Hết khát vốn, nhà nông Hưng Yên nghĩ lớn làm lớn

Đức Thịnh Thứ năm, ngày 11/11/2021 18:30 PM (GMT+7)
Với người nông dân, cùng với trăn trở “trồng cây gì, nuôi con gì” thì vốn đầu tư cũng là câu hỏi khó. Nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nông dân Hưng Yên mạnh dạn đầu tư trồng cam, chăn nuôi bò thịt với quy mô lớn để phát triển kinh tế.
Bình luận 0

Vốn đến đúng lúc

Được Quỹ HTND tỉnh cho vay 50 triệu đồng, hộ ông Dương Văn Sảng (ở xã Quảng Châu, TP.Hưng Yên) đã xây dựng mô hình trang trại VAC trồng cây ăn quả, trồng hoa kết hợp nuôi bò sinh sản và thả cá.

Chúng tôi đến thăm khi ông Sảng đang nhanh tay ươm những cây hoa cúc giống để kịp phục vụ dịp Tết Nguyên đán, ông Sảng cho biết: Năm 2020, sau khi được vay vốn, tôi đã cải tạo lại vườn, mua thêm vật tư nông nghiệp để phục vụ sản xuất. Với 4 mẫu vườn, gia đình tôi trồng xen canh các loại cây ăn quả như: Cam, bưởi, ổi, táo… và trồng thêm cây hoa cúc. Ngoài ra, nhà tôi còn nuôi 5 con bò, đào ao thả cá thương phẩm. Mỗi năm, gia đình tôi thu được gần 300 triệu đồng.

Cùng với phát triển kinh tế hộ, nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh Hưng Yên còn giúp nông dân phát triển các mô hình liên kết sản xuất. Ông Nguyễn Văn Bạo - Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) chăn nuôi bò thịt ở xã Phú Cường (TP.Hưng Yên) cho biết: CLB có 14 thành viên, trong đó đã có 10 thành viên được thụ hưởng nguồn vốn vay của Quỹ HTND với tổng số vốn 500 triệu đồng, thời hạn vay trong 2 năm.

Hết khát vốn, nhà nông Hưng Yên nghĩ lớn làm lớn - Ảnh 1.

Mô hình trồng cam đặc sản của nông dân TP.Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên được nguồn vốn Quỹ HTND tiếp sức. Ảnh: M. N

Đánh giá về hiệu quả nguồn vốn vay từ Quỹ HTND, ông Vũ Văn Kiên - Phó Chủ tịch phụ trách Hội ND tỉnh cho biết: Gắn với cho vay, các cấp Hội thường xuyên kiểm tra, theo dõi quá trình sử dụng nguồn vốn. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích và phát huy hiệu quả vốn vay. Nguồn vốn vay đã giúp nhiều hộ có điều kiện để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, trở thành những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.

"Có vốn, các thành viên mua bê giống về nuôi, đầu tư làm chuồng trại và nguồn thức ăn chăn nuôi. Mỗi thành viên có một phương pháp, người thì nuôi gối, người thì xuất bán cả đàn rồi nuôi lứa mới. Việc tiêu thụ bò thịt thuận lợi, đến nay các thành viên trong CLB đã phát triển đàn bò được khoảng 120 con, có hộ nuôi đến 10 con. Các thành viên trong CLB đề xuất mỗi hộ đóng góp 2 triệu đồng để tạo nguồn vốn cho thành viên chưa được thụ hưởng Quỹ HTND và những hộ khác có nhu cầu vay vốn đầu tư chăn nuôi bò" - ông Bạo cho biết.

Anh Trần Văn Cường (ở thôn Tân Mỹ 2, xã Phú Cường) đang đầu tư nuôi 9 con bò, 2 con to nhất trong chuồng đã có người trả đến 70 triệu đồng mà chưa bán. Nếu trừ 50 triệu đồng vay từ Quỹ HTND thì chỉ cần bán 2 con bò ấy anh Cường đã có lãi 20 triệu đồng.

Hơn 81 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ HTND

Theo báo cáo của Hội ND tỉnh Hưng Yên, hiện có 1.319 hộ nông dân được vay vốn từ nguồn Quỹ HTND các cấp với số tiền hơn 81,8 tỷ đồng, được phân bổ thành 135 dự án. Đối với các hộ được vay vốn, Hội ND thường xuyên kiểm tra, giám sát để đồng vốn vay phát huy hiệu quả, sử dụng đúng mục đích, phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình và định hướng phát triển của địa phương.

Để tạo điều kiện cho nhiều hộ nông dân hưởng lợi từ nguồn vốn này, trong quá trình triển khai thực hiện, các cấp Hội ND trong tỉnh đã hướng dẫn các chi hội, tổ hội lập dự án phát triển trồng trọt, chăn nuôi, khẩn trương thẩm định và giải ngân nhanh, tạo điều kiện để nông dân sớm tiếp cận được nguồn vốn.

Bên cạnh đó, Hội tăng cường tuyên truyền hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện liên kết, hợp tác sản xuất.

Cùng với việc hỗ trợ vốn, tổ chức Hội đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân kết nối liên kết cung ứng vật tư sản xuất, xây dựng thương hiệu, quảng bá giới thiệu sản phẩm.

Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội ND phối hợp cung ứng trên 4.264 tấn phân bón trả chậm, 2.095 tấn thuốc bảo vệ thực vật, 65 tấn thức ăn chăn nuôi; tổ chức 1.286 buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 115.238 hội viên; đào tạo nghề cho hơn 2.000 lao động nông thôn; kết nối cung - cầu hỗ trợ tiêu thụ hơn 116,5 tấn nông sản cho nông dân trong và ngoài tỉnh...

Với sự hỗ trợ đó, nhiều dự án vay vốn đã phát huy được hiệu quả nguồn vốn như: Dự án trồng hoa, cây cảnh ở xã Xuân Quan (Văn Giang); dự án chăn nuôi gà sinh sản tại xã Chính Nghĩa (Kim Động)… đem lại thu nhập cao. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem