Hà Nội: Hướng đi nào cho quảng cáo ngoài trời trở thành ngành công nghiệp văn hóa?

Sông Bùi - Bách Thuận Thứ năm, ngày 11/04/2024 17:07 PM (GMT+7)
Quảng cáo ngoài trời ở Hà Nội hiện nay còn nhiều bất cập, vướng mắc, cản trở sự phát triển của ngành, do đó ngành quảng cáo cần được quy hoạch đi vào nề nếp và cần khung pháp lý để phát triển bứt phá, thực sự đóng góp cho nền công nghiệp văn hoá.
Bình luận 0

Đó là ý kiến của các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp và đại diện chính quyền, ngành văn hóa Hà Nội tại tọa đàm "Giải pháp phát huy hiệu quả quảng cáo ngoài trời" để hoạt động này phát huy vai trò là một bộ phận cấu thành của ngành công nghiệp văn hóa, do Báo Người Lao động phối hợp với Hiệp hội quảng cáo thành phố Hà Nội tổ chức, ngày 11/4.

Hoạt động quảng cáo ở Hà Nội còn nhiều bất cập

Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Hà Nội cho biết, tại Hà Nội, nhu cầu quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của các tổ chức, doanh nghiệp (DN), cá nhân là rất lớn, hiện đã có hơn 800 doanh nghiệp đăng ký ngành nghề quảng cáo, trong đó có 200-250 đơn vị hoạt động thường xuyên.

"Hoạt động quảng cáo ngoài trời ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung rất sôi động, đa dạng, phát triển mạnh mẽ cùng với nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội. Nếu các địa phương tận dụng và quản lý tốt hoạt động quảng cáo ngoài trời thì không chỉ mang lại nguồn ngân sách lớn cho nhà nước mà còn giúp đảm bảo cảnh quan đô thị. Bên cạnh đó, việc nâng tầm quảng cáo ngoài trời cũng nhằm mục tiêu hình thành hệ thống tuyên truyền đồng bộ, phục vụ nhiệm vụ chính trị, quảng cáo thương mại ngoài trời, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội", ông Tuấn nói.

Hà Nội: Hướng đi nào cho quảng cáo ngoài trời trở thành ngành công nghiệp văn hóa?- Ảnh 1.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Hà Nội cho biết, hoạt động quảng cáo ngoài trời hiện vẫn còn những bất cập, vi phạm quy định, ảnh hưởng mỹ quan đô thị; có tình trạng một số đơn vị thực hiện quảng cáo chưa đúng quy định, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước...

"Nhiều vị trí ở thành phố rất đắc địa để quảng cáo, nhưng cũng có những nơi mời doanh nghiệp đầu tư vào quảng cáo rất khó vì vị trí không đẹp, không hiệu quả. Để xin làm một bảng quảng cáo ngoài trời, doanh nghiệp phải làm rất nhiều thủ tục, đầu tư cũng rất lớn. Hiện nay nhiều địa phương không ký cấp phép cho xây dựng các biển quảng cáo ngoài trời, nên quy hoạch bảng, biển quảng cáo thành "quy hoạch treo"", ông Tuấn nêu thực trạng.

Là một doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc triển khai quảng cáo ngoài trời trên địa bàn Hà Nội, ông Vũ Đức Sơn, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Bizman cho biết, hiện Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) Hà Nội đang tạm dừng tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo bảng lớn ở cột trụ trên đường cao tốc, quốc lộ… gây nhiều khó khăn cho DN trong tìm kiếm khách hàng. "Hiện nay UBND TP Hà Nội cũng chưa xem xét việc gia hạn màn hình LED nên DN không thể mời gọi đối tác và giải trình hồ sơ pháp lý với địa phương nơi lắp đặt màn hình LED…", ông Sơn than.

Hà Nội: Hướng đi nào cho quảng cáo ngoài trời trở thành ngành công nghiệp văn hóa?- Ảnh 2.

Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam Nguyễn Trường Sơn phát biểu ý kiến tại tọa đàm.

Về phía chính quyền Hà Nội, đại diện UBND TP.Hà Nội cũng cho rằng, hoạt động quảng cáo liên quan nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương, đơn vị; có rất nhiều văn bản pháp luật khác nhau cùng điều chỉnh đối với lĩnh vực quảng cáo như: Luật Quảng cáo, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Giao thông đường bộ, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Kiến trúc… Ngoài ra, ý thức chấp hành các quy định trong hoạt động quảng cáo của một số tổ chức, DN, cá nhân chưa tốt…

Cần xác định quảng cáo ngoài trời là ngành công nghiệp văn hóa

Để hoạt động quảng cáo hiệu quả trên địa bàn Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam Nguyễn Trường Sơn kiến nghị, trong quá trình xây dựng hành lang pháp lý, cần có các quy định để tạo thông thoáng về thủ tục hành chính, thời gian giải quyết thủ tục, cấp phép cho các doanh nghiệp kinh doanh đúng pháp luật.

"Cần phải làm quy hoạch, chỉ có quy hoạch thì chúng ta mới biết chỗ nào được quảng cáo, chỗ nào không, đây là vấn đề doanh nghiệp rất quan tâm", ông Sơn nhấn mạnh quan điểm.

Hà Nội: Hướng đi nào cho quảng cáo ngoài trời trở thành ngành công nghiệp văn hóa?- Ảnh 3.

Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội phát biểu tại tọa đàm.

Đồng ý kiến, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Hà Nội Trần Anh Tuấn cho rằng, một số quy định trong Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn mang tính định tính gây những cách hiểu khác nhau trong quá trình quản lý và việc thực hiện của các tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh đó, tại Hà Nội hiện nay, biển quảng cáo tấm lớn độc lập ngoài trời vẫn chưa được tiếp nhận hồ sơ thông báo. Để tháo gỡ các vướng mắc nêu trên, ông Tuấn cho rằng, quy hoạch biển quảng cáo ngoài trời phải được coi trọng như những quy hoạch của các ngành khác như quy hoạch bất động sản, quy hoạch các khu công nghiệp… cần có hành lang pháp để cụ thể hoá các tiêu chuẩn, quy định cho lĩnh vực này để doanh nghiệp yên tâm đầu tư..

Hà Nội: Hướng đi nào cho quảng cáo ngoài trời trở thành ngành công nghiệp văn hóa?- Ảnh 4.

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) phát biểu tại tọa đàm.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội nhấn mạnh, quảng cáo, trong đó có quảng cáo ngoài trời là một bộ phận cấu thành của công nghiệp văn hoá. Do vậy quảng cáo ngoài trời, quảng cáo tấm lớn cần được quy hoạch lại để tránh tình trạng phát triển manh mún, mất mỹ quan đô thị.

"Hoạt động quảng cáo, nhất là quảng cáo ngoài trời phải hướng đến mục tiêu là một trong những mũi nhọn của công nghiệp văn hoá. Chúng ta cần mời các kiến trúc sư vào, để mỗi công trình quảng cáo như một công trình kiến trúc có giá trị, trở thành ngôn ngữ quảng cáo đặc trưng của từng đô thị, thành phố", ông Hồng nêu quan điểm.

Hà Nội: Hướng đi nào cho quảng cáo ngoài trời trở thành ngành công nghiệp văn hóa?- Ảnh 5.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại tọa đàm.

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), cho biết, với vai trò là quản lý nhà nước và là tổ biên tập sửa đổi Luật Quảng cáo, Cục sẽ lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp. 

"Luật Quảng cáo sẽ tác động tới nhiều đối tượng chính sách được xây dựng sẽ cân đối để không thể vì quyền lợi của cơ quan quản lý mà "bóp chặt" và không phải vì doanh nghiệp mà buông hết", bà Hương nói và cho hay Luật Quảng cáo sửa đổi sẽ được xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2024, dự kiến thông qua vào kỳ họp tháng 5/2025.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, cần thiết phải tổ chức nhiều buổi tọa đàm để lắng nghe ý kiến của các bộ, ngành, các cơ quan, hiệp hội, các chuyên gia để ra được Luật Quảng cáo mới có hiệu lực, hiệu quả, giúp hoạt động quảng cáo theo kịp xu hướng thế giới, đồng thời giải quyết được những bức xúc, bất cập đang tồn tại trong thời gian vừa qua.

Theo ông Sơn, sắp tới, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội sẽ có một đợt giám sát thực hiện Luật Quảng cáo. "Chúng tôi rất trân trọng những ý kiến đóng góp ngày hôm nay. Những ý kiến trong tọa đàm rất quan trọng đối với đợt giám sát này bởi từ đó, những bất cập trong quá trình triển khai luật sẽ được tiếp nhận và xử lý", ông Sơn nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem