Lũ bất ngờ ập về ĐBSCL,dân đầu tư cả trăm triệu để đánh bắt cá, tôm

Huỳnh Xây Thứ năm, ngày 27/07/2017 13:15 PM (GMT+7)
Trước hình hình nước mực nước lũ (hay còn gọi là nước nổi) đang lên dồn dập từng ngày, ông Xíu ở An Giang đã đầu tư trên cả trăm triệu đồng để đánh bắt cá, tôm sau 3 năm lũ thấp.
Bình luận 0

Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp, nước lũ đã về tỉnh này gần 10 ngày qua và đang lên khá nhanh. Cụ thể, mỗi ngày, tại khu vực đầu nguồn, mực nước đã tăng 10cm, vùng nội đồng Đồng Tháp Mười lên 6-8 cm. Nguyên nhân mực nước lên nhanh là do ảnh hưởng triều cường và lũ thượng nguồn.

img

Ông Lê Văn Xíu, ngụ ở xã An Phú, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang đầu tư trên 100 triệu đồng để đánh bắt cá, tôm trong mùa lũ tới

Ông Khương Lê Bình - Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp cho biết: "Khả năng lũ sẽ khá lớn. Ở một số vùng thấp trũng, người dân cần nhanh chóng thu hoạch lúa, hoa màu trước khi nước lên cao”.

Nhiều nông dân các xã Long Khánh A và xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự cũng cho hay, mực nước đang lên mạnh. “Vài ngày qua, nước lên cao hơn năm trước từ 4-5 tấc. Vì vậy, nhiều khu đất đã thấy nước tràn ngập” – ông Nguyễn Văn Đực, xã Long Khánh A nói. Còn ông Trương Văn Trường, ngụ cùng xã Long Khánh A thì nói: “Mấy năm trước nước lên không như năm nay. Hiện nước đang lên dồn dập”.

img

Mực nước lũ đang lên từng ngày ở An Giang 

Ghi nhận của phóng viên dọc tuyến kênh Vĩnh Tế từ TP.Châu Đốc đến huyện Tịnh Biên (An Giang), một vài ruộng thấp trũng, nước tràn vào được khoảng 40-50 cm, số ít người dân đã bắt đầu đặt đú bắt cá, cua, ốc,…

Ônh Lê Văn Xíu, ngụ ở xã An Phú, huyện Tịnh Biên thông tin: “Tôi đang chuẩn bị các dụng cụ cần thiết đi đặt đú bắt cá, tôm. Với mực nước lên như hiện nay, tôi dự định sẽ đặt hơn 40 miệng đú, mỗi miệng có đường đăng dài gần 100 m. Tổng chi phí đầu tư cho mùa nước này là trên 100 triệu đồng”.

Cũng như ông Xíu, người dân ở xã Phú Hữu, huyện An Phú (An Giang) – khu vực tiếp giáp với Campuchia cho rằng, nơi đây thường đón những đợt lũ đầu tiên trước khi chảy vào sông Châu Đốc rồi ra sông Hậu. Hiện mực nước ở khu vực này liên tục dâng cao, bình quân khoảng 10 cm/ngày.  

Trước tình hình mực nước lũ lên cao, các cơ sở sản xuất ngư cụ phục vụ cho việc đánh bắt ở An Giang đều tăng giá so với những năm trước từ 12 - 30%. Cụ thể, lưỡi câu tăng 30%, lọp tăng 20%, xuồng ghe tăng 12%...

Nguyên nhân là do 3 năm vừa qua (2014, 2015, 2016), ĐBSCL lũ thấp, cá, tôm không nhiều nên nhiều cơ sở sản xuất đã chuyển sang kinh doanh ngành nghề khác, theo đó, sản phẩm ngư cụ hiện nay rơi vào tình trạng cung không đủ cầu. Riêng về việc cá linh non xuất hiện ở một số chợ trong tỉnh, theo người dân, chủ yếu được nhập về từ Campuchia.

Theo UBND tỉnh An Giang, trước đây, để đề phòng lũ lớn ảnh hưởng đến sản xuất lúa, địa phương kiên quyết không cho người dân xuống giống lúa vụ 3 ngoài vùng có đê bao. Riêng những khu vực có lúa, các ngành chức năng có liên quan thường xuyên kiểm tra, gia cố đê bao cho người dân. 

Ông Trần Anh Thư - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang nhận định, tình hình thời tiết năm nay đang diễn biến phức tạp nên không thể chủ quan. Vì vậy, ông đã cũng yêu cầu các địa phương trong tỉnh theo dõi sát sao các công trình thủy lợi, trực lũ 24/24 giờ, đồng thời cập nhật thông tin khí tượng thủy văn để có ứng phó kịp thời. 

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, dự báo trong 5 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long và Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên tiếp tục lên. Đến ngày 29.7, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 2,85 m, tại Châu Đốc đạt 2,47 m. Đỉnh lũ diễn ra vào nửa đầu tháng 10 ở mức báo động 2-3, tương đương 4-4,5 m trên sông Tiền và 3,5-4 m trên sông Hậu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem