Làng Chăm sống sung túc với nghề dệt thổ cẩm

Công Tâm Chủ nhật, ngày 28/05/2017 12:00 PM (GMT+7)
Làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp (thị trấn Phước Dân, Ninh Phước, Ninh Thuận) đã có tuổi đời hàng trăm năm, đến nay vẫn phát triển mạnh. Không chỉ giữ được nghề, bà con nơi đây còn tạo việc, làm giàu từ nghề.
Bình luận 0

Nghề dệt hồi sinh

Cho đến bây giờ, người dân của địa phương cũng chưa biết nghề dệt thổ cẩm này hình thành từ lúc nào. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nghề dệt thổ cẩm vẫn không ngừng phát triển, mẫu mã rất phù hợp với xu thế của thị trường. Hiện nay, nghề dệt thực sự hồi sinh, lực lượng lao động nữ tham gia ngày càng đông. Nghề dệt đã tạo việc làm có thu nhập cho đồng bào dân tộc của địa phương, đồng thời lưu giữ được nét đẹp quý giá của đồng bào người Chăm.

img

Gia đình ông Đôn đang sống sung túc nhờ nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: C.T

Nhằm thúc đẩy nghề dệt phát triển, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thành lập Hợp tác xã  Sản xuất – Kinh doanh dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp. Đến nay, hợp tác xã đã có 72 xã viên, sản phẩm không ngừng mở rộng ra thị trường. Nghề dệt đã góp phầm làm thay đổi đáng kể đời sống kinh tế của đồng bào người Chăm vùng nông thôn.

 Gặp chúng tôi, ông Lưu Quý Đôn (làng Mỹ Nghiệp) cho biết, nghề dệt của địa phương có cách đây hàng trăm năm, theo truyền thuyết thì nữ thần Ponagar truyền đạt nghề dệt lại cho đồng bào người Chăm. Những bậc cao niên trong làng cứ như vậy phát huy và truyền dạy lại cho các thế hệ sau.

 Ông Đôn cho hay, nhờ nghề dệt mà gia đình có cuộc sống sung túc hơn. Gia đình ông theo nghề từ những năm 1992, hiện vợ và các con của ông ai cũng biết dệt thổ cẩm. Sản phẩm của gia đình ông hiện  cung cấp chủ yếu cho thị trường TP.Hồ Chí Minh và các đoàn khách du lịch nước ngoài. Cơ sở sản xuất của gia đình ông cũng tạo công ăn việc làm cho 20 lao động của địa phương. Mỗi năm, gia đình ông mang lại doanh thu khoảng 300 triệu đồng từ nghề dệt thổ cẩm. Cơ sở của ông Đôn cũng được vinh dự đón tiếp nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm. Gia đình ông luôn tìm tòi nghiên cứu tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao gồm: Ví nam, ví nữ, tấm dra trải giường, khăn quàng cổ, áo nam, áo nữ, dây thắt lưng, các loại ba lô…

Sáng tạo phù hợp với nhu cầu

 Theo ông Đôn, nguyên liệu dệt ngày xưa do người dân tự trồng và tự sản xuất. Sản phẩm của người Chăm thời điểm đó chỉ cung cấp cho cộng đồng người Chăm và dân tộc Raglay. Dần dần về sau sản phẩm tạo ra đa dạng hơn, phong phú hơn và đặc biệt có tính thẩm mỹ cao nên thu hút được những thị trường và người tiêu dùng khó tính. Ngày nay, nghề dệt thổ cẩm không những cung cấp trong nước mà còn phục vụ cho du khách nước ngoài.

 Gắn bó với nghề dệt từ năm 15 tuổi, bà Thập Thị Loan (Mỹ Nghiệp) cho hay, nghề dệt thu hút rất nhiều lao động nữ. Theo bà Loan, những người gắn bó với nghề dệt phải am hiểu sâu về kỹ thuật, khâu chọn chất liệu rất quan trọng. Sản phẩm phải có sức sáng tạo thì mới cuốn hút người tiêu dùng. Nghề dệt đòi hỏi có tính thẩm mỹ cao, để làm được điều đó người thợ phải có hoa tay, óc thẩm mỹ, am hiểu từng đường nét, màu sắc, hình khối và sự kết hợp giữa các con linh vật. Hơn 35 năm gắn bó với nghề, đến nay bà Loan đã dệt thành thạo các sản phẩm.

Bà Loan chia sẻ, khi dệt sản phẩm phải thật đều tay và đồng thời bố trí màu sắc, hoa văn hài hòa trên từng loại. Nếu chẳng may thực hiện không đều tay thì sản phẩm sẽ không làm nổi bật được đường nét hoa văn,  sản phẩm đó coi như bị hỏng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem