Hà Nam: UBND xã thu hồi trắng đầm nuôi thủy sản của nông dân

Vũ Thị Hải Thứ tư, ngày 13/05/2020 09:12 AM (GMT+7)
Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt nhận được đơn của ông Ngô Viết Cường (trú tại thôn 2 xã Đinh Xá, TP.Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) kêu cứu về việc gia đình ông bị UBND xã quyết định thu hồi trắng diện tích đầm nuôi trồng thuỷ sản mà không tính toán bồi thường, hỗ trợ đồng nào.
Bình luận 0

Theo hồ sơ ông Ngô Viết Cường cung cấp, từ năm 1992 gia đình ông được UBND xã Đinh Xá giao khoán 20 mẫu (khoảng 7,4ha) đầm Chiềng để nuôi thả cá. 

Đến năm 2003, thực hiện mô hình sản xuất đa canh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi  trên ruộng trũng của tỉnh Hà Nam, gia đình ông Cường được xã chọn làm điểm để thực hiện mô hình này tại đầm Chiềng. 

Để thực hiện mô hình đa canh, gia đình ông đã phải vay mượn để đầu tư cải tạo đầm. 

Cụ thể, ông Cường đã phải tổ chức nạo vét và san gạt ao từ chỗ cao sang chỗ trũng với khoảng 12 vạn mét khối bùn đất, đắp một con đường có chiều dài 147m, rộng chân đường 3m, rộng mặt đường 2,5m, chiều cao 2m; đầu tư xây một trạm bơm gồm 1 máy và 1 bộ cống qua đường dài 5m, đầu tư 4 máy bơm tát nước, đường điện thắp sáng 150m, …với số vốn đầu tư hơn 3 tỷ đồng.

Hà Nam: UBND xã thu hồi trắng đầm nuôi thủy sản của nông dân  - Ảnh 1.

Ông Ngô Viết Cường và khu đầm gia đình đang nuôi cá

Năm 2015, khi xã Đinh Xá được sáp nhập về Thành phố Phủ Lý, gia đình ông Cường tiếp tục được UBND xã ký hợp đồng cho thuê đầm Chiềng để nuôi thả cá với thời hạn 5 năm, tính từ 2015, đến 31/12/2019 thì hết hạn.

Trong bản hợp đồng cho thuê đầm nói trên ghi rõ quyền và nghĩa vụ của bên thuê đất. 

Trong đó có điều khoản bên thuê được ưu tiên tiếp tục thuê đất sau khi hết hạn và phải trả lại đất sau khi hết hạn thuê theo qui định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đối chiếu với hợp đồng nói trên, đến ngày 31/12/2019 đáng lẽ ra, gia đình ông Cường sẽ được ưu tiên để ký tiếp hợp đồng thuê đất 5 năm tiếp theo.

Trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất (UBND xã không có thẩm quyền thu hồi đất) thì phải thực hiện công tác bồi thưởng theo quy định của Luật đất đai.

Tuy nhiên, thay vì được ký tiếp hợp đồng, gia đình ông Cường lại nhận được thông báo của UBND xã về việc yêu cầu gia đình ông phải thanh lý hợp đồng. 

Ngay sau khi nhận được thông báo trên, ông Cường đã làm đơn gửi UBND xã đề nghị được tiếp tục ký hợp đồng thuê đất, nhưng UBND xã Đinh Xá đã không chấp nhận và buộc gia đình ông phải bàn giao diện tích đầm nói trên cho UBND xã quản lý.

Biên bản làm việc ngày 22/1/2020 giữa UBND xã Đinh Xá và gia đình ông Cường thể hiện, gia đình ông Cường vẫn có nhu cầu xin thuê đất do đó, gia đình ông không ký biên bản thanh lý hợp đồng nói trên.

Trong khi đó, trao đổi với PV Dân Việt, ông Đinh Văn Quyết - Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Xá cho rằng, việc thanh lý hợp đồng nói trên là do hợp đồng đã hết hạn, gia đình ông Cường nuôi thả cá gây ô nhiễm môi trường nên UBND xã thu hồi để giao cho cộng đồng dân cư quản lý.

Mặt khác, năm 2019, khi có dịch tả lợn Châu Phi, gia đình ông Cường đã tự ý thu gom phân gà trong đó có cả xác lợn chết đổ thải trực tiếp xuống đầm làm thức ăn cho cá gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước…

Về nội dung này, ông Cường cho rằng, diện tích đầm của gia đình ông hiện nay không có chuyện ô nhiễm. Gia đình ông cũng không thả xác  lợn chết cho cá ăn (vì gia đình nuôi cá trôi và cá mè, các loại cá này không ăn thịt nên không có chuyện thả xác lợn chết).

Ông Cường cho rằng, UBND xã Đinh Xá đã cố tình lợi dụng việc này để thu hồi diện tích đầm thả cá của gia đình ông.

Khi được hỏi về giá trị bồi thường cho gia đình ông Cường các khoản đã đầu tư  được tính toán như thế nào để thanh lý hợp đồng, ông Đinh Văn Quyết nói, đầm nuôi thủy sản nói trên chỉ có mặt nước, không có cây cối hoa màu, công trình kiến trúc gì, không có tài sản gì phải bồi thường. 

"Còn việc làm đường, đào đắp bờ, gia đình ông Cường muốn nuôi cá phải đắp bờ, khoanh vùng cho cá khỏi đi; muốn bắt cá phải mua lưới về đánh bắt… sao phải bồi thường" - ông Quyết khẳng định.

Khi được hỏi, UBND xã thu hồi đầm của gia đình ông Cường để phục vụ mục đích gì, ông Quyết nói, UBND xã thu hồi để giao cho cộng đồng dân cư thôn 2 quản lý để bảo vệ môi trường, không làm gì cả, không cho ai đấu thầu tiếp. 

Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề làm như vậy sẽ mất đi nguồn thu, lãng phí tài nguyên đất, khi mỗi năm hiện nay, gia đình ông Cường đang nộp sản lượng cho ngân sách địa phương, sau này sẽ mất nguồn thu đó, ông Quyết thẳng thắn: "Có thì tiêu, không có thì thôi"!?

Được biết, đến nay, 12/5/2020, gia đình ông Cường vẫn chưa bàn giao đầm cho UBND xã vì dưới ao vẫn còn nhiều cá chưa được thu hoạch và gia đình ông cho rằng, việc UBND không cho phép gia đình ông tiếp tục thuê đất, đơn phương thanh lý hợp đồng, không tính toán bồi thường là trái với qui định của pháp luật, đẩy gia đình ông vào cảnh nợ nần.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem