Hà Giang bảo tồn bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch

Văn Quân Thứ sáu, ngày 29/09/2023 20:11 PM (GMT+7)
Nằm ở vùng cao biên giới cực bắc của Tổ quốc, Hà Giang hiện có khoảng 19 dân tộc cùng sinh sống. Mỗi dân tộc có những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán riêng, tạo nên bản sắc vùng miền độc đáo, phong phú.
Bình luận 0

Với sự đa dạng về bản sắc văn hóa, sự phong phú về tiềm năng và lợi thế phát triển các loại hình du lịch, tỉnh Hà Giang đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, gắn với phát triển du lịch cộng đồng, góp phần tạo cơ hội phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hà Giang có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 88% dân số; theo đó, dân tộc Mông chiếm 34,4%; Tày chiếm 22,5%; Dao chiếm 14,8%; Kinh chiếm 12,3%; Nùng chiếm 9,5%; Một số dân tộc rất ít người:Lô Lô, Pu Péo, Bố Y, Phù Lá, Pà Thẻn, Hoa Hán,… chiếm 1,05% dân số.

Hiện nay, Hà Giang đang sở hữu 3 bảo vật quốc gia, 31 di tích cấp quốc gia, 30 di tích cấp tỉnh, 22 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 18 Nghệ nhân ưu tú. Không những thế, giá trị một số di sản của tỉnh đã vượt ra khỏi biên giới lãnh thổ quốc gia, được cộng đồng quốc tế tôn vinh. Đó là di sản văn hóa thực hành Then, Tày, Nùng…; Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận, đưa vào danh mục Công viên Địa chất toàn cầu.

Không những vậy, Hà Giang còn là vùng đất của những lễ hội đặc sắc: Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn, lễ hội Lồng Tồng của người Tày, lễ hội Gầu Tào của người Mông, lễ cúng thần rừng của người Pu Péo, lễ Cấp sắc của người Dao, lễ mừng cơm mới của người La Chí, lễ hội Chợ tình Phong Lưu Khâu Vai...

Những giá trị di sản văn hóa này là mạch nguồn văn hóa để Sở VHTT&DL cùng với các cấp, ngành địa phương tham mưu cho tỉnh để giữ gìn và bảo tồn.

Những năm qua, Hà Giang luôn chú trọng đến việc lưu giữ những bản sắc văn hóa độc đáo và xem đó là thế mạnh để tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh trong giai đoạn mới thông qua việc bảo tồn, phát huy và đưa bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch.

Để làm tốt công tác bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành 03 Nghị quyết Chuyên đề về lĩnh vực bảo tồn, phát huy những giá trị DSVH; Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành 02 Đề án về bảo tồn và phát huy những giá trị DSVH. Mục tiêu của việc bảo tồn là luôn tôn trọng những bản sắc văn hóa cộng đồng, cương quyết loại bỏ những cái phi văn hóa, phản văn hóa để xây dựng nếp sống văn minh; hướng đi đó đã và đang được tỉnh Hà Giang thực hiện.

Đến nay, các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc của Hà Giang vẫn được bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Trong đó, Đề án số 1416 về tổ chức các lễ hội và nâng cao các hoạt động tổ chức lễ hội trên địa bàn toàn tỉnh đã được triển khai có hiệu quả. Nhiều lễ hội truyền thống gắn với các sự kiện thường niên đã từng bước trở thành thương hiệu du lịch của Hà Giang, điển hình như: Lễ hội hoa Tam giác mạch, Tuần văn hóa di sản Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Lễ hội Khèn Mông…

Song song với đó, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc tiếp tục được bảo tồn, phục dựng như: Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, Lễ hội Bàn Vương của dân tộc Dao, Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông… Các ngành chức năng Hà Giang cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương mở các lớp dạy nhạc cụ, dân ca, dân vũ truyền thống, góp phần phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.

Hà Giang bảo tồn bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch - Ảnh 1.

Nhà của Pao một trong những điểm thu hút khách du lịch tiềm hiểu khám phá

Đặc biệt, việc kết hợp phát triển làng nghề truyền thống với phát triển du lịch cũng được các địa phương trong tỉnh đặc biệt quan tâm; nhờ đó vừa hỗ trợ khôi phục cho các làng nghề truyền thống, vừa góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh.

Theo thống kê của Sở du lịch Hà Giang, đến nay toàn tỉnh Hà Giang đã có 35 làng văn hóa du lịch cộng đồng, trong đó có 15 làng văn hóa du lịch tiêu biểu được UBND tỉnh công nhận. Một số làng văn hóa du lịch thu hút được lượng lớn khách tham quan như: Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm (Quản Bạ); Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Hạ Thành (thành phố Hà Giang); Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Pả Vi Hạ (Mèo Vạc)… Thu nhập bình quân của các hộ làm dịch vụ du lịch bình quân đạt 50 - 70 triệu đồng/năm.

Bà Nguyễn Thị Hoài, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Hà Giang cho biết: Tiềm năng văn hóa của Hà Giang rất đa dạng và phong phú, do đó, Hà Giang đã xác định phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển du lịch dựa trên yếu tố bản sắc văn hóa của của đồng bào các dân tộc Hà Giang. Lễ hội là một trong những hoạt động văn hóa mà ở đó du khách có thể cảm nhận được các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS.

"Vì vậy, thông qua các hoạt động Lễ hội để phát triển du lịch là một trong những hướng đi mà ngành VHTT&DL đã và đang tham mưu cho tỉnh nhằm khai thác và phát triển" – bà Hoài nhấn mạnh. Với sự đa dạng về bản sắc văn hóa của đồng bào các DTTS, sự phong phú về tiềm năng, lợi thế phát triển các loại hình du lịch, Hà Giang đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, vừa gắn với phát triển du lịch cộng đồng, qua đó góp phần ổn định cuộc sống cho đồng bào các dân tộc, mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Giúp cho cộng đồng các dân tộc ở Hà Giang "Sống trong đá, thoát nghèo bằng đá và có thể làm giàu trên đá".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem