Huyện Chợ Đồn: "Viên ngọc sáng" giữa đại ngàn Bắc Kạn

Lam Chi Thứ ba, ngày 04/08/2020 20:17 PM (GMT+7)
Tỷ lệ trồng rừng, thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, 100% xã có đường nhựa, đường bê tông về đến trung tâm; nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã ăn nên làm ra; nhiều sản phẩm OCOP vươn đến được thị trường lớn… huyện Chợ Đồn đang khẳng định sức bật trong phát triển kinh tế - xã hội.
Bình luận 0

Khác với những gì đã hình dung về một huyện miền núi nằm khuất sau những cánh rừng. Huyện Chợ Đồn đang thực sự như một viên ngọc sáng giữa bạt ngàn rừng xanh của tỉnh Bắc Kạn, tỉnh có tỉ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước.

Huyện Chợ Đồn: "Viên ngọc sáng" giữa đại ngàn Bắc Kạn - Ảnh 1.

Trụ sở Huyện ủy Chợ Đồn.

Có thể nói Chợ Đồn đang thay da đổi thịt từng ngày. Với cơ sở hạ tầng khang trang, thu nhập bình quần đầu người được nâng cao, các tiêu chí khác đều đảm bảo bằng, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

Để có được thành quả đó chính nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng sự nhất trí đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Chợ Đồn.

Không chỉ đảm bảo an ninh lương thực (bình quân đạt trên 500 kg/người/năm), trong nhiệm kỳ 2015-2020 nhờ được sự chỉ đạo sát sao của đảng bộ, chính quyền các cấp, huyện Chợ Đồn đã có những thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp.

Trong nhiệm kỳ, huyện Chợ Đồn đã chỉ đạo triển khai thực hiện canh tác đất ruộng, soi bãi với diện tích khoảng 450ha, đạt 100 triệu đồng/ha/năm; thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa, ngô sang trồng các loại cây đặc sản, cây có giá trị kinh tế cao như cam, hồng không hạt, thuốc lá, thanh long, cây chanh leo tím, gừng...

Bên cạnh đó, duy trì và phát triển tốt các nhãn hiệu tập thể như "Gạo Bao thai Chợ Đồn" thành sản phẩm hàng hoá có giá trị kinh tế của huyện, với diện tích canh tác hằng năm trên 2.000ha; định hướng phát triển cây ăn quả đặc sản của huyện tại các xã có tiềm năng, lợi thế (cây hồng không hạt trồng tập trung tại các xã Quảng Bạch, Tân Lập, Ngọc Phái, Đồng Lạc, Xuân Lạc; cây cam, quýt tập trung tại các xã Đông Viên, Phương Viên, Rã Bản).

Về lâm nghiệp, tổng diện tích trồng rừng từ năm 2016 - 2019 của huyện đạt trên 5.836ha, bằng 145,9% so với chỉ tiêu nghị quyết (4.000ha), độ che phủ rừng năm 2019 ước đạt 80%.

Ngoài ra, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, huyện đã tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ về giống cây; xây dựng mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội từng địa phương, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị, chất lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tập trung ở một số ngành, nghề chủ yếu, như công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, chế biến gỗ, vật liệu xây dựng (gạch, đá xây dựng ...), phân phối điện, nước, sản xuất rượu, chế biến thức ăn chăn nuôi và một số sản phẩm thủ công.

Huyện Chợ Đồn: "Viên ngọc sáng" giữa đại ngàn Bắc Kạn - Ảnh 2.

Đêm Chợ Đồn rợp bóng cờ hoa chào mừng Đại hội đảng bộ huyện. Ảnh: Tuấn Anh

Theo thống kê, trên địa bàn huyện có khoảng 71 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó có đến 10 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khai thác khoáng sản.

Đối với lĩnh vực thương mai, dịch vụ, duy trì ổn định mạng lưới, đảm bảo hoạt động mua, bán trao đổi hàng hoá; hệ thống chợ, cửa hàng tăng nhanh. Hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn được đẩy mạnh, nhờ đó tổng mức bán lẻ hàng hoá dịch vụ năm 2019 tăng 46,9% so với năm 2015, đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết (25%).

Huyện Chợ Đồn: "Viên ngọc sáng" giữa đại ngàn Bắc Kạn - Ảnh 3.

Dự án hỗ trợ nuôi ong lấy mật do Hội Nông dân huyện Chợ Đồn thực hiện.

Đồng thời, công tác giáo dục và đào tạo, y tế - chăm sóc sức khoẻ nhân dân từng bước được nâng cao, công tác quốc phòng, quân sự địa phương được củng cố và tăng cường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Về công tác lao động, việc làm, chính sách xã hội và giảm nghèo, huyện Chợ Đồn đã giải quyết được việc làm cho 4.143 lao động, đạt 138,1% chỉ tiêu. Công tác xuất khẩu lao động đạt mức tăng trưởng cao, trong 5 năm xuất khẩu được 551 lao động, đem lại nguồn thu nhập trên 100 tỷ cho người dân.

Nhờ nỗ lực và quyết tâm của cấp ủy, chính quyền cùng tinh thần đoàn kết, đồng lòng của nhân dân các dân tộc trong huyện mà tỷ lệ tăng thu ngân sách bình quân trong nhiệm kỳ 2015-2020 cơ bản đạt theo Nghị quyết đề ra (bình quân tăng 9,3%/năm).

Bà Ma Thị Na, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Chợ Đồn cho biết, điểm sáng trong phát triển kinh tế tại Chợ Đồn là phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp với tỉ lệ che phủ rừng tại huyện ước đạt đến 80%, bên cạnh đó là các hoạt động khai khoáng.

Huyện Chợ Đồn: "Viên ngọc sáng" giữa đại ngàn Bắc Kạn - Ảnh 4.

Cánh đồng Đông Viên, nơi cung cấp ra thị trường đặc sản gạo Bao thai nức tiếng. Ảnh: Đại Lượng.

"Hạ tầng giao thông từng bước được hoàn thiện, đường tuyến 254 được nâng cấp là điều kiện thuận lợi cho huyện phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ. Tới đây, huyện sẽ tập trung quảng bá, phát triển du lịch với các điểm di tích lịch sử và các thắng cảnh", bà Na cho biết thêm.

Huyện Chợ Đồn: "Viên ngọc sáng" giữa đại ngàn Bắc Kạn - Ảnh 5.

Bình Trai, nơi được ví như Đà Lạt của chuyện Chợ Đồn. Ảnh: Quang Hùng

Theo bà Na, do hạ tầng giao thông trước đó còn nhiều hạn chế nên nhiều tiềm năng về du lịch chưa được khai thác đúng mức. Chợ Đồn có một Bình Trai được ví như Đà Lạt, tới đây huyện sẽ quảng bá và tổ chức khai thác điểm đến này.

"Với những tiềm năng lợi thế, nguồn lực sẵn có cùng sự ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, chúng tôi có niềm tin trong nhiệm kỳ tới, huyện Chợ Đồn sẽ có những bước đi vững chắc hơn", Phó Bí thư Thường trực huyện Chợ Đồn chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem