyền nghề cho nhiều thợ trẻ, con em địa phương. Trung bình mỗi năm, công ty của ông có doanh thu 10 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động, với mức thu nhập từ 10-12 triệu đồng/người/tháng.

Một nghệ nhân ưu tú chuyên chinh phục các kỷ lục đồ đồng của một làng cổ nổi tiếng Quảng Nam- Ảnh 8.

Ông Thắng luôn đồng hành cùng học sinh khó khăn trên địa bàn, hỗ trợ điều kiện để các em đến trường. Ảnh: T.N.

Ngoài việc tham gia sản xuất và kinh doanh đồ đồng ở làng Phước Kiều, ông Thắng còn đồng hành cùng học sinh khó khăn trên địa bàn thông qua các hoạt động như: trao học bổng, sách vở và phương tiện cho các em đến trường.

Năm 2016, ông Thắng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, vì có nhiều cống hiến trong gìn giữ và phát triển ngành nghề thủ công truyền thống của địa phương.

"Tôi có 6 người con, nhưng chỉ có người con trai út là theo nghề cha. Điều đó cũng là niềm vui của tôi khi con cháu biết trọng cái nghề mà cha ông truyền lại, mong rằng sẽ có nhiều thế hệ trẻ ở Phước Kiều tiếp tục tâm huyết và phát triển làng nghề lớn mạnh hơn", Nghệ nhân ưu tú Dương Ngọc Thắng vui vẻ nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem