Hướng đến Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam: Tâm sự của những Chi hội trưởng "ăn cơm nhà, vác tù và" (Bài 7)

Vũ Thượng- Văn Long- Hồng Cẩm- Trần Hậu-Việt Cường Thứ ba, ngày 21/11/2023 06:05 AM (GMT+7)
Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam khẳng định, chi hội là đơn vị hành động, cầu nối của Ban Chấp hành cơ sở với hội viên, nông dân. Công việc áp lực lớn, nhiều chi phí phát sinh...nhưng hiện nay, chế độ đãi ngộ của các địa phương đối với Chi hội trưởng nông dân tại các địa phương là khác nhau...
Bình luận 0

Ý kiến chung của hầu hết các Chi hội trưởng nông dân hiện nay là kiến nghị, đề xuất Đảng, Nhà nước quan tâm hơn, xem xét điều chỉnh lại chế độ đãi ngộ, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ sát nông dân, gần nông dân, nghe nông dân trực tiếp cống hiến cho công tác Hội và phong trào nông dân...

Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt ghi nhận ý kiến từ Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, TP Cần Thơ, TP Đà Nẵng, Hải Dương...

Chi hội trưởng nông dân kiêm nhiều chức vụ

Nhằm hướng đến Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, phóng viên Báo điện  Dân Việt đã trực tiếp về các thôn, xóm, xã thuộc tỉnh Ninh Bình để lắng nghe chia sẻ từ các Chi hội trưởng nông dân.

Hướng đến Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam: Chi hội trưởng nông dân ở Ninh Bình mong muốn tăng chế độ phụ cấp - Ảnh 1.

Bà Bùi Thị Vinh-Chi hội trưởng thôn Trung Tâm (xã Đồng Phong, huyện Nho Quan). Ảnh: VT

Có 8 năm gắn bó với công tác Hội trong vai trò Chi hội trưởng thôn Trung Tâm (xã Đồng Phong, huyện Nho Quan), bà Bùi Thị Vinh được mọi người khen ngợi là năng động, nhiệt tình trong các phong trào nông dân, tâm huyết và trách nhiệm với công việc được giao.

Không chỉ vậy, bà Vinh còn được nhiều người biết đến là điển hình làm kinh tế giỏi với mô nuôi cá nước ngọt bán công nghiệp để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Chi hội thôn Trung Tâm (xã Đồng Phong) luôn được đánh giá là chi hội thực hiện tốt công tác Hội và phong trào nông dân, liên tục đạt chi hội vững mạnh.

Hướng đến Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam: Chi hội trưởng nông dân ở Ninh Bình mong muốn tăng chế độ phụ cấp - Ảnh 2.

Mô hình nuôi cá nước ngọt hộ bà Vinh tăng thêm thu nhập cho gia đình.Ảnh: VT

Bà Bùi Thị Vinh tâm sự: "Hiện tại tôi là Chi hội trưởng nông dân thôn Trung Tâm và đang hưởng phụ cấp 270.000 đồng/tháng. Ngoài làm chi hội trưởng nông dân, tôi còn kiêm nhiệm thêm Trưởng ban công tác mặt trận và bên phụ nữ…tổng thu nhập được hơn 2.000.000 đồng/tháng".

Theo bà Vinh, với phụ cấp chi hội trưởng hiện nay được 270.000 đồng/tháng là quá thấp, tính ra còn không đủ tiền điện thoại chứ đừng nói đến xăng xe, các chi phí phát sinh khác.

Hướng đến Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam: Chi hội trưởng nông dân ở Ninh Bình mong muốn tăng chế độ phụ cấp - Ảnh 3.

Ông Đinh Văn Cung-Chi hội trưởng nông dân xóm Mới (xã Khánh Dương, huyện Yên Mô) kiêm xóm phó. Ảnh: VT

Cùng hoàn cảnh với bà Vinh, ông Đinh Văn Cung-Chi hội trưởng nông dân xóm Mới (xã Khánh Dương, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) chia sẻ: "Tôi làm Chi hội trưởng nông dân từ năm 2022, chi hội tôi có 100 hội viên nông dân, tôi được phụ cấp 270.000 đồng/tháng. Để lo cho gia đình, tôi còn kiêm nhiệm thêm xóm phó và an ninh trật tự cơ sở…qua đó cũng được 1.500.000 đồng/tháng".

Ông Trình Đình Toại-Chi hội trưởng nông dân xóm 2 (xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) thổ lộ: "Tôi làm Chi hội trưởng từ năm 2016, chi hội tôi có tổng 98 hội viên nông dân. Với phụ cấp hiện nay 270.000 đồng/tháng, tôi cảm thấy rất thiệt thòi vì khối lượng công việc của cán hộ hội đoàn thể ngày càng nhiều và nặng hơn nhưng phụ cấp vẫn thấp. Chẳng qua chúng tôi làm lâu nay nên quen việc chứ người mới thì họ không làm".

Ông Toại bày tỏ mong muốn tỉnh Ninh Bình nghiên cứu, điều chỉnh tăng chế độ phụ cấp để có thêm động lực, trách nhiệm làm việc và cống hiến cho hội được nhiều hơn nữa.

Còn bà Bùi Thị Hiển-Chi hội trưởng nông dân xóm 1 (xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô) ngậm ngùi: "Tôi làm chi hội trưởng nông dân từ năm 2011, chi hội tôi có 96 hội viên nông dân. Công việc ở chi hội rất nhiều như: Tuyên truyền chính sách của Đảng và nhà nước; tham gia các phong trào của hội; ngoài ra trong đợt dịch bệnh cũng trực tiếp cùng cơ quan chức năng vận động, tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành…".

Hướng đến Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam: Chi hội trưởng nông dân ở Ninh Bình mong muốn tăng chế độ phụ cấp - Ảnh 5.

Bà Bùi Thị Hiển-Chi hội trưởng nông dân xóm 1. Ảnh: VT

"Thực mà nói, phụ cấp thấp quá, chúng tôi làm với tinh thần nhiệt huyết, đam mê, làm lâu năm nên gắn bó…chứ phụ cấp 1 tháng làm Chi hội trưởng nông dân nếu tính chỉ bằng 1 ngày đi phụ hồ". bà Hiển nói.

Được biết, Hội Nông dân huyện Yên Mô (tỉnh Ninh Bình) hiện có 19.228 hội viên nông dân, với 232 chi hội. Từ tháng 7/2023, phụ cấp của chi hội trưởng là 270.000 đồng/tháng, còn chi hội phó chưa có phụ cấp.

Hướng đến Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam: Chi hội trưởng nông dân ở Ninh Bình mong muốn tăng chế độ phụ cấp - Ảnh 6.

Chi hội trưởng, hội viên nông dân xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô tham gia dọn vệ sinh môi trường. Ảnh: A Đ

Để có thu nhập, nhiều Chi hội trưởng nông dân kiêm thêm các chức vụ khác như: Công an viên, Trưởng ban công tác mặt trận, phụ nữ…Đồng thời, kiêm thêm tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Ngân hàng chính sách xã hội; Ngân hàng nông nghiệp. Qua đó, có 129 chi hội đang thực hiện và "hoa hồng" trích lại phụ thuộc vào vốn vay.

Hướng đến Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam: Chi hội trưởng nông dân ở Ninh Bình mong muốn tăng chế độ phụ cấp - Ảnh 7.

Ông Đinh Hồng Thái-Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình giao vốn dự án cho hộ nông dân do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: A Đ

Ngoài ra, các Chi hội trưởng nông dân còn tham gia cung ứng thức ăn gia súc, gia cầm, phân bón…hiện có 50% trên tổng 17 xã ở huyện Yên Mô (tỉnh Ninh Bình), với hơn 100 chi hội đang thực hiện.

Ông Lê Tuấn Anh-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Mô cho biết: "Thực tế, hiện nay phụ cấp cho chi hội trưởng các đoàn thể hơi thấp so với mặt bằng chung. Phụ cấp thấp hiệu quả công việc đem lại không được cao, các phong trào phát động bị ảnh hưởng…qua đó chi hội trưởng phải kiêm nhiệm thêm nhiều chức vụ khác. Đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình xem xét, nâng phụ cấp cho các chi hội trưởng".

Làm việc "miễn phí" cả thập kỷ

Lâm Đồng là một trong năm tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên với 10 huyện, 2 thành phố. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có 111 xã với tổng diện tích lớn thứ 7 của cả nước. 

Chính vì vậy, hàng ngàn chi Hội trưởng nông dân tại các thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh cũng rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay cơ chế, chính sách về phụ cấp cho hàng ngàn chi Hội trưởng này vẫn đang bỏ ngỏ nhiều năm khiến cho công tác tuyên truyền, hỗ trợ nông dân gặp nhiều khó khăn.

Mong ngóng phụ cấp cho những người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” của Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Minh (thứ 4, từ bên trái qua) cùng Hội Nông dân xã Tân Văn, huyện Lâm Hà, (tỉnh Lâm Đồng) triển khai thực hiện tuyến đường môi trường xanh - sạch - đẹp.

Trao đổi với phóng viên khi đang cắt cỏ cho đang bò của gia đình mình, ông Nguyễn Văn Minh – Chi Hội trưởng nông dân thôn Tân Hòa (xã Tân Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) cho hay: "Tôi làm chi Hội trưởng nông dân đến nay đã được 17 năm. Ngày trước làm chi Hội trưởng nông dân kiêm Cộng tác viên Khuyến nông thì được khoảng 300 ngàn tiền phụ cấp sau đó lên hơn 500 ngàn. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây thì các chi Hội trưởng nông dân không có phụ cấp, hỗ trợ gì hết.

Nếu làm nhiệt tình, các chi Hội trưởng sẽ có rất nhiều việc, chủ yếu là đi tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn, phổ biến cho người dân để mua phân bón trả chậm, đăng ký mua cây giống, chuyển đổi cây trồng vật nuôi... Mình giống như là cầu nối giữa người dân với Hội Nông dân cấp xã, cấp huyện".

Mong ngóng phụ cấp cho những người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” của Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Minh tặng quà Tết cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại thôn Tân Hòa, xã Tân Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.

Ông Minh cũng mong muốn các cấp có cơ chế, chính sách phụ cấp, hỗ trợ xăng xe cho các chi Hội trưởng để có hào hứng, động lực, tinh thần để làm việc. Nếu tình trạng như hiện nay kéo dài quá lâu, hệ thống chi Hội trưởng các cấp sẽ không có ai tham gia, đặc biệt là lớp trẻ kế cận.

Trong khi đó, ông Vũ Nhuần – Chi Hội trưởng nông dân tổ Hà Đông 2 (Làng hoa Hà Đông, phường 8, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) chia sẻ: "Tôi làm chi Hội trưởng đến nay đã gần 20 năm. Công việc thì cũng nhiều, nhưng mình ham vui, muốn làm những công việc cho cộng đồng. 

Vì vậy, việc phụ cấp có hay không đối với tôi cũng không quan trọng, làm vì đam mê thôi. Tôi cũng là người có kinh nghiệm, kỹ thuật về mảng nông nghiệp nên công tác hỗ trợ, hướng dẫn người dân trồng rau, hoa, xử lý sâu bệnh hại cũng là "sở trường" của mình nên mình cứ làm thôi".

Cũng giống như nhiều chi Hội trưởng khác, ông Nhuần cũng mong muốn có được kinh phí, phụ cấp để có động lực, điều kiện hoàn thành công việc được giao. 

Những người đã làm công tác khuyến nông, hỗ trợ nông dân hàng chục năm nhưng không hề có phụ cấp cũng là một thiệt thòi rất lớn. Không chỉ riêng có Hội Nông dân mà còn có các đoàn thể khác, đây chính là những người tại cơ sở, nắm rõ tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc, khó khăn của người dân địa phương.

Mong ngóng phụ cấp cho những người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” của Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng - Ảnh 4.

Ông Vũ Nhuần đến hỗ trợ kỹ thuật trồng, thu hoạch hoa cúc cho người dân tại Làng hoa Hà Đông.

Ông Đa Cát Vinh- Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng:
Chỉ cần Trung ương có chủ trương, các tỉnh có thể cân đối, nâng mức hỗ trợ cho Chi hội trưởng nông dân

Trao đổi với phóng viên về những mong mỏi liên quan đến vấn đề phụ cấp cho các chi Hội trưởng nông dân tại địa phương, ông Đa Cát Vinh – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho hay: "Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 1.276 chi Hội trưởng nông dân tại các thôn, buôn. 

Không chỉ năm nay, nhiều năm về trước vấn đề này cũng được đưa ra bàn bạc, đề xuất nhưng vẫn chưa có kết quả gì. Không chỉ có Hội Nông dân mà còn có các đoàn thể khác như Hội Phụ nữ, Cựu Chiến binh, Thanh niên trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cũng gặp phải tình trạng này.

Tôi thường xuyên đi tiếp xúc cử chi ở các địa phương, các chi Hội trưởng không có phụ cấp, tuy nhiên họ vẫn thực hiện các nhiệm vụ được giao. Họ vẫn làm theo cách người ta vẫn nói là "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng". Vì vậy, họ vẫn đề xuất việc phải có chính sách, phụ cấp đối với các chi Hội trưởng đang làm việc trong hệ thống của các tổ chức hội. Đây chính là sự động viên, khích lệ để họ thực hiện nhiệm vụ tốt hơn tại cơ sở".

Mong ngóng phụ cấp cho những người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” của Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng - Ảnh 5.

Ông Vũ Nhuần quan niệm, làm chi Hội trưởng vì đam mê, có hay không có phụ cấp cũng không quan trọng.

Ông Đa Cát Vinh cũng đánh giá, chi Hội trưởng nông dân tại các thôn, buôn chính là lực lượng "chân rết" của Hội tại cơ sở. Lực lượng này là nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động và triển khai các chủ trương, đường lối chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Chính vì vậy, trong nhiều năm các lực lượng này vẫn đề xuất Đảng, Nhà nước cần phải nghiên cứu chính sách để hỗ trợ cho họ, tạo động lực làm việc tốt hơn.

Mong ngóng phụ cấp cho những người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” của Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng - Ảnh 6.

Ông Đa Cát Vinh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho rằng, phụ cấp, hỗ trợ cho lực lượng chi Hội trưởng tại các thôn, buôn là rất hợp lý và cần thiết.

Chính vì lý do không có phụ cấp, hỗ trợ nên ông Vinh cho biết, việc thường xuyên thay đổi các Chi hội trưởng nông dân cũng xảy ra thường xuyên trên địa bàn tỉnh. Việc duy trì cũng rất khó khăn, nhưng Hội Nông dân các cấp đã nỗ lực để vận động, động viên để lực lượng trên tham gia, gắn bó với công tác của Hội. Việc đề xuất phụ cấp cho lực lượng trên theo ông Vinh là rất hợp lý, cần thiết để duy trì hệ thống "chân rết" ở cơ sở.

Mong ngóng phụ cấp cho những người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” của Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng - Ảnh 7.

Ông Nguyễn Văn Minh (thứ 2 từ phải qua) làmChi Hội trưởng nhiều năm nay nhưng không có phụ cấp.

"Riêng của Hội Nông dân đã có hơn 92.000 chi Hội trưởng nông dân, ngoài ra còn có Hội Phụ nữ, Thanh niên, Cựu Chiến binh...Chính vì vậy, theo tôi để giải quyết vấn đề này chỉ cần Trung ương có chủ trương, các tỉnh có thể tự cân đối ngân sách để hỗ trợ, có phụ cấp cho các chi Hội trưởng. Trước đây, Lâm Đồng đã có chi trả phụ cấp cho các chi Hội trưởng, tuy nhiên do chưa có chủ trương từ Trung ương cũng như vướng các quy định nên đã phải cắt bỏ", ông Đa Cát Vinh cho biết.

Bà Trần Thiên Thư- Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ:

Sẽ kiến nghị nâng mức hỗ trợ lên 1 triệu đồng/tháng đối với Chi hội trưởng ở ấp

Ghi nhận phóng viên ý kiến của Chi Hội trưởng nông dân và lãnh đạo Hội Nông dân TP.Cần Thơ về chế độ đãi ngộ cho Chi Hội trưởng nông dân thời gian qua, những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, cuộc sống.

Ông Huỳnh Văn Bằng, Chi Hội trưởng chi Hội Nông dân khu vực Bình Phó B, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ, bộc bạch: "Do yêu mến, tâm quyết với nông dân nên tôi mới nhận làm Chi Hội trưởng Nông dân. 

Công việc của Chi hội rất nhiều, cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn nhưng do yêu mến nông dân nên làm, để hỗ trợ bà con nông dân, chủ yếu là tinh thần. Tôi nghĩ các Chi Hội trưởng khác cũng giống như tôi, chủ yếu tâm quyết với nông dân nên làm. Còn chế độ đãi ngộ, hỗ trợ của nhà nước và Hội cho tôi, mỗi tháng được 625.000 đồng, trước đây có quà tết, nay không có. Ngoài ra, không còn chế độ hay hỗ trợ nào khác.

Chế độ đãi ngộ cho Chi Hội trưởng nông dân còn thấp - Ảnh 1.

Ông Huỳnh Văn Bằng, Chi Hội trưởng chi Hội Nông dân khu vực Bình Phó B, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ. Ảnh: Hồng Cẩm

Thời gian tới, tôi đề nghị: Nhà nước và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam xem xét nâng mức trợ cấp từ 625.000 đồng/tháng lên bằng với Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp, khu vực, là 1.800.000 đồng/tháng; Lễ, Tết Nguyên đán có quà tết; được tuyên dương, khen thưởng,…".

Nói về chế độ đãi ngộ cho Chi Hội trưởng Nông dân thời gian qua, bà Trần Thị Thiên Thư- Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.Cần Thơ, chia sẻ: Vấn đề này, Hội Nông dân thành phố đã tiếp thu, đồng thời cùng với các hội, đoàn thể khác kiến nghị đến HĐND, UBND thành phố để nâng mức chi bồi dưỡng cho những người hoạt động Chi hội ở ấp, khu vực lên khoảng 1 triệu đồng/chi hội/tháng. Qua dự thảo Nghị quyết về mức phụ cấp, bồi dưỡng cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã phường, thì mức bồi dưỡng này có tăng nhưng chưa nhiều.

Chế độ đãi ngộ cho Chi Hội trưởng nông dân còn thấp - Ảnh 2.

Bà Trần Thị Thiên Thư, UVBCH Trung ương Hội, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.Cần Thơ. Ảnh: Hồng Cẩm

Thời gian tới Hội nông dân sẽ tiếp tục kiến nghị để cơ quan chức năng kiện toàn bộ máy và mức hỗ trợ, bồi dưỡng phù hợp.

Trước mắt, Hội nông dân thành phố chỉ đạo Hội Nông dân huyện và cơ sở phối hợp chặt chẽ ủy ban nhân dân và ngân hàng chính sách khi cơ cấu lại các tổ tiết kiệm vay vốn. Chi hội trưởng kiêm nhiệm sẽ có nguồn hoa hồng và bồi dưỡng, sẽ dễ dàng tập hợp hội viên, quản lý nguồn vốn và có kinh phí hoạt động.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Đà Nẵng Nguyễn Kim Dũng: 

Cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng với Chi hội trưởng nông dân

Trao đổi với PV Báo NTNN/Dân Việt, ông Nguyễn Kim Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng cho biết: "Đến nay, thành phố Đà Nẵng có tổng số 729 Chi hội với 47.466 hội viên nông dân. Trong đó có 700 Chi hội theo cụm dân cư, 43 Chi hội nghề nghiệp và 3 Chi hội theo Hợp tác xã, Tổ hợp tác.

Phó Chủ tịch HND TP.Đà Nẵng: Cần có cơ chế, chính sách phù hợp cho Chi hội trưởng nông dân - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Kim Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng. Ảnh: T.N.

"Tôi nhận thấy rằng, để phát huy được hết lợi thế và khả năng của đội ngũ Chi hội trưởng nông dân nòng cốt, thì Hội Nông dân Việt Nam cần có một cơ chế và chính sách đãi ngộ phù hợp. Tôi mong muốn các Chi hội trưởng và Chi hội phó nông dân được cấp thẻ bảo hiểm y tế, điều này sẽ góp phần tiếp thêm tinh thần, tạo nguồn lực động viên họ tiếp tục cố gắng nhằm thực hiện thắng lợi các phong trào, chương trình của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới...", ông Nguyễn Kim Dũng chia sẻ.

Chi hội là đơn vị hành động, cầu nối của Ban chấp hành cơ sở với hội viên, nông dân. Chi hội tổ chức theo thôn, ấp, bản, làng, khu phố, hợp tác xã và theo nghề nghiệp. Chi hội tổ chức Đại hội bầu Ban chấp hành với nhiệm kỳ 5 năm 1 lần".

Chi hội được thành lập có nhiệm vụ phối hợp với các tổ chức trong hệ thống chính trị ở thôn, ấp, bản, làng, khu phố... vận động nông dân thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật và nghĩa vụ công dân với Nhà nước. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, vận động hoà giải tranh chấp trong nội bộ nông dân; nòng cốt trong các phong trào phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Dũng, Chi hội được thành lập giúp các hội viên có điều kiện thuận lợi để vay vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, học hỏi các mô hình kinh tế hiệu quả, đoàn kết tương trợ giúp nhau trong sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Đặc biệt, Chi hội trưởng nông dân được các hội viên tín nhiệm, bầu chọn để đảm nhiệm vai trò là người tiếp nhận các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị của Hội cấp trên để phổ biến cho hội viên, nông dân. Đồng thời gắn bó sâu sát với đời sống để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, nông dân.

Phó Chủ tịch HND TP.Đà Nẵng: Cần có cơ chế, chính sách phù hợp cho Chi hội trưởng nông dân - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Kim Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng trao đổi với PV Báo NTNN/Dân Việt. Ảnh: T.H.

Tại Chi hội nông dân thôn Phú Sơn 2 (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng), anh Cao Văn Tới (34 tuổi) được cấp trên tín nhiệm, hội viên tin tưởng bầu làm Chi hội trưởng. Từ đó, anh thấy mình phải có trách nhiệm đưa công tác hội ngày càng vững mạnh hơn và bản thân phải không ngừng nỗ lực phấn đấu để không phụ lòng tin tưởng của lãnh đạo và toàn thể hội viên.

Phó Chủ tịch HND TP.Đà Nẵng: Cần có cơ chế, chính sách phù hợp cho Chi hội trưởng nông dân - Ảnh 5.

Ngoài làm kinh tế giỏi, anh Cao Văn Tới còn là Chi hội trưởng tâm huyết với công tác hội. Ảnh: T.H.

Dù tuổi đời còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm và bận rộn với công việc gia đình, nhưng anh luôn vui vẻ nhận nhiệm vụ, đưa công tác hội và phong trào nông dân trên địa bàn thôn ngày càng vững mạnh. Anh Tới tích cực vận động hội viên tham gia các hoạt động của hội, trọng tâm là thực hiện có hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Không chỉ là Chi hội trưởng tâm huyết với công tác hội, anh còn là một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với mô hình nuôi cá nước ngọt và chế biến chả cá thát lát đạt chuẩn OCOP 3 sao, cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng. Hiện nay, anh Tới cũng đang giữ vai trò là Giám đốc Hợp tác xã Làng Phú Sơn.

Phó Chủ tịch HND TP.Đà Nẵng: Cần có cơ chế, chính sách phù hợp cho Chi hội trưởng nông dân - Ảnh 6.

Sản phẩm chả cá thát lát của anh Tới đạt chuẩn OCOP 3 sao. Ảnh: T.H.

Anh Tới chia sẻ: "Từ khi được bầu giữ chức vụ là Chi hội trưởng nông dân thôn Phú Sơn 2, tôi đã rất cố gắng để cân bằng giữa công tác hội và công việc gia đình. Mong rằng chính quyền địa phương cũng như Hội cấp trên tiếp tục quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi về các cơ chế, chính sách để những người làm công tác điều hành Chi hội nông dân có thể phát huy tối đa vai trò người "đầu tàu".

Ông Dũng cho biết, hiện nay, thành phố Đà Nẵng có chế độ trợ cấp hang tháng cho các Chi hội trưởng nông dân cũng như các Hội đoàn thể khác, nhằm hỗ trợ một phần chi phí đi lại để Chi hội trưởng quản lý, chuyển tải công việc, điều hành hội viên. Ngoài ra, các địa phương cũng tổ chức khen thưởng tập thể và cá nhân theo định kỳ.

Phó Chủ tịch HND TP.Đà Nẵng: Cần có cơ chế, chính sách phù hợp cho Chi hội trưởng nông dân - Ảnh 7.

Phát huy vai trò "bà đỡ", những năm qua Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ hội viên nông dân xây dựng được các mô hình chăn nuôi, trồng trọt đem lại thu nhập cao. Ảnh: T.H.

Song, điều quan trọng nhất vẫn là sự tâm huyết và trách nhiệm của Chi hội trưởng với công tác hội và phong trào nông dân, đây mới chính là động cơ và là nguồn động lực để Chi hội trưởng nông dân không ngừng nỗ lực cống hiến, đưa phong trào hội của thôn, xã phát triển lớn mạnh, cùng với địa phương hoàn thành các nhiệm vụ trong năm, giúp ích cho cộng đồng.

Ông Trịnh Văn Thiện, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hải Dương: 

Mức hỗ trợ cho chi hội trưởng nông dân còn hạn chế

Hiện nay, mức khoán kinh phí hoạt động của chi Hội Nông dân cũng như của các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, khu dân cư khác (Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh) ở tỉnh Hải Dương thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND ngày 25/7/2020 của HĐND tỉnh Hải Dương về việc quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp, mức bồi dưỡng và khoán kinh phí đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, khu dân cư; khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã, ở thôn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Hướng đến Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam: Tâm sự của những Chi hội trưởng "ăn cơm nhà, vác tù và" (Bài 7) - Ảnh 22.

 Ông Trịnh Văn Thiện, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hải Dương. 

Theo đó: Chi hội thuộc thôn, khu dân cư có dưới 350 hộ: 3 triệu đồng/tổ chức/năm; Chi hội thuộc thôn, khu dân cư có từ 350 hộ trở lên: 4 triệu đồng/tổ chúc/năm. Trong đó: 60% phụ cấp của chi hội trưởng và 40% chi cho hoạt động.

Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND cũng đã hỗ trợ một phần cho các đồng chí chi hội trưởng và hoạt động của chi Hội tại thôn, khu dân cư. Tuy nhiên, mức hỗ trợ này còn hạn chế.

Hiện nay, được biết Sở Nội vụ đang tham mưu cho UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh thông qua nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND với mức hỗ trợ dự kiến sẽ cao hơn mức hỗ trợ hiện nay.

Đối với nguồn Hội phí: Thực hiện theo Quy định số 1181- QĐ/HNDTW ngày 25/12/2013 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về việc thu, nộp, quản lý, sử dụng hội phí và xây dựng, quản lý quỹ Hội. Hiện nay mức đóng hội phí: 1.000 đ/hội viên/1 tháng.

Tổng nguồn hội phí được phân bổ theo tỷ lệ như sau: Chi hội: 60%; cấp cơ sở: 25%; cấp huyện: 10%; cấp tỉnh: 4%; cấp trung ương: 1%.

Mức hội phí trích lại ở chi Hội (60%) không nhiều, chủ yếu ưu tiên chi cho hoạt động của chi hội, phần hỗ trợ thù lao cho cán bộ chi, tổ Hội rất ít.

Đề nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nghiên cứu nâng mức đóng hội phí cho phù hợp với tình hình hiện nay. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem