Gỡ khó cho tiêu chí nhà văn hóa, khu thể thao

Thứ bảy, ngày 14/09/2013 08:57 AM (GMT+7)
Ở hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang gặp không ít khó khăn, bất cập trong việc thực hiện tiêu chí về xây dựng nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn. Vậy đâu là giải pháp để các xã hoàn thành tiêu chí này?
Bình luận 0
“Đây thực sự là tiêu chí khó”

Theo Thông tư 12 của Bộ VHTTDL, khu trung tâm văn hóa thể thao xã phải đạt ít nhất 20 tiêu chí. Tìm hiểu thực trạng chúng tôi được biết, hiện nay hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đều chưa đạt theo chuẩn của Thông tư 12. Huyện Hải Hà là một trong những địa phương đang tập trung chỉ đạo để các xã về đích đúng lộ trình, tuy nhiên cả 15/15 xã chưa đạt chuẩn.

Huyện Đông Triều, địa phương ở khu vực đồng bằng có nhiều điều kiện thuận lợi mà cũng chưa có xã nào xây dựng mới trung tâm văn hóa thể thao xã theo chuẩn, chỉ lồng ghép với các công trình đã có sẵn như lấy hội trường xã làm nơi sinh hoạt chung, lấy các bãi đất trống, hoặc sân vận động cũ thành nơi tập luyện thể thao. Một số xã có điều kiện hơn thì cũng chỉ vận dụng để đề xuất công nhận cơ bản đạt tiêu chí.

Một nhà văn hóa thôn của phường Hà An (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) được hoàn  thành và đưa vào sử dụng từ năm 2011.
Một nhà văn hóa thôn của phường Hà An (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2011.

Mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần cho người dân nông thôn. Như vậy, song song với việc triển khai các tiêu chí về sản xuất, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế thì các tiêu chí về văn hóa xã hội cần phải được coi trọng đầu tư tương xứng. Tuy nhiên, đến nay các xã vẫn đang ưu tiên dành hầu hết nguồn lực cho các tiêu chí về hạ tầng thiết yếu và phát triển sản xuất, do đó nguồn lực dành cho nhà văn hóa và khu thể thao xã vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Ông Lê Văn Cường - Bí thư Đảng ủy xã Hải Đông (TP.Móng Cái) cho biết: Nếu có mặt bằng sạch, để đầu tư một trung tâm văn hóa và khu thể thao trên địa bàn xã đạt chuẩn phải đầu tư 20 - 30 tỷ đồng. Đây là một khoản tiền không nhỏ, trong khi nguồn ngân sách địa phương được phân bổ cho nông thôn mới còn hạn chế, chúng tôi cũng phải cân đối để dành nguồn lực hằng năm ưu tiên cho các tiêu chí cấp thiết hơn, mặt khác xã đang quyết tâm về đích năm nay. Do đó, đây là thực sự là tiêu chí khó.

Cần phân kỳ đầu tư, vận dụng phù hợp

Trao đổi về giải pháp tháo gỡ khó khăn nói trên, ông Hoàng Đình Sáu- Phó Trưởng ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: Về cơ sở vật chất, trước mắt các địa phương nhất thiết phải quy hoạch vị trí hợp lý để xây dựng trung tâm văn hóa và khu thể thao xã. Để đạt chuẩn tiêu chí này các xã phải có nguồn lực lớn, như vậy sẽ khó bố trí ngay một lúc, do đó các xã nên phân ra làm nhiều giai đoạn đầu tư để đến 2015 cơ bản các xã theo lộ trình về đích sẽ hoàn thành tiêu chí này.

"Để đạt chuẩn tiêu chí này, các xã phải có nguồn lực lớn, như vậy sẽ khó bố trí ngay một lúc. Do đó, các xã nên phân ra làm nhiều giai đoạn đầu tư để đến 2015 cơ bản các xã theo lộ trình về đích”.
Ông Hoàng Đình Sáu
- Phó Trưởng ban Xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh


Giải pháp trước mắt đối với các xã gần trung tâm huyện có thể sử dụng chung với nhà văn hóa và khu thể thao của huyện. Hoặc các xã ít dân cư, địa bàn gần nhau có thể đầu tư chung nhà văn hóa và khu thể thao liên xã. Các xã hiện đã có hội trường xã, hoặc đình làng có diện tích cơ bản đủ lớn (xấp xỉ diện tích quy định) thì trước mắt cũng có thể bố trí thành nhà văn hóa của xã, chỉ cần san gạt mặt bằng thích hợp để trở thành khu thể thao làm nơi tập luyện và vui chơi cho thanh thiếu nhi và nhân dân. Còn về công tác tổ chức và hoạt động thì các xã cần quan tâm triển khai đồng bộ theo quy định để có thể cơ bản đạt chuẩn.

Trong điều kiện khó khăn hiện nay, để hoàn thành tiêu chí này, các xã cần linh hoạt, chủ động tích cực trong tổ chức thực hiện. Ngoài ngân sách phân bổ của tỉnh, để đầu tư, các xã cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trên địa bàn, chủ động kêu gọi xã hội hóa, vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và nhân dân đóng góp một phần để có thể sớm hoàn thành tiêu chí này.

Tiêu chí cao cho đời sống tinh thần

Theo quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tại Thông tư số 12 ngày 22.12.2010, quy định đất quy hoạch khu trung tâm văn hóa - thể thao xã phải có diện tích tối thiểu 2.500m2 đối với đô thị đồng bằng và 1.500m2 đối với miền núi, hải đảo. Trong đó, hội trường đa năng có 250 chỗ ngồi đối với đồng bằng, 200 chỗ ngồi đối với miền núi. Bố trí các phòng chức năng nhà văn hoá đa năng như phòng hành chính; phòng đọc sách, báo, thư viện; thông tin truyền thanh; câu lạc bộ, phòng tập các môn thể thao đơn giản. Trung tâm này có các công trình phụ trợ như nhà để xe, khu vệ sinh, vườn hoa; có trang thiết bị nhà văn hoá như bàn ghế, giá, tủ, trang bị âm thanh, ánh sáng, thông gió, đài truyền thanh; có dụng cụ chuyên dùng cho các môn thể thao phù hợp với phong trào thể thao quần chúng ở xã. Các xã phải có sân thể thao phổ thông gồm sân bóng đá, ở hai đầu sân bóng đá bố trí sân bóng chuyền, sân nhảy cao, nhảy xa, sân đẩy tạ và một số môn thể thao dân tộc của địa phương.

Để phát huy hiệu quả của nhà văn hóa, sân thể thao, các xã sẽ phải làm tốt công tác tổ chức quản lý và hoạt động liên quan...

Bá Trinh (Bá Trinh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem