Lão nông nửa đêm đội đèn chăm khóm phụng dáng "độc" bán Tết

Trần Đáng Thứ ba, ngày 13/02/2018 19:01 PM (GMT+7)
Không như nhiều người tưởng trồng khóm kiểng (dứa cảnh) là “làm chơi, ăn thiệt”, chỉ cần bán vài trăm trái thì cư dân “rốn lũ” Đồng Tháp Mười (Tiền Giang) có một cái tết đẹp…
Bình luận 0

Mặc đêm khuya mưa gió, lão nông Hà Văn Bảy (xã Thạnh Mỹ, Tân Phước) vẫn đội đèn đi kiểm tra, chăm chút những trái khóm phụng, khóm son chuẩn bị cho Tết Mậu Tuất. Nhìn dáng cụ lom khom, khập khễnh mà xót lòng. “Tết của gia đình tôi đẹp hay không phụ thuộc vào mớ khóm này đó”- cụ bộc bạch.

Một nắng, hai sương

img

Để có trái khóm phụng bung xòe đuôi như yêu cầu của thương lái, người trồng phải một nắng, hai sương.    Ảnh: T.Đ

Xóm làm khóm kiểng ấp Mỹ Lộc (Thạnh Mỹ) chỉ có 4 hộ làm. Mỗi năm xuất ra thị trường tết khoảng 2.000 khóm kiểng. Thời điểm này vào xóm khóm kiểng mọc dày hai bên đường đan. Những trái khóm phụng, khóm son khoe sắc đỏ tươi, nhưng hình dáng lại không bắt mắt.

Bà Ba Xôi (Nguyễn Thị Biết) – một hộ trồng khóm kiểng tại đây, tỏ ra khá thất vọng: “Tôi chỉ lơ đi một thời gian để chăm sóc vườn thanh long mà vườn khóm kiểng xơ xác, rất nhiều trái không đạt yêu cầu”. Với kinh nghiệm 20 năm làm khóm kiểng, cụ Bảy cho rằng, loại khóm phụng được thương lái yêu cầu khá cao về hình dáng, màu sắc nên nông dân phải chú trọng bón phân, chăm sóc để khóm cho trái đẹp và “độc”.

 “Khóm phụng 1 năm chỉ cho 1 vụ trái. Khoảng rằm tháng 8 (âm lịch) hằng năm, người trồng tiến hành xử lý bằng cách tưới khí đá vào họng khóm để cây ra trái non. Khi cây bắt đầu ra trái non thì bón thúc phân để cây xanh tốt, trái ra nhiều cựa sẽ được thương lái ưa chuộng, bán được giá cao.

Bên cạnh đó, khi trái lớn phải tranh thủ bắt sâu đất vào ban đêm, nếu để sâu này cắn vào sẽ mất đi vẻ đẹp, trái khóm sẽ mất giá trị”- cụ Bảy chia sẻ.

Cũng theo cụ Bảy, tỷ lệ khóm phụng đẹp, như: Nặng từ 6kg/trái, hình dáng đẹp, màu sắc rực rỡ, có nhiều trái “cựa” (trái con), khá thấp, chỉ khoảng 20%.

img

Lão nông Hà Văn Bảy đêm hôm đội đèn đi kiểm tra những trái khóm phụng. Ảnh: T.Đ

Tuy nhiên, dù thời gian trồng khóm phụng khá dài (khoảng 1 năm) và tỷ lệ trái đẹp thấp, nhưng do giá trị lợi nhuận của loại khóm này cao gấp vài chục lần khóm thường nên nông dân vẫn thích trồng khóm phụng.

Bên cạnh khóm phụng, khóm son cũng là loại khóm kiểng được thị trường tết ưa chuộng để chưng trên mâm ngũ quả. Đây là loại khóm kiểng có màu sắc rất đẹp, rực rỡ như màu son nên cũng được nhiều người ưa chuộng.

Tuy nhiên, theo nhiều lão nông trồng khóm son, kỹ thuật trồng loại khóm này cũng khá công phu, đòi hỏi chăm sóc tỉ mỉ và kỹ lưỡng, bởi từ khi trồng đến khi cắt trái khoảng 10 tháng và mỗi cây chỉ cho 1 trái.

Muốn có khóm son bán vào đúng dịp tết, khoảng tháng 2 (âm lịch) nông dân bắt đầu trồng. Đến tháng 8 (âm lịch) sẽ xử lý để khóm ra hoa bằng khí đá và đến Tết Nguyên đán thì trái già, có thể chưng lâu mà không bị mất màu, giảm sắc.

“Phải thường xuyên tưới nước đầy đủ, phun xịt các loại phân thuốc để rệp sáp không tấn công và khi thời tiết nắng nhiều ngày phải che nắng để không bị nám trái”- lão nông Đồng Văn Dũng (Tân Hưng, Cái Bè) nói.

Nếu khóm phụng trồng đạt chất lượng, mỗi trái có giá từ 400.000 – 600.000 đồng, thậm chí là hàng “độc” giá có thể đẩy lên 1 triệu đồng/trái. Trong khi đó, khóm son có giá khoảng  200.000 đồng/trái.

Mùa vụ âu lo

Hằng năm, nhằm đáp ứng nhu cầu người dân chưng trái cây ba ngày xuân, trước tết khoảng 1 tháng, thương lái từ các nơi đổ về “rốn lũ” thu mua khóm phụng, khóm son. Thế nhưng, thời điểm này, khi hơi tết đã phả sau gáy, không nhiều nông dân trồng khóm kiểng ở “rốn” lũ nhận được tiền đặt cọc của thương lái.

“Mọi năm, tới thời điểm này tui đã bán hết khóm kiểng cho thương lái rồi. Nhưng năm nay, tới thời điểm này chỉ có hai thương lái ghé xem, mà cũng xem thôi chứ không đặt cọc hay hứa hẹn gì cả”- cụ Bảy cho biết.

Tết năm nay cụ Bảy chuẩn bị 2.000 cây khóm phụng. Thế nhưng, số cây này chỉ cho 600 trái, và cũng chỉ chọn ra được gần 200 trái đạt yêu cầu.

“Nói thật khá ít trái đạt yêu cầu với thương lái về màu sắc và hình dáng. Năm nay thời tiết cứ chập chờn nên cây không cho trái đẹp. Có lẽ vậy mà thương lái đắn đo mua”- cụ Bảy thổ lộ.

Theo cụ Bảy, tết năm ngoái cụ bán được 20 triệu đồng tiền khóm kiểng, đủ xoay xở cho một cái tết đẹp vùng quê khó khăn. Năm  nay tình hình thương lái thu mua thế này khiến cụ lo lắng.

“Nhà tôi trồng 4ha khóm thường, cứ khoảng 3 tháng thu hoạch bán một lần. Số tiền này chi tiêu hàng ngày. Mớ khóm kiểng trồng là lo xoay xở 3 ngày tết, nhưng năm nay thấy không khả quan lắm”- cụ Bảy lo lắng.

Mà không chỉ cụ Bảy, cả xóm trồng khóm kiểng ấp Mỹ Lộc cũng rơi vào tâm trạng này. Ông Cao Văn Sáng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Mỹ cho biết, toàn xã có vài chục hộ trồng khóm phụng, khóm son. Chủ yếu bà con xen canh, hoặc trồng mỗi hộ từ trăm đến vài ngàn cây. Nhờ loại trái này mà bà con nông dân nơi đây có thêm thu nhập để trang trải trong 3 ngày tết.

Trong khi đó, lão nông Đồng Văn Dũng cũng thấp thỏm: “Về chất lượng khóm son trồng vụ này cũng ngang ngửa với những năm rồi, nhưng thương lái cứ đến xem lại đi. Giờ mà tui mới bán được khoảng 1.000 trái. Tết năm nay lạ thiệt”.

Tết Nguyên đán năm rồi gia đình ông Dũng trồng 5.000 cây khóm son, trừ chi phí lời hơn 40 triệu đồng. Theo Phòng NNPTNT huyện Tân Phước, huyện có khoảng 20ha đất trồng khóm kiểng. Phòng NNPTNT huyện Cái Bè cũng cho biết có khoảng 40ha nông dân đang trồng khóm này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem