Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk thăm trại nuôi heo cụ kỵ, sản xuất heo giống lớn nhất Tây Nguyên

Thiên Ngân Thứ sáu, ngày 01/10/2021 15:55 PM (GMT+7)
Chiều 30/09/2021, đại diện lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, Huyện ủy Cư M’gar cùng đại diện chủ đầu tư đã có buổi làm việc, tham quan dự án Tổ hợp khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk. Đây là dự án có quy mô chăn nuôi heo cụ kỵ, sản xuất heo giống lớn nhất Tây Nguyên đến thời điểm này.
Bình luận 0

Tổ hợp chăn nuôi heo được đầu tư 1.500 tỷ đồng

Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk thăm trại nuôi heo cụ kỵ, sản xuất heo giống lớn nhất Tây Nguyên - Ảnh 1.

Dự án Tổ hợp khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk xây dựng tại xã Ea M'Droh, huyện Cư M'Gar trên diện tích gần 200 ha. Hiện dự án đã hoàn thành giai đoạn 1, chuẩn bị đi vào hoạt động. Ảnh: DHN

Dự án Tổ hợp khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk xây dựng tại xã Ea M'Droh, huyện Cư M'Gar trên diện tích gần 200 ha. Tổ hợp chăn nuôi heo, gà này được thực hiện bởi liên doanh Tập đoàn Hùng Nhơn Việt Nam và Tập đoàn De Heus (Hà Lan). 

Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk thăm trại nuôi heo cụ kỵ, sản xuất heo giống lớn nhất Tây Nguyên - Ảnh 2.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, Huyện ủy Cư M’gar cùng đại diện chủ đầu tư thăm dự án. Ảnh: DHN

Ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết, dự án gồm khu trang trại chăn nuôi lợn giống cụ kỵ, ông bà nhập khẩu từ Hà Lan; khu sản xuất con giống với tổng diện tích khoảng 80ha.

Bên cạnh đó, tổ hợp dự án còn có nhà máy giết mổ lợn thịt và nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ 15ha; khu điều hành và dịch vụ hỗ trợ khoảng 20ha; đất giao thông và hạ tầng kĩ thuật khoảng 25ha; phần diện tích còn lại là các khu trồng trọt, đất cây xanh và hàng loạt các hạng mục khác liên quan.

Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk thăm trại nuôi heo cụ kỵ, sản xuất heo giống lớn nhất Tây Nguyên - Ảnh 3.

Ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn (đầu tiên trong ảnh) giới thiệu về quy mô dự án Tổ hợp chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk. Ảnh: DHN

Dự án có tổng vốn đầu tư cả giai đoạn 2019 - 2025 khoảng 60 triệu USD (tương đương 1.500 tỷ đồng). Sau 1 năm khởi công, đến nay dự án đã cơ bản hoàn thiện, hệ thống chuồng trại đã được lắp đặt những thiết bị chăn nuôi hiện đại nhất.  

Dự kiến vài ngày tới, những con heo cụ kị đầu tiên nhập khẩu từ Hà Lan sẽ được đón về đây chăn nuôi, phục vụ sản xuất heo giống chất lượng cao.

Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk thăm trại nuôi heo cụ kỵ, sản xuất heo giống lớn nhất Tây Nguyên - Ảnh 4.

Toàn bộ thiết bị, máy móc tại khu trang trại đều được nhập khẩu từ Hà Lan, đảm bảo quy trình chăn nuôi an toàn theo công nghệ 4.0.

Quy trình chăn nuôi tại trang trại sẽ áp dụng công nghệ 4.0, tự động hoá và áp dụng theo 349 tiêu chuẩn của GlobalGAP. Các giống heo cụ kỵ (GGP) và ông bà (GP) được chọn lọc và nhập khẩu trực tiếp từ Hà Lan để tạo ra các giống heo ông bà (GP) và bố mẹ (PS) bảo đảm nguồn gen tốt, cho năng suất sinh sản cao.

Quá trình chăn nuôi tại trang trại được áp dụng theo các tiêu chuẩn cao nhất, nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Hướng tới việc thí điểm xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, cung cấp con giống chất lượng cao cho khu vực Tây Nguyên và thị trường Đông Nam Á.

Dự kiến, ngày 5/10 sẽ có 1.500 con heo cụ kỵ từ trang trại của Tập đoàn De Heus tại Canada sẽ được nhập khẩu về đây. 

Trước đó, ngày 28/09, hệ thống xe bồn chở thức ăn chăn nuôi của Tập đoàn De Heus đã về đến trang trại heo cụ kỵ, ông bà DHN Đắk Lắk.

Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk thăm trại nuôi heo cụ kỵ, sản xuất heo giống lớn nhất Tây Nguyên - Ảnh 6.

Hệ thống silo tại dự án được cung cấp bởi Tập đoàn De Heus. Xe bồn và silo của De Heus đã giúp các trạng trại vừa và lớn, tiếp cận những phương thức chăn nuôi hiện đại từ Hà Lan. Ảnh: DHN

Tại buổi làm việc, ông Y Giang Gry Niee Knơng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao quy mô của dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk. Dự án này phù hợp với định hướng phát triển chăn nuôi của tỉnh.

Việc đưa dự án này vào hoạt động không chỉ tạo thêm công ăn việc làm cho lao động địa phương, mà còn tạo nền tảng thúc đẩy phát triển chăn nuôi công nghệ cao, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Liên quan đến những kiến nghị của chủ đầu tư về vấn đề giải quyết thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng cho giai đoạn 2 của dự án, ông Y Giang Gry Niee Knơng đề nghị các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để dự án triển khai thuận lợi.


Khởi động dự án "Tiếp sức đường dài"

img

Cũng trong ngày 30/9, Tập Đoàn Hùng Nhơn Việt Nam - Công ty CP phát triển nông nghiệp công nghệ cao DHN Đắk Lắk cho biết đã bắt đầu khởi động dự án "Tiếp sức đường dài".

Theo đó, dự án sẽ nhận đỡ đầu hỗ trợ chi phí ăn học hàng tháng cho các bé mồ côi, hoàn cảnh khó khăn suốt một chặng đường dài cho tới khi các bé đủ 18 tuổi. Sau khi ra trường, nếu các bé không xin được việc làm, công ty sẽ hỗ trợ công việc phù hợp cho các con đảm bảo cuộc sống.

Điểm khởi đầu cho dự án này là các bé mồ côi có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Cư M'gar, tỉnh Đăk Lăk.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem