Liên kết với toàn tên tuổi lớn trong ngành nông nghiệp, nông dân Nga Sơn chẳng lo đầu ra

Vũ Thượng Thứ hai, ngày 03/01/2022 12:47 PM (GMT+7)
Liên kết, bao tiêu sản phẩm tại huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa) được xem như giải pháp căn cơ để phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững...
Bình luận 0

Giải bài toán "được mùa mất giá"

Clip: Liên kết sản xuất giúp người nông dân huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa giải bài toán "được mùa mất giá"

Bà Nguyễn Thị Liên (xã Nga Trường, huyện Nga Sơn) vui mừng: "Gia đình tôi hiện có 5 sào đất chuyên trồng cây hoa màu, trong đó có cây khoai tây là chính. Từ năm 2017, được Hợp tác xã nông nghiệp Nga Trường liên kết với Công ty TNHH thực phẩm Orion Việt Nam, chúng tôi không còn lo đầu ra. Đặc biệt, không còn tình trạng "được mùa mất giá" như trước".

Được biết, với lợi thế về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, huyện Nga Sơn đang hướng đến xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nòng cốt là các hợp tác xã.

Nga Sơn: Liên kết sản xuất giúp người nông dân nâng cao thu nhập - Ảnh 2.

Liên kết, bao tiêu sản phẩm giúp người dân huyện Nga Sơn nâng cao thu nhập trên cùng diện tích sản xuất. Ảnh: Vũ Thượng

Cũng thông qua các hợp tác xã giúp người dân yên tâm sản xuất, đầu tư công nghệ, máy móc, ứng dụng khoa học kỹ thuật tạo ra sản phẩm có giá trị, chất lượng cao.

Điển hình như Hợp tác xã nông nghiệp Nga Trường, trong năm 2021 đơn vị thực hiện liên kết sản xuất trên 50 ha cây khoai tây với với Công ty TNHH thực phẩm Orion Việt Nam.

Nga Sơn: Liên kết sản xuất giúp người nông dân nâng cao thu nhập - Ảnh 3.

Mô hình liên kết trồng rau cải bó xôi của người dân xã Nga Trường (huyện Nga Sơn) xuất sang Nhật Bản. Ảnh: Vũ Thượng

Ngoài ra, Hợp tác xã nông nghiệp Nga Trường còn liên kết trồng 7 ha rau cải bó xôi với Công ty TNHH thực phẩm Đồng Giao, sản phẩm chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Hiện, hợp tác xã đang thu hút hơn 200 hộ dân tham gia liên kết sản xuất.

Nga Sơn: Liên kết sản xuất giúp người nông dân nâng cao thu nhập - Ảnh 4.

Ông Bùi Văn Hồng-Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Nga Trường giới thiệu diện tích trồng rau cải bó xôi liên kết với Công ty TNHH thực phẩm Đồng Giao. Ảnh: Vũ Thượng

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Bùi Văn Hồng- Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Nga Trường cho biết: "Việc tham gia liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giúp nông dân yên tâm về đầu ra, ổn định giá cả, tạo thành những cánh đồng mẫu lớn".

"Hợp tác xã chúng tôi đang tập trung sản xuất theo hướng VietGAP tạo ra sản phẩm sạch, an toàn…Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các tổ chức đoàn thể tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật như: Phòng trừ sâu bệnh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,...cho người nông dân nắm bắt", ông Hồng cho biết thêm.

Hướng đến cánh đồng mẫu lớn

Những năm trước kia, người dân huyện Nga Sơn quen cách sản xuất truyền thống theo kiểu mạnh ai nấy làm, vì thế hiệu quả sản xuất mang lại không cao.

Nga Sơn: Liên kết sản xuất giúp người nông dân nâng cao thu nhập - Ảnh 5.

Huyện Nga Sơn hướng đến xây dựng những cánh đồng mẫu lớn. Ảnh: Vũ Thượng

Từ thực tế đó, UBND huyện Nga Sơn đã tập trung xây dựng nhiều mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn. Đây được xem như là một giải pháp quan trọng và lâu dài, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Vượng-Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Nga Trung chia sẻ: "Mô hình cánh đồng mẫu lớn với mục đích áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho nông dân"

"Một điều hết sức đáng mừng là người dân xã Nga Trung sớm nhận thấy lợi ích kinh tế từ cánh đồng mẫu lớn mang lại, từ đó hăng hái tham gia".

Nga Sơn: Liên kết sản xuất giúp người nông dân nâng cao thu nhập - Ảnh 6.

Đại diện Công ty GVA (Hà Nội) trực tiếp kiểm tra củ khoai tây vừa vun luống tại cánh đồng xã Nga Trung. Ảnh: Vũ Thượng

Cũng theo ông Nguyễn Văn Vượng, Hợp tác xã nông nghiệp Nga Trung mỗi năm cung ứng 795 kg giống lúa; 7,1 tấn khoai tây giống; 3 tấn phân bón các loại…

Đối với cây khoai tây, Hợp tác xã liên kết với Công ty GVA (Hà Nội) chịu trách nhiệm cung ứng giống, liên kết sản xuất, quản lý vùng trồng…bảo đảm đầu ra nên người dân yên tâm sản xuất. 

Nga Sơn: Liên kết sản xuất giúp người nông dân nâng cao thu nhập - Ảnh 7.

Bình quân người dân xã Nga Trung (huyện Nga Sơn) thu khoảng 120 triệu đồng/ha từ việc trồng cây khoai tây. Ảnh: Vũ Thượng

Nhờ xây dựng mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn, thu hút doanh nghiệp, tăng cường mối liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm…đã giúp nông dân huyện Nga Sơn tiêu thụ nông sản thuận lợi trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

"Thời gian tới, huyện Nga Sơn tiếp tục phát triển cánh đồng mẫu lớn sản xuất an toàn theo quy mô hợp tác xã, mở rộng liên kết giúp nông dân nâng cao thu nhập. Đồng thời, huyện cũng có nhiều chính sách đặc thù giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất" - ông Phạm Văn Sinh- Phó Trưởng phòng Phòng NNPTNT huyện Nga Sơn cho biết.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem