Giữ chân lao động nông thôn bằng nghề truyền thống

Chúc Ly Thứ hai, ngày 06/01/2020 19:45 PM (GMT+7)
Tại Kiên Giang, các làng nghề, nghề truyền thống ở nông thôn thời gian qua đã tạo việc làm cho nhiều lao động. Vừa qua, tỉnh đã công nhận thêm một làng nghề và 8 nghề truyền thống, nhằm tiếp tục duy trì, hỗ trợ và giữ vững nghề truyền thống, góp phần nâng cao thu nhập người dân.
Bình luận 0

Hạn chế lao động đi làm xa

Thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 về việc phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 (gọi tắt là OCOP), tỉnh Kiên Giang đang triển khai xây dựng đề án “Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020” nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông thôn, cải thiện đời sống người dân.

img

img

Nghề nung đất ở xã Thổ Sơn đã tạo công ăn việc làm cho 50 lao động, thu nhập bình quân dao động từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.  Ảnh: T.T

"Sắp tới, Phòng Kinh tế TP.Hà Tiên phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh hỗ trợ phương tiện phơi, sấy cho các hộ làm nghề làm tôm khô để nâng cao chất lượng sản phẩm. Tiến tới đóng gói, không sử dụng chất bảo quản, cung cấp cho thị trường để quảng bá thương hiệu tôm khô Hà Tiên”.

Ông Lý Thái Hưng - Trưởng Phòng Kinh tế TP.Hà Tiên

Theo ngành chức năng tỉnh Kiên Giang, Chương trình OCOP nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, là giải pháp nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Năm 2018, tỉnh công nhận 2 làng nghề truyền thống và 12 nghề truyền thống. Năm 2019, tỉnh tiếp tục công nhận 1 làng nghề và 8 nghề truyền thống.

Các nghề truyền thống trên đều đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định của Nghị định số 52/2018 về phát triển ngành nghề nông thôn. Nghề xuất hiện tại địa phương trên 50 năm và đang tiếp tục phát triển; nghề tạo ra sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc; nghề gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề.

Theo đó, làng nghề đan ghế bằng dây nhựa vừa được công nhận năm 2019 đáp ứng đủ 3 tiêu chí: Tối thiểu 20% tổng số hộ trên địa bàn tham gia một trong các hoạt động; hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tối thiểu 2 năm liên tục và tính đến thời điểm được công nhận; đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường, làng nghề theo quy định hiện hành. 

Ông Đỗ Minh Nhựt - Phó Giám đốc Sở NNPTNT cho rằng: Xét và công nhận nghề truyền thống và làng nghề nhằm tạo điều kiện để các cấp quan tâm, hỗ trợ duy trì, phát huy nghề không bị mai một. Nghề truyền thống tại địa phương vừa mang lại thu nhập cho lao động nông thôn, vừa giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Đây cũng là ngành nghề giữ chân lao động nông thôn, hạn chế tình trạng lao động ồ ạt đổ về thành phố.

Tạo thu nhập ổn định

Là xã đặc biệt khó khăn, bên cạnh sản xuất nông nghiệp, người dân ở xã Thổ Sơn (huyện Hòn Đất) sinh sống chủ yếu dựa trên nghề nung đất (nồi đất). Nghề nung đất của xã ra đời vào những năm 1960. Tương truyền vị tổ nghề là người Khmer, và người làm nghề này lâu nhất hiện nay là ông Trịnh Văn Hạnh (sinh năm 1939), ngụ ấp Vạn Thanh, xã Thổ Sơn và gia đình bà Thị Cà Hạng (sinh năm 1960).

Sản phẩm của nghề nung đất chủ yếu là các dụng cụ nhà bếp dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Nguyên liệu chính của nghề nung đất là đất sét có sẵn tại địa phương. Để có một sản phẩm hoàn chỉnh, người thợ phải thực hiện khá nhiều công đoạn từ khâu chọn đất, nhào nặn, vỗ và tạo hình sản phẩm, làm bóng, tạo hoa văn cho sản phẩm.

Hiện nay, xã Thổ Sơn còn 18 hộ làm nghề, tập trung nhiều nhất tại ấp Hòn Quéo và ấp Vạn Thanh. Nghề nung đất đã tạo công ăn việc làm cho 50 lao động, thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm sau khi nung xong sẽ được chuyển đi tiêu thụ ở trong tỉnh, các tỉnh khu vực ĐBSCL, Đông Nam Bộ. Ông Trần Phan - Phó Chủ tịch UBND xã Thổ Sơn cho biết: “Người dân cần được hỗ trợ thiết bị, máy móc phục vụ nghề, giảm bớt các công đoạn thủ công để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, người dân cần được hỗ trợ đầu ra, đảm bảo thu nhập và thu hút thêm nhiều lao động”.

Làm tôm khô tại TP.Hà Tiên  là nghề có truyền thống hơn 50 năm và được sản xuất từ sản vật tự nhiên tại địa phương. Hiện TP.Hà Tiên có 200 hộ gia đình theo nghề làm tôm khô tập trung ở Đông Hồ, Bình San, Pháo Đài và Tô Châu. Nghề tôm khô có hơn 800 lao động tham gia sản xuất, thu nhập bình quân từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Nhờ nguyên liệu tôm khai thác tự nhiên tại vùng biển Hà Tiên và đầm Đông Hồ nên có vị ngọt, thơm riêng biệt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem