Dạy nghề cho lao động nông thôn: Phát triển vùng trồng rau an toàn sau học nghề

Nguyệt Tạ Thứ ba, ngày 19/11/2019 10:50 AM (GMT+7)
Đào tạo nghề được xem là cơ hội “vàng” cho người dân nâng cao trình độ, có việc làm, tăng thu nhập. Đặc biệt, việc dạy nghề còn giúp phát triển kinh tế địa phương nhờ hình thành vùng chuyên canh. Thực tế ghi nhận từ vùng chuyên canh trồng rau an toàn ở Yên Khánh (Ninh Bình).
Bình luận 0

Dạy nghề theo thế mạnh của địa phương

Yên Khánh là huyện nằm phía đông nam của tỉnh Ninh Bình, phần lớn diện tích được bồi đắp bởi phù sa của sông Đáy. Vì vậy từ lâu, nơi đây được xem là huyện thuần nông, thế mạnh phát triển nông nghiệp, chủ yếu trồng rau củ.

img

 Mô hình trồng rau an toàn cho giá trị kinh tế cao của gia đình chị Nguyễn Thị Hằng. Ảnh: P.V

"Được học nghề, nhận thức của bà con đã thay đổi rõ rệt. Nhiều nông dân chuyển đổi thói quen từ canh tác rau truyền thống sang canh tác rau hiện đại, theo lối hàng hóa có ứng dụng khoa học vào sản xuất. Nhờ vậy, giá trị hàng hóa trồng rau tăng 30-40% so với giá trị trồng lúa”.

Ông Nguyễn Cao Cường - Chủ tịch Hội ND huyện Yên Khánh (Ninh Bình)

Xác định đào tạo nghề là khâu then chốt hướng tới giảm nghèo bền vững, những năm qua, huyện Yên Khánh đã tập trung làm tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện phấn đấu đào tạo 70 lớp với hơn 2.000 học viên, tập trung vào các nghề là thế mạnh của địa phương như chăn nuôi; sản xuất rau an toàn.

Để giúp nông dân làm quen với lối sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn dựa trên định hướng phát triển kinh tế của địa phương.

Chị Nguyễn Thị Hằng (trú xóm 7, xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh) - một trong những học viên lớp trồng rau an toàn cho biết: “Sau học nghề, tôi còn được xã tạo điều kiện để tích tụ 5ha đất sản xuất. Với diện tích này, gia đình tôi trồng mướp đắng, dưa chuột, rau muống, bắp cải, súp lơ, su hào theo hướng an toàn. Bình quân mỗi tháng, gia đình tôi sản xuất được 10 tấn rau củ quả. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình cũng thu lợi từ 200-300 triệu đồng”.

Tương tự, ông Chu Đức Độ - hội viên nông dân ở xóm 9, xã Khánh Hồng cũng là người được hưởng lợi từ các chương trình dạy nghề và tập huấn kỹ thuật cho nông dân, chia sẻ: “Toàn bộ khu vực sản xuất rau nhà tôi được đầu tư hệ thống nhà lưới, phun mưa và áp dụng các công nghệ ươm giống bằng khay xốp. Ngoài ra, tôi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bằng thảo dược giúp tăng sản lượng và chất lượng cho cây trồng”.

Ông Độ cho biết, việc áp dụng phương thức luân canh theo mùa vụ, trồng rau theo hướng an toàn đã mang lại thu nhập cao gấp 5 lần so với trồng rau truyền thống cho gia đình ông. Đặc biệt, các sản phẩm rau của gia đình ông được chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và được các công ty cung ứng rau sạch ở các tỉnh, thành phố lớn thu mua.

Có nghề, nông dân sản xuất hàng hóa lớn

Ông Nguyễn Cao Cường - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Khánh cho biết, trong 3 năm trở lại đây, Hội đã phối hợp với các trường nghề tiến hành khảo sát nhu cầu người học, mở nhiều lớp dạy nghề trồng rau sạch trên địa bàn các xã. Điều này góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, ưu tiên tổ chức lại sản xuất, đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất, xây dựng nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vậy, diện tích sản xuất nông nghiệp ngày càng được mở rộng theo hướng chuyên canh cây trồng cho giá trị cao. Giá trị sản xuất trên 1ha rau đạt từ 400 - 500 triệu đồng/năm.

Ông Cường cho hay: “Được học nghề, nhận thức của bà con đã thay đổi rõ rệt. Nhiều nông dân chuyển đổi thói quen từ canh tác rau truyền thống sang canh tác rau hiện đại, theo lối hàng hóa có ứng dụng khoa học vào sản xuất. Nhờ vậy, giá trị hàng hóa trồng rau tăng 30-40% so với giá trị trồng lúa”.

Ông Trần Ngọc Diệp - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Khánh cho biết, trước đây, sản xuất nông nghiệp của địa phương chủ yếu là sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Từ ngày huyện có định hướng tái cơ cấu nền nông nghiệp, mở rộng các vùng sản xuất chuyên canh, rau, lúa…, huyện đã xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật cho bà con để bà con làm kinh tế.

Nhờ vậy, huyện đã hình thành nên các mô hình sản xuất rau an toàn tại xóm 13, xã Khánh Thành quy mô hơn 20ha và tại xã Khánh Hồng với 1,6ha cho doanh thu từ 500 - 700 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng hành, rau, củ, quả xuất khẩu theo hướng VietGAP tại xã Khánh Cư với quy mô 4ha, cho thu nhập 230 triệu đồng/ha/năm... Hiện tại, huyện đã thực hiện chuyển đổi 50ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng những cây, con có giá trị kinh tế cao.

Nói về sự thành công trong việc xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, ông Diệp khẳng định là do sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương trong việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế, cũng như việc đầu tư dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

“Không có một đội ngũ nông dân giỏi, biết ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất thì không thể hình thành nên những vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa hiện đại, cho giá trị sản lượng cao” - ông Diệp nói.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem