Chuyên gia di truyền nông nghiệp: Lan đột biến như con gà có màu nọ màu kia, không quá quý hiếm

Anh Thơ (thực hiện) Thứ tư, ngày 07/04/2021 18:47 PM (GMT+7)
Liên quan đến những thông tin giao dịch lan đột biến giá trị chục tỷ, trăm tỷ đồng náo loạn mạng xã hội thời gian qua, theo GS.TS Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, lan đột biến không quá quý hiếm như lời đồn thổi, những cuộc giao dịch thời gian qua có thể là "chiêu" thổi giá.
Bình luận 0

Lan đột biến không thực sự quý hiếm như lời đồn

Xung quanh những cuộc giao dịch lan đột biến trị giá lên đến hàng tỷ đồng, thậm chí có những giao dịch lên đến 250 tỷ đồng được quảng bá rầm rộ trên mạng xã hội Facebook, Youtube, Zalo, phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi với GS.TS Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực di truyền học.

Lan đột biến giao dịch trăm tỷ, chuyên gia di truyền khẳng định, lan đột biến không quá quý hiếm, là "chiêu" thổi giá - Ảnh 1.

Theo GS. TS Lê Huy Hàm, các cuộc giao dịch lan đột biến tiền tỷ thời gian qua có thể là một chiêu "thổi giá", người dân cần hết sức tỉnh táo.

Thưa giáo sư, dưới góc độ một nhà khoa học chuyên về lĩnh vực di truyền, ông có nhận xét gì về "cơn sốt" lan đột biến đang diễn ra ở nhiều địa phương, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự mà lực lượng chức năng đã lên tiếng cảnh báo?

- Việc xác định được các loại lan đang giao dịch trên thị trường có phải lan đột biến thực sự hay chỉ là lai hai màu không đơn giản.

Sở dĩ xác định có phải lan đột biến khó là vì ngay cây của cùng một giống nó đã có sự khác nhau rồi, chỉ cần xác định ADN là sẽ thấy sự khác nhau ấy, và sự khác nhau có thể biểu hiện hoặc không biểu hiện ra.

Do vậy, xác định lan đột biến hay không là một cuộc tranh luận vô tận.

Một giống lan hai màu, lai với nhau ra con lai, cũng có thể coi là một dạng đột biến; trong tự nhiên cũng có thể xuất hiện những cây lan có màu khác đi so với những cá thể khác cũng là đột biến, điều này có thể hình thành do quá trình tự lai. 

Trong khi chúng ta còn chưa xác định được thế nào là lan đột biến thì có một thực tế là ở nhiều địa phương, "cơn sốt" lan đột biến đang khiến nhiều nhà quản lý, lực lượng chức năng đau đầu.

Đại diện Công an Hòa Bình từng chia sẻ với tôi, ở địa phương, từ bà quét rác đến ông xe ôm, ông nông dân đều nói về lan đột biến, đã có những người đầu tư cả tài sản tích cóp vào loại cây này, tình hình an ninh trật tự rất phức tạp do kiện cáo, trộm cắp liên quan đến lan đột biến.

Vậy theo ông, lan đột biến có thực sự quý hiếm đến mức độ phải chi ra số tiền lớn như vậy để sở hữu không?

- Theo quan điểm của tôi thì lan đột biến không phải cái gì quá quý hiếm mà chỉ có yếu tố lạ. Cũng giống như con gà, có con gà mái mơ, có con màu lông mật, có con đuôi dài, có con đuôi ngắn.

Lan đột biến chỉ thực sự mang lại giá trị kinh tế khi nhân giống hàng loạt sản xuất công nghiệp như lan hồ điệp, từng bước hình thành nền công nghiệp hoa lan.

Lan đột biến giao dịch trăm tỷ, chuyên gia di truyền khẳng định, lan đột biến không quá quý hiếm, là "chiêu" thổi giá - Ảnh 2.

Cuộc giao dịch lan đột biến Hồng bồng lai ở xã Mã Thành, Yên Thành (Nghệ An) được cho là có giá trị lên đến 1,65 tỷ đồng. (Ảnh cắt từ clip).

Lan đột biến có thể được nhân cấy hàng loạt bằng công nghệ hiện đại không, thưa ông?

- Chúng ta hoàn toàn có thể nhân cấy các giống lan bằng công nghệ In Vitro. Các nước có nền công nghiệp hoa lan phát triển như Thái Lan, Trung Quốc đều áp dụng công nghệ này. Các phòng nuôi cấy mô của Việt Nam nếu có đơn đặt hàng họ cũng hoàn toàn có thể làm được.

Ông có khuyến cáo gì tới người dân trước "cơn sốt" lan đột biến?

- Theo tôi,  người dân nên hết sức thận trọng, tỉnh táo không nên lao vào "cơn lốc" này. Tôi cho rằng các giao dịch lan đột biến có thể đang bị thổi giá. 

Ví dụ người này bán cho người kia chậu lan đột biến giá 10 tỷ đồng, nhưng nếu như bạn có 10 tỷ thật chắc không muốn mang lên Facebook khoe. 

Cũng có thể chẳng có cuộc giao dịch thực sự nào nhưng họ vẫn làm pano quảng cáo rầm rộ, song song  đó chuẩn bị nhiều cành lan (được quảng cáo là lan đột biến) và rao bán với giá vài triệu đến vài chục triệu. Thấy giá quá rẻ, trong khi có những cây lên đến tiền tỷ sẽ có người lao vào mua ngay với suy nghĩ đầu tư.

Xin cảm ơn ông!

Giao dịch lan đột biến (nếu có) khó thu thuế

Khi vụ giao dịch lan đột biến Ngọc Sơn Cước ở Đông Triều (Quảng Ninh) lên đến 250 tỷ đồng còn chưa hạ nhiệt thì mới đây lại xuất hiện một cuộc giao dịch lan đột biến Hồng bồng lai ở xã Mã Thành, Yên Thành (Nghệ An) trị giá 1,65 tỷ đồng.

Ngay sau khi thông tin cuộc giao dịch lan đột biến Hồng bồng lai xuất hiện, Cục Thuế Nghệ An đã chỉ đạo Chi cục Thuế khu vực Bắc Nghệ II vào cuộc, xác minh.

Theo Chi cục Thuế khu vực Bắc Nghệ II, thương vụ giao dịch lan đột biến Hồng bồng lai diễn ra tại nhà anh Trần Đình Luật, chủ vườn lan ở xóm Đồng Bàu, xã Mã Thành, huyện Yên Thành.

Quá trình chăm sóc, phát hiện có giò phong lan phi điệp đột biến Hồng bồng lai, anh này thử nhân giống, và giao dịch bán hoa lan cho khách vào ngày 07/03/2021.

Theo anh Luật, người khách mua cây lan tên Kiên, giới thiệu là tại tỉnh Hòa Bình, không rõ họ và địa chỉ cụ thể.

Đại diện Chi cục Thuế Bắc Nghệ II cho biết, giao dịch trên (nếu có thực) không thuộc đối tượng nộp thuế vì sản phẩm trồng trọt chăn nuôi do người dân tự sản xuất bán ra không thuộc đối tượng chịu thuế theo Khoản 1 Điều 1 quy định của Luật thuế GTGT.

 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem